Trong những ngày Hà Nam "đón chào" cơn gió đầu đông, giữa tiết trời lành lạnh, tôi chợt nhớ về những kỷ niệm, thức quà xưa cũ...
Bỏng gạo thường có dạng ống tròn, bên trong rỗng ruột nhìn tương tự chiếc ống dẫn nước, được cắt thành từng khúc đều nhau, dài hay ngắn tùy theo sở thích của mỗi người.
Ngày trước, khi những món quà vặt chưa đa dạng và phổ biến như bây giờ, lũ trẻ chúng tôi thường xin cha mẹ nguyên liệu, tích cóp tiền đi "nổ" bỏng gạo. Món ăn vặt này được làm từ những nguyên liệu gần gũi, có sẵn trong mọi gia đình. Đó là gạo và đường kính. Nhà nào giàu, khá giả hơn thì có thể trộn thêm nhiều nguyên liệu khác như đậu xanh, lạc, mì tôm... để tăng thêm độ thơm ngon, hấp dẫn.
Mỗi khi nghe tiếng rao "Ai nổ bỏng không...", gần chục đứa trẻ trong xóm tôi vội vã năn nỉ mẹ cho gạo và đường để đi "nổ". Thích nhất là dùng thứ gạo nếp vừa được nắng, mang hương thơm của nắng mật, của tinh khiết đất trời. Nhanh tay nhờ mẹ xúc hai lon gạo nếp trộn đường cát trắng tinh, thêm ít hạt lạc béo bùi, tôi háo hức ra chỗ có máy nổ.
Những "tiệm nổ bỏng", thật ra chỉ có một ông chú với cái máy. Chiếc máy nổ bỏng vang lên, người nổ sẽ đổ hết nguyên liệu vào một đầu, máy sẽ tự xay đều. Cái máy kêu lên từng nhịp "xình xịch xình xịch..." như xoáy sâu vào tâm trí tôi. Ít phút sau, những thanh bỏng gạo nóng hổi, bốc hơi nhè nhẹ đã được tạo ra từ đầu ống còn lại của máy. Nếu chỉ có nguyên gạo thì bỏng sẽ cho ra hình ống dài, ăn xôm xốp. Còn hỗn hợp nhiều nguyên liệu thì sẽ tạo ra các hình thù khác nhau.
Tôi chăm chú nhìn ông chủ máy nổ với lòng ngưỡng mộ. Ông như một nhà ảo thuật gia, tay cầm kéo chắc chắn, kéo dài thanh bỏng gạo rồi cắt thành từng phần đều nhau, nhanh thoăn thoắt. Đôi khi, ông còn tạo ra nhiều hình thù độc đáo như hình con sâu, hình sợi dây uốn cong...
Tôi thích ăn bỏng gạo vào lúc nó vừa "ra lò", "vừa thổi vừa ăn". Mùi thơm phức đặc biệt, ấm nóng khiến chúng tôi vừa ăn vừa xuýt xoa. Ngoài ăn bỏng gạo của mình, chúng tôi cũng thử bỏng gạo của những nhà còn lại để có cơ hội nhấm nháp nhiều mùi vị khác nhau: vị bùi, béo, ngầy ngậy. Ăn không hết, ai nấy đều nhanh nhẹn cho ngay phần còn lại vào chiếc bì mà các mẹ đã chuẩn bị trước đó. Trong bì sẽ có một túi nilon để giữ cho bỏng được giòn lâu.
Trên đường mang về, dù hai tay phải khệ nệ ôm cả bao tải to nhưng nghĩ đến những thanh bỏng ngọt ngào hương gạo, hương đường, hương lạc, lũ trẻ chúng tôi không đứa nào mệt mà nhanh chân rảo bước về phía trước.
Về tới nhà, tôi mời ông bà và bố mẹ ra thưởng thức bỏng gạo. Vì chúng được làm từ những nguyên liệu an toàn, không dính dáng đến dầu mỡ nên mọi người đều yêu thích. Tôi thích nhẩn nha từng miếng nhỏ để cảm nhận hết tinh hoa từ gạo, đường, đỗ... Nhiều hôm, tôi sẵn sàng ngồi hàng giờ nhâm nhi từng thanh bỏng gạo giòn tan, ăn xong mà dư vị vẫn còn vương vấn trong vòm miệng.
Chỉ là món quà vặt mộc mạc nhưng bỏng gạo đã song hành cùng năm tháng tuổi thơ của nhiều người. Để sau này lớn lên, đi học rồi lập nghiệp ở phương xa, nhiều người quay quắt, cố tìm kiếm mùi vị bỏng gạo như để tìm lại tuổi thơ, tìm lại những ngày còn là trẻ con, vô lo vô nghĩ...
Thỉnh thoảng, để giúp tôi "bớt" nhớ hương bỏng gạo năm nào, mẹ tôi thường mua những túi bỏng gạo thanh dài tại các chợ hay cửa hàng tạp hóa. Nguyên liệu trong đó vẫn vậy, vẫn có gạo, đường nhưng sao tôi chẳng thấy ngon miệng. Là do khẩu vị của tôi đã thay đổi hay vì không được trải qua cảm giác hào hứng, phấn khởi khi nổ bỏng nên tôi "ngó lơ" những thanh bỏng gạo mẹ mua?
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!