"Người lớn chưa hiểu hết nghĩa câu Tiên học lễ, hậu học văn thì trưng ra cho lũ trẻ làm gì?"
"Người lớn chưa hiểu hết nghĩa câu Tiên học lễ, hậu học văn thì trưng ra cho lũ trẻ làm gì?"
Tào Nga
Thứ sáu, ngày 26/11/2021 09:51 AM (GMT+7)
"Người lớn chúng ta, kể cả GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (theo ý kiến nhiều người), còn hiểu chưa đúng hoặc chưa hết nghĩa của khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" thì trưng ra làm gì cho lũ trẻ hồn nhiên vô tư ở các trường học?"...
"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn"
Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, giáo sư Trần Ngọc Thêm đã trình bày tham luận có tên gọi "Xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo".
Trong đó, giáo sư Trần Ngọc Thêm kiến nghị: "Để có con người sáng tạo, cần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.
Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển.
Ngay sau khi tham luận của GS Thêm được công bố, dư luận đã nảy ra cuộc tranh cãi dữ dội nên giữ câu khẩu hiệu hay không và phân tích chữ "lễ" hiểu sao cho đúng. Có người bày tỏ quan điểm: "Theo mình quan trọng mình diễn giải từ "lễ" thế nào. "Lễ" thời phong kiến khác với "lễ" thời nay. Nếu cứ ép người học thực hành chữ "lễ" theo thời phong kiến thì không phù hợp, nhưng nếu hiểu chữ "lễ" là lễ độ, biết tôn trọng môi trường sinh hoạt/học tập/làm việc và những con người, quy định trong môi trường đó thì chữ Lễ chưa bao giờ là thừa".
Hay có ý kiến khácc cho rằng: "Tiên học lễ, hậu học văn", "lễ" ở đây không chỉ đơn thuần chỉ là lễ nghi, phép tắc, cách ứng xử của học sinh. Ý nghĩa của nó thực sự bao hàm rộng hơn. Khi trẻ đến trường không đơn thuần chỉ học văn hoá trong chương trình học. Mục tiêu dạy trẻ trước tiên là làm người, bồi dưỡng đạo đức hình thành nhân cách tốt cho trẻ từ khi mới bước chân vào trường. Đó là điều cốt lõi nhất, sau đó mới học văn".
Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội phân tích: "Chúng ta không phải đắn đo, cân nhắc để trả lời "có" cho hai câu hỏi sau: Bạn có muốn xã hội phát triển không? Bạn có hoan nghênh con người chủ động, sáng tạo không?
Nếu đúng như vậy thì cơ bản ủng hộ bản tham luận tâm huyết của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày ở hội thảo.
Bản tham luận của GS Thêm khá dài, 9 trang A4, xuyên suốt là vấn đề: "Để có xã hội phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động". Theo quan điểm đó, GS Thêm đề nghị bỏ những khẩu hiệu, những cụm từ hoặc hình ảnh (khá phổ biến, hay nói đến) để biểu đạt mang tính thụ động, tính áp đặt như: "con ngoan trò giỏi" (ngoan theo nghĩa 'dễ bảo, vâng lời', giỏi theo nghĩa 'thuộc bài'); "trồng người"; "cánh tay phải" (khi nói về vai trò của Đoàn thanh niên) và "Tiên học lễ, hậu học văn".
Nếu các liệt kê ở trên của GS Thêm thật sự mang tính thụ động, tính áp đặt, ngược với điều chúng ta mong muốn ở con người nói chung, thanh niên học sinh nói riêng cần có tính chủ động và sáng tạo, thì đương nhiên nên bỏ!. Nhưng, những khẩu hiệu, cụm từ và hình ảnh GS Thêm đề nghị bỏ mà không hạn chế tính chủ động, sáng tạo của con người thì cứ dùng".
Về khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" có nên bỏ hay không, theo thầy Nguyễn Xuân Khang thì nên bỏ. Thầy Khang đưa ra hai lý do: "Thứ nhất, nhiều khẩu hiệu trong các trường học bấy lâu nay chỉ mang tính hình thức, tác dụng tích cực như mong muốn không còn nữa, nên bỏ đi hoặc không làm thêm nữa.
Thứ hai, sau khi GS Thêm đề nghị chấm dứt sử dụng khẩu hiệu này thì có nhiều ý kiến trái chiều, phân tích nghĩa của từ "lễ" và từ "văn", không giống như GS Thêm. Người lớn chúng ta, kể cả GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (theo ý kiến nhiều người), còn hiểu chưa đúng hoặc chưa hết nghĩa của khẩu hiệu nói trên thì trưng ra làm gì cho lũ trẻ hồn nhiên vô tư ở các trường học?".
Chia sẻ thêm về các khẩu hiệu trong trường học hiện nay, thầy Khang cho hay: "Năm 1992 khi mới thành lập trường, Bí thư Đoàn trường có đề nghị tôi kẻ câu khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu" thật to, vị trí trang trọng nhất để ai cũng thấy. Tôi không đồng ý. Tất cả vì học sinh thân yêu phải hình thành trong đầu, ghi nhớ trong tim của thầy cô giáo, của chú bảo vệ, chị lao công, cô cấp dưỡng… và chuyển thành việc làm hàng ngày. Treo ở trên tường vô vị nhưng nếu chuyển thành việc làm thì ngược lại".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.