Phản ánh tới Dân Việt, ông L.Đ.A (Hà Nội) bày tỏ bức xúc khi ngân hàng "ép" mua bảo hiểm mới "mở hầu bao" cho vay.
Ông A cho biết, tháng trước ông có tới chi nhánh một ngân hàng trên đường Hoàng Đạo Thúy để vay 600 triệu đồng mua ô tô phục vụ nhu cầu kinh doanh.
Điều đáng nói, để có thể được "sếp em mới duyệt hồ sơ nhanh" – theo chia sẻ của nhân viên ngân hàng, ông A phải mua gói bảo hiểm nhân thọ theo yêu cầu của nhân viên ngân hàng với trị giá khoảng 20 triệu đồng.
"Giãn cách xã hội, thu nhập của gia đình cũng không dư giả gì. Bây giờ mở cửa trở lại, gia đình tôi mới muốn vay thêm vốn ngân hàng để khởi động sản xuất, kinh doanh nhưng lại không hề dễ dàng như báo đài đưa tin. Hơn nữa, cầu tiêu dùng của người dân còn yếu, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh thời điểm này cũng sẽ không thể bằng giai đoạn nền kinh tế bình thường được nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Nếu dư giả thì tôi cũng sẵn sàng mua thêm 1 gói bảo hiểm", ông A bức xức nói.
Cũng theo vị khách hàng này, từ trước đến nay ông không có nợ xấu tại ngân hàng, và có tài sản thế chấp cho chính khoản vay này, vậy vì sao ngân hàng không duyệt hồ sơ vay mà phải "ép" mua bảo hiểm mới giải ngân?
Trường hợp của ông A không phải là cá biệt, một khách hàng doanh nghiệp (xin giấu tên) cho biết, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa khi đại dịch bùng phát lần thứ 4, nguồn thu bằng 0 và doanh nghiệp vẫn duy trì thu nhập tối thiểu cho nhân viên.
Nguồn tài chính gặp khó, doanh nghiệp có đề xuất xin giảm lãi suất cho vay theo chủ trương của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, để được giảm lãi vay từ 0,5 điểm % doanh nghiệp phải mua bảo hiểm theo yêu cầu mà nhân viên tín dụng đưa ra.
"Doanh nghiệp chúng tôi cũng rất bức xúc nhưng nếu không mua thì sẽ không được giảm lãi suất, nếu so chi phí từ việc mua bảo hiểm và chi phí lãi vay giảm được từ việc giảm lãi suất thì gần như không chênh lệch nhiều, vì vậy chúng tôi "xin phép" không cần giảm lãi suất", chủ doanh nghiệp chia sẻ.
Chính nhân viên tại một ngân hàng cũng thừa nhận với PV Dân Việt, tham gia bảo hiểm là một trong những "chìa khóa" quan trọng để ngân hàng xem xét cho vay.
Việc tham gia bảo hiểm còn có thể giúp khách hàng được thêm một "ít lợi ích" đó là lãi suất vay ưu đãi hơn so với những khách hàng không tham gia bảo hiểm.
Ví dụ lãi suất cho vay năm đầu tiên là 7%/năm, với biên độ khoảng 4% thì kỳ điều chỉnh lãi suất sẽ lên hơn 10%. Nếu như tham gia bảo hiểm, khách hàng có thể được giảm được 0,25 điểm % - 0,5 điểm %, tùy theo gói bảo hiểm khách hàng tham gia.
Ngân hàng kiếm lời từ "buôn" bảo hiểm
Thực tế việc "ép" khách hàng mua bảo hiểm không còn là chuyện mới và không ít lần Ngân hàng Nhà nước "cấm" các ngân hàng "ép" khách hàng vay vốn mua bảo hiểm. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn còn diễn ra.
Bộ Tài chính đã từng thừa nhận, vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).
Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm.
Đối với các ngân hàng, bảo hiểm đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong những năm gần đây. Tại báo cáo tài chính quý III/2021 của các ngân hàng, không ít ngân hàng báo lãi từ hoạt động bancassurance.
Đơn cử như tại MSB, theo giải trình kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021, nhà băng này cho biết lợi nhuận sau thuế tăng 148% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là do tăng trưởng khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu nên thu nhập lãi thuần tăng 38%, thu nhập từ hoạt động dịch vụ 393%, chủ yếu là từ phí đại lý dịch vụ bảo hiểm.
Hay như tại Techcombank, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 31%. Tại MB, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt tới hơn 5.656 tỷ đồng, tăng 43,6% so với 9 tháng đầu năm 2020.
Tương tự, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại TPBank đạt hơn 696 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 394 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.