Gỡ vướng giấy đi đường để lưu thông nông sản cho TP.HCM
Không thể vận chuyển nông sản vì thiếu giấy đi đường, doanh nghiệp kêu cứu
Nguyên Vỹ
Thứ sáu, ngày 27/08/2021 14:45 PM (GMT+7)
Gỡ vướng giấy đi đường để cung ứng nông sản cho TP.HCM cần giải pháp linh động từ chính quyền cho đến doanh nghiệp để việc siết chặt giãn cách không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thiếu giấy đi đường đang trở thành gánh nặng của nhiều tỉnh thành và doanh nghiệp khi vận chuyển nông sản về TP.HCM.
Siết là "gãy" vì thiếu giấy đi đường
HTX Rau an toàn Hòa Thạnh ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) đang trồng với 36 chủng loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Với năng suất mỗi ngày từ 5-6 tấn rau các loại, HTX Hòa Thạnh cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM.
Cũng như nhiều đơn vị khác, năng lực sản xuất của HTX Hòa Thạnh được duy trì nhờ vào liên kết tiêu thụ ổn định với các đối tác tại TP.HCM. Nên khi TP.HCM có biến là nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ bị ảnh hưởng theo ngay lập tức.
Ngày 23/8, khi TP.HCM áp dụng giãn cách mức độ cao để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng là lúc hàng tấn rau của HTX bị ùn ứ.
Ông Nguyễn Thanh Quang – Chủ tịch HĐQT HTX Rau an toàn Hòa Thạnh cho biết, hiện rau của HTX không rất khó xuất đi do TP.HCM siết chặt việc giãn cách xã hội.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khiến việc cung ứng hàng hóa tại các siêu thị cũng bị ảnh hưởng.
"Hiện HTX chưa biết tính sao với số rau còn tồn ngoài ruộng. Nếu tình hình không được tháo gỡ, có thể HTX sẽ ngưng hoạt động trong nửa tháng tới", ông Quang cho hay.
Tương tự, thị trường tiêu thụ nông sản chính của tỉnh Long An lâu nay cũng là TP.HCM. Tuy nhiên, vài ba ngày nay, khâu vận chuyển qua các chốt để về TP.HCM đang rất vướng.
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An kể trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Long An nhưng lại có văn phòng đại diện tại TP.HCM.
Doanh nghiệp này không thể thực hiện các thủ tục xuất khẩu vì không có: Giấy đi đường.
Bà Khanh kể, Long An sẵn sàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng người của văn phòng đại diện lại ở TP.HCM.
Thời gian liên hệ để được hướng dẫn mất hết 3 ngày. Trong khi thanh long xuất khẩu tươi cho thị trường khó tính không thể đợi lâu, khiến doanh nghiệp rất bức xúc.
Sở NNPTNT sẽ tạo điều kiện để các đơn vị có thể kết nối và cung ứng nông sản cho TP.HCM khi có nhu cầu. "Tuy nhiên vấn đề chính vẫn là giấy đi đường và phương án vận chuyển", bà Khanh nói.
Không chỉ cấp sở ngành lúng túng mà hiệp hội các ngành hàng cũng bày tỏ nan giải tương tự. Mới đây là công văn mà 7 hiệp hội ngành hàng cùng ký tên đề nghị Chính phủ lẫn chính quyền TP.HCM tạo điều kiện tháo gỡ xung quanh: Giấy đi đường.
Gỡ vướng giấy đi đường để lưu thông nông sản cho TP.HCM
Ngoài các cửa hàng ngay tại TP.HCM, Shop Hoa Yêu Thương còn có hệ thống phân phối ở nhiều khá nhiều tỉnh thành. Do hoa không phải mặt hàng thiết yếu và nhu cầu không cao trong mùa dịch, chuỗi cửa hàng này đã ngừng bán hoa.
Với hệ thống phân phối sẵn có, Hoa Yêu Thương muốn góp 1 tay vào việc kết nối tiêu thụ nông sản nên đã chuyển sang bán rau củ quả.
Ông Phạm Hoàng Thái Dương, chủ shop Hoa Yêu Thương kể, cửa hàng có khả năng cung cấp 350 tấn rau/tháng, góp phần giải quyết nhu cầu cho khoảng 50.000 hộ gia đình.
