Dân Việt

Sức khỏe quý ông: Khốn khổ vì sưng đau "cậu nhỏ"

Gia Bách 24/11/2021 19:04 GMT+7
Bị sưng "cậu nhỏ", đi khám hết chỗ này đến chỗ khác nhưng chỉ đỡ mà không khỏi. Cuộc sống của chàng trai 25 tuổi tưởng như đã xác định "sống chung với lũ" cho đến khi…

Một bệnh nhân nam mới 25 tuổi đến gặp bác sĩ Nguyễn Cao Thắng - Khoa Nam học và Y học giới tính Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh nhân kể, khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân tự nhiên xuất hiện sưng đau vùng bìu trái, đi khám ở 1 phòng khám tư nhân và 2 bệnh viện, đều chẩn đoán là viêm tinh hoàn trái, và được kê đơn thuốc điều trị kháng sinh và giảm viêm. Tình trạng có đỡ nhưng không hết hoàn toàn.

Bác sĩ Thắng tiếp nhận bệnh nhân, khám phát hiện thấy tinh hoàn trái sưng, có tình trạng áp xe. Khi hút lấy dịch mủ làm xét nghiệm, kết quả trả lời có vi khuẩn Lao trong dịch mủ.

Như vậy, nguyên nhân gây bệnh ở đây là một vi khuẩn đặc biệt, nên chắc chắn các phác đồ điều trị viêm tinh hoàn thông thường không thể khỏi được.

Vậy Lao tinh hoàn là gì?

Lao là một bệnh tật phổ biến và nguy hiểm trong thế kỷ 18 và 19, và gần đây có dấu hiệu quay trở  lại. Hiện nay, người ta ước tính có  khoảng 10 triệu ca mắc Lao mới mỗi năm trên thế giới, và khoảng 1,6-3 triệu người chết vì Lao mỗi năm.

Lao tinh hoàn là một căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện kịp thời.

Lao tinh hoàn là một căn bệnh nguy hiểm cần được phát hiện kịp thời. Ảnh minh họa: Pixabay

Vi khuẩn Lao (Mycobacterium tuberculosis), một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí kháng acid. Do tốc độ sinh sản chậm, dẫn đến biểu hiện lâm sàng rất âm thầm. Mặt khác, vi khuẩn lao có thể không hoạt động và không tạo ra các triệu chứng trong một thời gian dài.

Con đường chính lây truyền của vi khuẩn Lao là qua đường hô hấp. Từ phổi, trực khuẩn lao có thể lây lan qua đường máu đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, trong đó có hệ sinh dục. Lao tinh hoàn - mào tinh hoàn chiếm khoảng 7% Lao nói chung.

Các biểu hiện của Lao tinh hoàn gồm: Sưng đau bìu; Dày da bìu; Tràn dịch màng tinh hoàn; Lỗ rò vùng bìu.

Như vậy, với những bệnh nhân được chẩn đoán viêm tinh hoàn, đã được kê đơn thuốc điều trị theo chuẩn, nhưng có tình trạng tái phát nhiều lần, thì rất nên tìm kĩ các nguyên nhân khác, đặc biệt là vi khuẩn Lao.

Vi khuẩn gây Lao tinh hoàn như thế nào?

Do tốc độ sinh sản của vi khuẩn Lao chậm, dẫn đến biểu hiện lâm sàng rất âm thầm. Mặt khác vi khuẩn lao có thể không hoạt động và không tạo ra các triệu chứng trong một thời gian dài, vì vậy nhiều người không hề biết mình nhiễm vi khuẩn Lao.

Vi khuẩn Lao có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua những con đường sau:

Qua đường hô hấp (phổ biến nhất): qua những giọt bắn của những người lao phổi do Mycobacterium tuberculosis đang hoạt động.

Qua đường tiêu hóa: sử dụng sữa có nhiễm Mycobacterium bovis.

Qua đường tình dục: phụ nữ quan hệ tình dục bằng miệng với những người đàn ông mắc lao sinh dục (có vi khuẩn lao trong tinh dịch), hoặc lây qua vị trí xây sát đường sinh dục khi 1 trong hai người mắc lao sinh dục.

Các phương thức lây truyền bẩm sinh và sơ sinh được công nhận bao gồm truyền nhau thai qua máu hoặc bạch huyết từ người mẹ bị lao hoặc uống nước ối nhiễm Mycobacterium tuberculosis trong khi sinh.

Có thể nhiễm lao sau khi tiêm phòng bằng vắc-xin BCG sống cho những người bị nhiễm HIV và bị ức chế miễn dịch; hoặc sau khi sử dụng BCG trong điều trị ung thư bàng quang nông.

Sau khi lây nhiễm ban đầu, trực khuẩn lao nhân lên cục bộ trong các mô và tạo ra một loạt các phản ứng miễn dịch phức tạp, dẫn đến hầu hết các trường hợp bị loại bỏ hoặc ngăn chặn dưới dạng nhiễm trùng lao tiềm ẩn (LTBI). Lao tinh hoàn - mào tinh hoàn thường là tái hoạt của trực khuẩn lao tiềm ẩn trong tinh hoàn - mào tinh hoàn trước đó.

Bài sau: Sưng "cậu nhỏ" ảnh hưởng thế nào tới khả năng sinh sản?

Chuyên đề "Sức khỏe quý ông" được tòa soạn báo điện tử Dân Việt bắt đầu triển khai từ ngày 15/9/2021 đều đặn vào thứ tư chủ nhật hàng tuần với sự giúp đỡ của các bác sĩ đầu ngành Khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Không chỉ dữ liệu khoa học, các câu chuyện, tình huống được đề cập trong bài viết là hoàn toàn có thật, là cơ sở tin cậy để bạn đọc tham khảo.

Chúng tôi hy vọng sẽ phần nào giải đáp được những thắc mắc không dễ chia sẻ của đấng mày râu, từ đó giúp các anh hướng đến "phong độ, bản lĩnh" trước phái đẹp, cũng như tâm lý vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống.