Dân Việt

Nữ giảng viên 5 năm du học 4 nước, xoay như chong chóng vì mang cả hai con mới sinh theo

Tào Nga 27/11/2021 06:00 GMT+7
Hai lần đi du học với Quỳnh Anh đều đáng nhớ. Khi đi du học ở châu Âu, cô vừa lấy chồng nên cứ 1-2 tháng chồng cô lại bay sang thăm vợ một lần. Khi du học ở New Zealand, cô quyết định mang cả 2 con mới 6 tháng và 20 tháng tuổi theo cùng.

5 năm đi du học 4 nước

Phan Ngọc Quỳnh Anh, sinh năm 1989, hiện đang theo học năm 3 chương trình Tiến sĩ, chuyên ngành Giáo dục (PhD in Education) tại trường Đại học Auckland, New Zealand. Quỳnh Anh nhận được học bổng của trường Auckland vào đầu năm 2018 và bắt đầu chương trình Tiến sĩ tại đây vào đầu năm 2019.

Trước đó, khi đang là giảng viên tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội, cô nhận được một số học bổng và quyết định chọn theo học chương trình Thạc sĩ Erasmus Mundus được tài trợ bởi Uỷ ban Châu Âu. Tại đây, cô có cơ hội học ở 3 nước là Đan Mạch, Tây Ban Nha và Anh trong 2 năm 2014-2016. Như vậy chỉ trong 5 năm Quỳnh Anh đi du học tại 4 nước đều về chuyên ngành Giáo dục.

Nữ giảng viên 5 năm du học 4 nước, xoay như chong chóng vì mang cả hai con mới sinh theo cùng - Ảnh 1.

Phan Ngọc Quỳnh Anh đang theo học tại trường Đại học Auckland. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về quyết định "săn" học bổng liên tiếp của mình, Quỳnh Anh cho biết thích con đường nghiên cứu vì rất thích đọc và viết. Vì vậy, ngay sau khi học xong ở châu Âu, Quỳnh Anh tiếp tục chọn New Zealand là điểm đến cho việc học Tiến sĩ. Theo cô, về học thuật, mô hình đào tạo Tiến sĩ ở New Zealand cho phép cô được theo đuổi dự án nghiên cứu riêng của bản thân trong 3 năm thay vì được tuyển để làm nghiên cứu cho một dự án của Giáo sư. Ngoài ra, các trường đại học ở đây đều có học bổng toàn phần cho nghiên cứu sinh Tiến sĩ.

Tiết lộ bí quyết giành học bổng, Quỳnh Anh cho hay: "Quá trình xin học bổng Tiến sĩ của mình khá đơn giản. Vì xin học bổng của trường Đại học Auckland nên mình làm theo từng bước hướng dẫn trên website của trường, chuẩn bị giấy tờ, bảng điểm, bằng tốt nghiệp Thạc sĩ, thư giới thiệu của giáo sư ở bậc học trước theo đúng yêu cầu. Đề tài nghiên cứu của mình tập trung vào đường hướng di chuyển hậu Tiến sĩ của những người đã tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ, các trải nghiệm xuyên quốc gia, di dân, nhập cư và các vấn đề liên quan như cảm giác thuộc về việc tạo dựng nhà cửa, mái ấm, cộng đồng hải ngoại và việc định hướng/định hình khi đứng giữa các luồng văn hoá.

Lý do chọn nghiên cứu những vấn đề này phần lớn xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của mình khi đi học nước ngoài và di chuyển qua nhiều quốc gia, cũng như từ quan sát của mình về quộc sống xung quanh. Đề tài này đã mang đến cho mình rất nhiều thứ, không chỉ kiến thức khi được đọc sách vở mà còn cho mình tiếp xúc, nói chuyện với nhiều người, với các anh chị cũng học Tiến sĩ ở nhiều nước khác nhau. Mình trở nên cởi mở hơn, trân trọng mọi câu chuyện diễn ra trong cuộc sống, có nhiều đam mê nghiên cứu hơn, và có định hướng nghiên cứu cũng như phát triển bản thân rõ ràng hơn".