Nhu cầu và đơn hàng khá cao nhưng cửa hàng chỉ được cấp có 1 giấy đi đường. 1 tờ giấy đi đường không thể giải quyết được vấn đề gì so với hàng tấn nông sản đang tồn đọng ở Lâm Đồng.
"Bây giờ, rau tới lứa không tiêu thụ được phải đổ bỏ trong khi người dân ở TP.HCM thiếu rau", ông Dương kể.
Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, gói combo nông sản mà Bộ NNPTNT đang triển khai là một sáng kiến hay.
Tuy nhiên khi nông sản từ ĐBSCL đưa về thành phố, ai sẽ tiếp nhận và vận chuyển như thế nào mới là quan trọng.
Theo ông Hiệp, một số doanh nghiệp có sẵn kho bãi, có thể tiếp nhận cũng như điều phối lực lượng giao nhận. "Nhưng vấn đề đặt ra là họ không được cấp giấy đi đường thì cũng không thể nào vận chuyển được", ông Hiệp nói.
Đại diện Sở NNPTNT cho biết, Sở đang nỗ lực phối hợp cùng Tổ công tác 970 (thuộc Bộ NNPTNT) giải quyết vấn đề xin giấy đi đường cho các điểm phân phối trong nội thành TP.HCM.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai chương trình đi chợ hộ. Sau khi các điểm phân phối nhận hàng, các địa phương sẽ đến tiếp nhận. "Đây cũng là một giải pháp mà Sở tìm hướng hỗ trợ vì cung và cầu đều rất lớn", ông Hiệp cho biết.
"TP.HCM đang ở trong trạng thái lưu thông không bình thường, thị trường cũng không bình thường. Vì mục tiêu phòng chống dịch là trên hết nên tất cả các sở ngành phải linh động tìm phương án tháo gỡ khó khăn", ông Hiệp chia sẻ.
Ông Hiệp cho biết thông tin mới nhất sau cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải về vận chuyển hàng hóa mới đây, là xe tải chở hàng đã được tạo điều kiện thuận lợi đi vào TP.HCM.
Cùng chia sẻ khó khăn
Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt – Thành viên Tổ công tác 970 (Bộ NNPTNT) cho biết, Tổ cũng đang tích cực phối hợp, hỗ trợ các tỉnh thành tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa.
Theo ông Tùng, TP.HCM đang trong tình cảnh hết sức khó khăn mới phải hạn chế đến mức tối đa lượng người đi ra ngoài đường.
Việc hạn chế như vậy sẽ khiến hàng hóa và nhiều nhu cầu, nhiệm vụ khác bị ảnh hưởng chứ không riêng gì vận chuyển nông sản.
"Nhưng nếu ai cũng đòi cấp giấy để ra đường thì việc cấp giấy còn có tác dụng gì nữa. Bản thân Bộ NNPTNT rất hiểu khó khăn này của thành phố và các đơn vị liên quan", ông Tùng chia sẻ.
Bất cứ văn bản hay quy định nào mới ra đời cũng sẽ gây ra những lúng túng bước đầu. Vì thế, theo ông Tùng, sự thông cảm và chia sẻ để tìm hướng tháo gỡ từng vấn đề riêng vừa đảm bảo mục tiêu chống dịch nói chung của thành phố là rất cần thiết lúc này.
Ở cấp bộ ngành, các nỗ lực này tháo gỡ vướng mắc được thể hiện mới nhất thông qua kết luận của Bộ Giao Thông Vận Tải chiều ngày 25/8. Trong đó, ông Tùng nhấn mạnh đến 4 nhóm nội dung chính:
Tất cả các luồng giao thông đều thông suốt, không phân biệt các luồng xanh, đỏ, vàng. Tất cả các loại hàng hóa đều được vận chuyển, trừ hàng cấm. Xét nghiệm Covid-19 từ kết quả test nhanh đến test PCR đều tương đương nhau và có giá trị vòng 72 giờ.
"Cuối cùng là cấm việc lập các trạm trung chuyển hàng hóa, gây khó dễ cho lưu thông như trường hợp ở TP.Cần Thơ vừa qua", ông Tùng chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.