Khi mới vào vụ thu hoạch cau trong năm 2021, giá cau tươi chỉ khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg, do thị trường Trung Quốc tăng tốc thu gom để làm kẹo cau, cộng với sản lượng cau năm nay giảm mạnh nên giá cau trên thị trường tăng cao ngất ngưởng, lên đến 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 100.000 đồng/kg.
Tại một làng trồng cau ở Thanh Chương (Nghệ An), giá cau tươi tăng cao nên người dân phấn khởi ra mặt và kích thích người dân trồng mới diện tích cau.
Một cơ sở chuyên ươm giống cau ở huyện Thanh Chương cho biết, hiện nay, giá cau giống lên đến 35.000 – 50.000 đồng/cây tùy độ lớn của cây.
Chủ cơ sở này cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, ông đã bán ra số lượng 600 cây cho người dân quanh vùng nhưng số lượng người đặt hàng vẫn rất đông.
Theo những người dân trồng cau, cau là loại cây trồng không tốn kém, không tốn công chăm sóc, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật lại cho thu hoạch được lâu năm.
Trên thực tế, giá cau tươi tăng cao như hiện nay một phần vì Trung Quốc thu gom làm kẹo cau, một phần vì sản lượng cau giảm đáng kể do năm 2020 nhiều diện tích cau bị ảnh hưởng do bão.
Chủ một xưởng chế biến nông sản, trong đó có sấy khô cau trên địa bàn huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết, nếu như những năm trước giá cau chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg thì năm nay tăng lên tới 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, do chỉ phụ thuộc vào đầu mối Trung Quốc nên cơ sở này không dám chắc giá cau sang năm sẽ còn giữ ở mức cao như vậy.
Trong khi người dân phấn khởi ra mặt vì giá cau tăng cao thì ngành chức năng nhiều địa phương lo lắng và ngay lập tức có khuyến cáo nông dân không nên chặt bỏ những cây trồng lâu năm, ồ ạt trồng cau vì rất rủi ro.
Mới đây, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với phát triển diện tích trồng cau, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đã phải ban hành Văn bản số 2719/SNN-TTBVTV khuyến cáo người dân không phát triển nóng cây cau.
Theo công văn này, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND cấp xã thực hiện tốt việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tự ý chặt bỏ, chuyển đổi những diện tích trồng cây hàng năm, lâu năm sang trồng cau.
Nếu trồng cau chỉ nên trồng số lượng vừa phải ở những diện tích đất vườn, vườn tạp còn trống để không phá vỡ sinh cảnh.
Duy trì chăm sóc tốt giúp tăng khả năng đậu quả, nâng cao năng suất cau tươi đối với diện tích cau hiện có.
Đáng chú ý, Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình khuyến cáo người dân không sử dụng muối ăn để bón cho cây, vì sẽ phá vỡ kết cấu, chai cứng đất, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật có ích trong đất.
Đại diện Chỉ cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình cho rằng, cau không phải loại cây thế mạnh, đầu ra rất bấp bênh, giá cau lên xuống thất thường, bà con không nên nhìn vào giá cau tươi hiện tại mà trồng ồ ạt.
Thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 20ha cau, tập trung nhiều ở huyện Kim Bôi.
Dựa trên công văn của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, huyện Kim Bôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không nên ồ ạt tăng diện tích trồng cau để tránh rủi ro.
Huyện cũng sẵn sàng lập biên bản, xử lý ngay theo quy định của Nhà nước những trường hợp tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng cau mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, Phòng NNPTNT huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cũng khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích trồng cau để thay thế các cây trồng cũ vì cau vẫn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nên thị trường không ổn định. Không những thế, cau còn dễ làm xấu đất do đây là loại cây rễ nhiều.
Trao đổi với Dân Việt về việc nông dân có xu hướng mở rộng diện tích cau, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định, hiện, cau không nằm trong cơ cấu cây trồng chính của bất kỳ địa phương nào nhưng diện tích đã lên đến 10.000ha.
"Bà con tuyệt đối không nên thấy giá cau lên cao mà ồ ạt mở rộng diện tích vì thị trường tiêu thụ cau chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, dễ gặp rủi ro khi biến động" - ông Cường nói.