Trong báo cáo vừa cập nhật của Công ty Chứng khoán SSI, các chuyên gia từ Công ty chứng khoán này cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm và cho vay vẫn ở mức thấp như hiện tại.
Hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Về lãi suất huy động, theo các chuyên gia tăng trưởng tiết kiệm giảm rõ rệt kể từ tháng 4/2021 trong bối cảnh tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng giảm.
Cụ thể, tổng lượng tiền gửi trong nền kinh tế đạt 10,5 triệu tỷ đồng tính đến hết tháng 9, tăng 11,2% so với cùng kỳ (thấp hơn so với mức 12,6% vào năm 2020), chủ yếu là do mức tăng trưởng sụt giảm mạnh từ tiền gửi khu vực dân cư.
Theo đó, tăng trưởng huy động khu vực dân cư này chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020 khi môi trường lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp trong lịch sử.
SSI cho rằng, trong giai đoạn 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tổng tiền gửi sẽ không có nhiều yếu tố đột biến khi cân nhắc tới yếu tố mùa vụ. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là tăng trưởng kinh tế 2020-2021 ở mức thấp, nhiều khả năng ảnh hưởng tới mức tích lũy của người dân nói chung, do đó cũng khó có thể kỳ vọng mức độ tăng trưởng tiền gửi của khu vực dân cư có thể quay lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng.
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tổng tiền gửi của dân cư tại thời điểm cuối tháng 9/2021 tiếp tục giảm 2.500 tỷ đồng trong tháng 8, tháng 9, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng,
Với kết quả này, tổng tiền gửi của dân cư tại hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ tăng vỏn vẹn 2,9% kể từ đầu năm đến nay - mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử thống kê về tiền gửi giai đoạn 2012 – 2021. Rõ ràng, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến cho người dân ngày càng "thờ ơ" với kênh gửi tiết kiệm.
Mặc dù vậy, đến cuối quý III/2021, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng lại tăng mạnh lên gần 795.000 tỷ đồng, với 110,92 triệu tài khoản thanh toán.
Đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ. Vì là các khoản tiền gửi không kỳ hạn, khách hàng có thể rút ra bất cứ lúc nào nên lãi suất ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,1%/năm.
Như vậy, tiền gửi thanh toán cá nhân đã tăng gấp 3 lần trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt tăng mạnh kể từ năm 2020-2021 (tăng khoảng 60% kể từ đầu năm 2020 đến nay).
Ngân hàng đã hy sinh 15.559 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi cho khách hàng
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay tại 16 ngân hàng thương mại, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 vào khoảng 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.
Riêng trong tháng 10, 16 ngân hàng đã giảm tổng cộng 3.323 tỷ đồng tiền lãi cho các khách hàng.
Trong đó, Agribank vẫn là nhà băng đi đầu với số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7 đến hết tháng 10/2021 cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.
Tiếp theo là Vietcombank và BIDV với số tiền giảm lãi lần lượt là 3.055 tỷ đồng và 2.739 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ được giảm lãi suất cho vay tại Vietcombank là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng và tổng giá trị nợ được giảm lãi suất cho vay tại BIDV là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng.
Tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng tại VietinBank là 1.873 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng.
Tại MB, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 610 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 118.653 tỷ đồng cho 104.282 khách hàng.
SHB, Techcombank, ACB hay VPBank ghi nhận tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng từ 328 tỷ đồng – 369 tỷ đồng.
Ở mức độ thấp hơn, TPBank, Sacombank, HDBank hay MSB có số tiền giảm lãi lũy kế đến hết tháng 10 từ 124 tỷ đồng đến 187 tỷ đồng.
Lienvietpostbank và VIB là 2 ngân hàng cuối bảng, với số tiền lãi đã giảm cho khách hàng lần lượt là 95,06 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 42.079 tỷ đồng cho 6.309 khách hàng; và 22,57 tỷ đồng với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 10.837 tỷ đồng cho 8.541 khách hàng.