Kể chuyện làng: Con mương làng tôi

Trần Văn Toản Thứ bảy, ngày 20/11/2021 07:30 AM (GMT+7)
Ngày trước, ở làng quê nào cũng có một con mương (người dân quê tôi gọi bằng cái tên mộc mạc là đường nước). Đây là công trình thủy lợi của người dân quê. Phía đầu làng tôi có cái đập nước (còn gọi là khe nước) như một cái hồ chứa nước quanh năm.
Bình luận 0

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê thuộc vùng chiêm trũng miền Trung đầy nắng gió. Làng Trạch Phổ quê tôi nghèo khó nhưng rất đỗi bình yên. Phía trước dãy tre làng có con mương chảy qua.

Nước chảy từ động đất cát Ông Môi nên nước rất trong xanh. Vì thế, con mương được đào nối từ trên đập nước đến cuối làng để dẫn nước về vừa tưới tiêu cho đồng ruộng vừa phục vụ cho mọi sinh hoạt hằng ngày của bà con. Con mương uốn lượn rồng rắn ôm lấy lũy tre làng chạy dài song song bên đồng lúa. Nó không rộng và cũng không sâu lắm. Bề ngang có thể đứng bên này nhảy qua bên kia, đoạn nào sâu nhất chưa đầy một mét, ngang ngực của đám trẻ con xóm tôi. Con mương chảy ngang qua xóm nào thì bà con xóm đó chặt vài đoạn tre đặt sát nhau bắc ngang qua để làm nơi ngồi giặt áo quần, nơi tắm rửa…

Kể chuyện làng: Con mương làng tôi - Ảnh 1.

Con đường này ở quê tôi, người dân quen gọi là đường bờ vùng, chia cánh đồng làm hai. Ảnh: Trần Văn Toản

Ngày trước cả làng chỉ có được vài ba cái giếng đất. Vì thế, nguồn nước phục vụ cuộc sống hằng ngày chủ yếu lấy từ đập nước trên động cát. Con mương đã gắn bó sâu nặng với cuộc sống của người dân quê tôi qua bao tháng năm dài.

Tuổi thơ chúng tôi lớn lên bên con mương. Tôi nhớ mãi mỗi trưa hè, năm sáu đứa trong xóm Đông An í ới gọi nhau cởi truồng ra con mương đoạn đầu xóm trên để tắm. Cởi áo quần ra, vắt lên bụi cây mâm xôi mọc bên cạnh con mương rồi một hai ba cầm tay nhau nhảy ùm xuống nước. Vừa tắm, chúng tôi vừa chơi trò nghịch nước. Hái mấy chiếc lá tre to, dài làm thuyền thả xuống con mương trong tiếng vỗ tay reo hò. 

Cắm mấy cái que xuống nước, chiếc lá đứa nào trôi về chỗ cắm đầu tiên, đứa đó là người thắng cuộc. Đứa nào có thuyền lá trôi về đích sau cùng thì phải cõng người chiến thắng năm vòng dưới nước. Mỗi ngày, lũ trẻ chúng tôi bày ra một trò chơi trên con mương. Khi thì câu cá, khi thì thi chạy bộ dọc con mương, có khi rượt đuổi nhau rồi té xuống nước. Có những lúc đang mặc nguyên bộ quần áo đi học về, chưa kịp thay, nghe thằng Trung, thằng Tèo ở cùng xóm rủ, chạy ù ra con mương rồi lại chơi trò nghịch nước ướt sũng cả bộ áo quần, bị mẹ gọi về quất cho mấy roi đau quá khóc thút thít... 

Vậy mà ngày mai, ngày mốt vẫn không chừa. Mà phải công nhận rằng, những buổi đi học, đi chăn trâu, cắt cỏ về, trời nắng nóng, nhảy xuống dòng mương, bì bõm lội, ngụp lặn, ngâm mình dưới dòng nước mát thì còn gì thú vị bằng. Có lúc mải mê tắm, say sưa đùa giỡn, quên cả thời gian, đến khi anh, chị ra gọi vào ăn cơm mới chịu nhảy lên để vào nhà.

Kể chuyện làng: Con mương làng tôi - Ảnh 2.

Con mương ngày xưa giờ cỏ phủ đầy, hệ thống tưới tiêu được xây dựng bằng bê tông ở quê tôi. Ảnh: Trần Văn Toản

Cứ thế, dòng nước trong xanh của con mương đã tắm mát tuổi thơ của những đứa trẻ nhem nhuốc bùn đất quê tôi lớn lên từng ngày...

Chiều đi làm đồng về, người dân quê tôi lại ra con mương để giặt áo quần, rửa cày, rửa cuốc. Vừa tắm giặt, các o thôn nữ vừa chuyện trò rôm rả.

Những đêm trăng sáng, tụi trẻ trong xóm lại tụm năm tụm bảy chơi đủ trò dân gian dọc theo dòng mưa. Nhớ mãi không quên cái lần 10 đứa chia làm 2 đội thi kéo co. Con Hồng đứng sau cùng không để ý nên bị hỏng chân té xuống dòng mương. Vậy là cả nhóm có một trận cười rôm rả. Rồi, những đêm ngoài sân bãi hợp tác xã nông nghiệp Đông Hòa có chiếu phim màn ảnh rộng, đi xem về, đã chín, mười giờ khuya trẻ con, người lớn vẫn chưa chịu về nhà, lót dép ngồi ở mô đất ngã ba xóm, bên cạnh dòng mương chảy qua để bàn luận bộ phim, rồi tán đủ thứ chuyện…

Kể chuyện làng: Con mương làng tôi - Ảnh 3.

Ngã ba này năm xưa người dân xóm tôi thường hay ngồi lại chuyện trò, những đứa trẻ chơi các trò chơi vào những đêm trăng sáng. Ảnh: Trần Văn Toản

Cuộc sống đổi thay, các công trình thủy lợi phục vụ cho hệ thống tưới tiêu  được xây dựng hiện đại hơn. Điện và nước sạch phủ khắp các làng quê. Con mương quê tôi cũng đã bị lấp, thay vào đó là xây bằng bê tông hệ thống dẫn nước men theo cánh đồng để tưới tiêu cho ruộng lúa.

Chúng tôi giờ mỗi đứa một nơi, công việc mưu sinh bận rộn ít được gặp nhau. Một ngày nắng nóng về thăm quê, tìm đến đoạn con mương mà bọn trẻ chúng tôi hay tụ tập năm nào giờ cỏ mọc um tùm, thu mình bên con đường được bê tông hóa... kỷ niệm cũ ùa về, bỗng nhớ quay quắt. Bài hát năm nào tôi không còn nhớ tên nhạc sỹ chợt vọng về: Quê hương em từ khi có hợp tác/ Nhớ ơn ai mang dòng nước về/ Con mương dài soi bóng lũy tre/ quanh co uốn khúc lượn vòng xóm quê... Khoảng trời tuổi thơ cứ vẹn nguyên, đong đầy. Nhớ lắm con mương quê tôi!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                           

                             

 


                                                                                                

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem