Phan Huy Thùy
Thứ tư, ngày 17/11/2021 07:30 AM (GMT+7)
Xung quanh đình Vĩnh Phú có nhiều cây cổ thụ, chẳng biết có tự bao giờ. Cha mẹ tôi năm nay gần 80 tuổi khẳng định rằng, từ xa xưa đã thấy cây như thế, còn cụ thể bao lâu cũng chẳng biết…
Đình làng Vĩnh Phú quê tôi đã có từ rất lâu đời, thuộc xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ thế hệ ông bà rồi đến cha mẹ tôi, đình làng vẫn như thế. Vẫn mái ngói rêu phong, vẫn phong trần cùng mưa nắng. Đi qua bao cuộc chiến chinh, bao mùa mưa bão, nắng gió trăm năm, bụi thời gian phủ, nhưng dù có mai một hoen rêu thì ngôi đình vẫn cứ trầm mặc như một chứng nhân của làng, chứng kiến và lặng lẽ dõi theo từng bước đời thăng trầm dâu bể của những đứa con quê. Rất vui mừng là cách đây vài năm, ngôi đình đã được trùng tu để có nơi thờ cúng tôn nghiêm, khang trang hơn, bằng tấm lòng của cả làng chung tay đóng góp.
Chỉ có điều mỗi năm, thân cây như sần sùi, nổi nhiều u nần, gân guốc, xù xì, thô ráp nhiều hơn. Tuy nhiên, sức sống của cây vẫn luôn căng tràn, xanh mướt, bền bỉ, kiên cường. Cách đây hơn 30 năm, ngày tôi còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi thường tới nơi đây để bắn chim, bắn rắn mối, hái rau cho heo, đặc biệt là để hái trộm đào lộn hột. Ngôi đình làng nằm trong khuôn viên của vườn điều, quê tôi gọi là đào lộn hột. Hợp tác xã giao cho một hộ dân trông coi, chăm sóc, hái trái, thu hạt.
Riêng phần trái chín cũng bán được ít nhiều để mua thêm phân chăm bón. Đối với bọn trẻ chúng tôi, dù bị cha mẹ ngăn cấm la rầy; nào là công người trồng cây hái quả, nào là chốn linh thiêng hoang vắng không được tới lui ồn ào; sợ nhất là những câu chuyện đầy ma mị mới nghe qua đã sởn tóc gáy; nhưng rồi bọn trẻ vẫn lén đến bởi những trái đào đỏ mọng, vàng ươm, thơm nồng vẫy gọi. Sau này, tôi xa làng quê để học hành và làm việc nhưng đâu đó vẫn còn vọng về bao kí ức cứ rụng rơi theo từng mùa trái chín. Nơi đó có vườn đào, có ngôi đình làng và những cây cổ thụ xung quanh.
Đời sống xã hội phát triển giúp cho diện mạo của làng quê cũng thay da đổi thịt từng ngày. Đặc biệt kể từ khi có chủ trương, chính sách về xây dựng và phát triển nông thôn mới, hình ảnh của làng quê ngày một khang trang, sạch đẹp, hiện đại, văn minh hơn rất nhiều. Cha tôi bảo rằng, lúc đầu bà con cũng lo lắng, băn khoăn về sự đóng góp để xây dựng nông thôn, phần vì bà con mình còn khó khăn nhiều, một phần còn vì niềm tin chưa đủ lớn.
Nhưng khi thấy mọi việc đều được bàn bạc, minh bạch và đặc biệt là hiệu quả thiết thực đem đến, bà con đã hăng hái nhiệt tình ủng hộ. Từng con đường sình lầy bùn đất khi xưa, nay được đổ bê tông phẳng lì, rộng rãi. Chẳng còn những con đường 2B, nắng bụi mưa bùn như trước. Những bờ rào xập xệ gai tre được thay bằng trụ bê tông, lưới thép, phong quang sáng sủa. Ngõ quê sạch sẽ, điện đường thắp sáng, thuận lợi giao thông, ai nấy đều vui mừng trước những đổi thay tích cực của làng.
Khi làm đường bê tông trước đình Vĩnh Phú, có một vấn đề khó là vướng cây cổ thụ, ngay chính khúc quanh của con đường. Chặt bỏ cây cho đường rộng rãi hay giữ lại để lưu dấu xa xưa? Tất cả bà con đều mong muốn giữ lại cây. Chính quyền cũng ủng hộ. Đời cây như đời người đã bám chặt vào lòng đất của quê hương, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn của xứ sở này để lớn lên, cao to, tỏa che bóng mát.
Cây như kết tụ linh khí của làng, mang hồn thiêng cả một vùng đất, cần phải trân trọng gìn giữ. Dân làng coi cây như một linh vật của làng, kính cẩn chứ không dám mạo phạm. Sự đồng thuận rất cao, chính quyền cùng bà con quyết định giữ cây và mở rộng đường ra phía cánh đồng, tạo thành một đoạn đường một chiều rất thú vị.
Đoạn đường ngắn chỉ độ khoảng 20m, cùng rẽ hai chiều ngược nhau, dưới bóng cây cao lớn, um tùm, xanh mát. Người dân quê tôi rất đỗi tự hào và luôn đùa vui đây là con đường một chiều ngắn nhất, độc đáo nhất Việt Nam. Điều đó đủ thấy được tấm lòng và niềm vui của bà con khi gìn giữ được những giá trị tinh thần của làng quê một thuở.
Rồi cây chẳng phụ tình người, cây như hiểu được tấm lòng của bà con mà vươn mình tỏa che bóng mát. Qua bao nhiêu ngày giông bão, biết bao mùa nắng hạn cằn khô, có lúc cây ào ào thay lá, trơ trụi cành khô, mốc meo bạc thếch thân mình; nhưng rồi từ thẳm sâu bên trong, những dòng nhựa non âm thầm tuôn chảy; để rồi từng chồi búp non tơ, mởn mơ, xanh mướt vươn lên.
Cây vẫn sừng sững, hiên ngang. Cây âm thầm, mạnh mẽ. Cây bền bỉ, kiên cường. Bà con đi làm đồng, dù nắng hay mưa cũng có bóng cây dịu dàng che chở. Ôi mái đình làng! Ôi những bóng cây cổ thụ! Ôi đoạn đường một chiều độc đáo ở quê cứ khiến lòng tôi thao thiết mãi!...
Riêng tôi, dấu ấn làng quê chẳng thể phai mờ trong tâm trí. Do đó, mỗi khi đi về ngang qua chốn cũ, lòng tôi bỗng buâng khuâng, xúc động bồi hồi trước bất cứ sự đổi thay nào, dù là rất nhỏ. Tôi đã vui vì giữa cuộc đời tất tả bôn ba, vẫn còn có một chốn quê để đi về. Tôi đã vui vì mỗi lần về nhìn thấy trước đình Vĩnh Phú, vẫn còn đây bóng cây cổ thụ sum suê cành lá, gắn liền với đoạn đường một chiều rất độc đáo ở miền đất chôn nhau cắt rốn. Và tôi xem đây là bóng cây rợp mát tình quê, tình làng...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.