Xoay như chong chóng vừa học vừa lo cho 2 con

Kể về hành trình đi du học của mình, Quỳnh Anh chia sẻ, cả 2 lần đều đáng nhớ. Khi đi du học ở châu Âu, cô vừa lấy chồng nên cứ 1-2 tháng chồng cô lại bay sang thăm vợ một lần. Khi du học ở New Zealand, cô quyết định mang cả 2 con mới 6 tháng và 20 tháng tuổi theo cùng, chồng cô lại thỉnh thoảng bay sang thăm vợ con.

"Chồng mình là người rất dễ chịu với chuyện học hành và sự nghiệp của vợ nên mình học cao hơn luôn có sự ủng hộ của chồng và gia đình. Mọi người đi học nước ngoài hay phải bàn bạc với chồng, nhất là nếu muốn đưa con cái theo không phải chuyện đơn giản nhưng mình thì lại ngược lại. Mình không bàn bạc với ai cả, đến ngày giờ là mình... bay thôi", Quỳnh Anh vui vẻ chia sẻ.

img
img

Quỳnh Anh quyết định đưa con đi theo cùng dù mới sinh 6 tháng. Ảnh: NVCC

Mặc dù có ông bà ngoại theo cùng nhưng do cả 2 con chưa đầy 2 tuổi nên Quỳnh Anh khá vất vả trong việc sắp xếp thời gian làm việc với chăm con, đưa con đi học, khám bệnh. "Ông bà ngoại giúp nấu nướng, chơi với con nhưng vì ông bà không lái xe được và không dùng tiếng Anh nên mình luôn là người đưa đón, chăm con, trao đổi với cô giáo. 

Các bạn có con lớn hoặc chưa có gia đình thì làm việc đến tối muộn, còn mình thì 4h chiều đã phải đóng máy và khi đón con về thì không làm việc nữa. Cuối tuần thì cần ở nhà dành thời gian cho con, đi dạo, nói chuyện hoặc đưa ông bà đi đâu đó. Chính vì hạn hẹp thời gian như vậy nên giúp mình làm việc gì cũng cố gắng tập trung sao cho hiệu quả, gọn nhẹ nhất". 

Tuy nhiên, Quỳnh Anh cũng thừa nhận, thỉnh thoảng gặp "sự cố" đột xuất như đang làm việc/họp thì nhà trẻ gọi về đón con: "Nhà trẻ ở đây rất kỹ, chỉ cần bé sốt nhẹ hoặc người mọc 1-2 nốt đỏ là yêu cầu gia đình phải đưa con đi bác sĩ và có giấy xác nhận của bác sĩ mới được đi học lại. Nếu sáng hôm nay cô gọi đưa con về thì ngày hôm sau mới đưa con đi khám được vì phải hẹn trước bác sĩ. 

Hoặc có hôm đang làm việc, cô giáo gọi thông báo con bị ngã hoặc các bạn chơi với nhau có cắn nhau, va chạm vào nhau... Các cô luôn báo cho phụ huynh ngay khi có vấn đề và đến chiều gia đình tới đón thì cô sẽ gửi cho 1 phiếu trình bày lại sự việc và hướng giải quyết của cô". Mặc dù vất vả nhưng Quỳnh Anh hạnh phúc vì được theo đuổi sự nghiệp của mình mà vẫn có thể được ở bên, lo cho các con. 

Hiện tại, Quỳnh Anh đang học năm thứ 3, cũng là năm cuối chương trình Tiến sĩ. Các con của cô cũng đã 3 và 4 tuổi. "Sau khi học xong, dự định của mình là tiếp tục công việc đọc, viết, nghiên cứu. Mình hy vọng có thể tìm kiếm một công việc thích hợp ở New Zealand. Mình đã có được rất nhiều trong quá trình học tập ở nơi đây nên mình mong được tiếp tục trải nghiệm cuộc sống ở đất nước này trước khi tiếp tục di chuyển sang một nơi khác hoặc quay về Việt Nam", Quỳnh Anh chia sẻ.