Sinh ra trong gia đình danh giá Nguyễn Lân, được cảm nhận được tình cảm tôn sư trọng đạo từ ông nội và được truyền lửa, dẫn dắt vào ngành Sinh học từ bố... PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, sinh năm 1976, hiện giữ vai trò là Trưởng khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam. 

PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi ông gắn bó suốt gần 20 năm qua.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn. Ảnh: Viết Niệm

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 2.

Chào PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn! Được gặp ông đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông muốn chia sẻ điều gì ngay lúc này về một môi trường có bề dày truyền thống, nơi ông đang giữ vị trí cao nhất của khoa?

- Trước hết tôi không nghĩ rằng mình đang giữ vị trí cao nhất trong khoa. Với trách nhiệm là Trưởng khoa, tôi ý thức mình là người chịu trách nhiệm với Hiệu trưởng nhà trường tiếp tục góp sức cùng tập thể cán bộ trong khoa chèo lái, dẫn dắt khoa phát triển và đạt thêm nhiều thành tựu tô thắm truyền thống 70 năm vẻ vang của khoa mà bao thế hệ thầy cô giáo đã vun đắp. Tôi rất tự hào đã được làm việc, cống hiến tại khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cái nôi đã đào tạo không biết bao các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý xuất sắc đóng góp đắc lực cho sự phát triển của đất nước.

Năm 2008, do thay đổi chương trình phổ thông, khoa Sinh - Kỹ thuật nông nghiệp được đổi tên là khoa Sinh học với 8 bộ môn: Động vật học, Thực vật học, Di truyền học, Hóa sinh - Tế bào học, Sinh lí học thực vật và Ứng dụng, Sinh lí học người và động vật, Công nghệ sinh học - Vi sinh, Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Sinh học. Ngoài ra trực thuộc khoa còn có Bảo tàng Sinh vật được thành lập từ năm 2001. Tháng 5/2019, thành lập là bộ môn Di truyền - Hóa sinh.

Khoa Sinh học được hình thành cùng với sự thành lập của Trường Sư phạm Cao cấp nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 1951. Từ năm 2015 đến nay, tôi được vinh dự tiếp nối các thầy lãnh đạo khoa. 

Chúng tôi, những thế hệ trẻ mỗi khi được gặp lại các thầy cô cựu giáo chức trong khoa luôn được kể lại những câu chuyện về lịch sử xây dựng và phát triển rất đỗi tự hào của khoa Sinh học. Những câu chuyện theo dòng lịch sử 70 năm đó dường như không có điểm dừng với bao sự kiện, con người đã ghi dấu ấn vào sự phát triển của khoa. Mỗi thầy cô trong khoa qua các thế hệ là những tấm gương sáng về tinh thần tự học, về khát vọng nghiên cứu, về tâm huyết, say mê với nghề, về tấm lòng cao cả của những người thầy đối với bao thế hệ học trò. 

Vượt lên mọi khó khăn các thầy đã góp phần truyền lửa yêu nghề dạy học, say mê nghiên cứu, khám phá khoa học, giải quyết các vấn đề của thực tiễn và đời sống cho sinh viên. Các thầy cô vẫn luôn nói với chúng tôi, muốn gắn bó với nghề dạy học thì trước hết phải yêu nghề, say với nghề. Đó cùng là điều mà chúng tôi muốn tiếp tục chia sẻ với các thế hệ học trò của chúng tôi sau này.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn có 18 năm gắn bó với khoa Sinh học. Ảnh: Viết Niệm

Gần 20 năm gắn bó với khoa Sinh học, theo ông, nơi đây đã có những dấu ấn đổi thay thế nào?

- Tôi bắt đầu công tác ở Khoa Sinh học từ năm 2003. Cho đến nay cũng đã thấm thoắt 18 năm. Có thể nói, khoa đã có nhiều thay đổi cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo. Vị thế của khoa không ngừng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 5.

Có lẽ cũng từ góc độ nghề nghiệp giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực Sinh học nên tập thể cán bộ, giảng viên trong khoa luôn là một tập thể đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau và mọi người luôn hết mình vì công việc của tập thể. 

Vốn là một cán bộ đoàn, ngay từ khi mới về khoa, tôi đã được PGS.TS Trần Văn Ba (Trưởng khoa lúc đó) giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi đoàn Cán bộ với nhiệm vụ tập hợp đội ngũ cán bộ trẻ trong khoa để cùng chia sẻ, giúp đỡ nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ các hoạt động của sinh viên. Và cho đến nay, đội cán bộ trẻ ngày nào đã trở thành đội ngũ cán bộ nòng cốt của khoa bây giờ. 

Cũng không có nhiều khoa Sinh học ở Việt Nam duy trì được một Bảo tàng Sinh vật với hàng nghìn mẫu vật được thu thập khắp mọi miền đất nước để phục vụ cho đào tạo; một Vườn thực nghiệm để cán bộ, sinh viên có thể tiến hành thực nghiệm nghiên cứu. Từ năm 2014-2015, chương trình Cử nhân sư phạm Sinh học dạy Sinh học bằng tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy đáp ứng yêu cầu của xã hội cần một đội ngũ giảng viên có khả năng dạy học bằng tiếng Anh ở các trường phổ thông có yếu tố quốc tế. 

img
img
img

Bảo tàng sinh vật tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Viết Niêm

Được biết định hướng phát triển của khoa là trở thành một trung tâm nghiên cứu về khoa học sự sống và đào tạo giáo viên giảng dạy Sinh học chất lượng cao của cả nước. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về 2 lĩnh vực này?

- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong tuyên bố sứ mạng của mình đã xác định là trường đại học trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng cao. 

Chính vì vậy, khoa Sinh học cũng định hướng phát triển khoa trở thành một trung tâm nghiên cứu về khoa học sự sống cả trên lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng gắn nhà trường với xã hội và giải quyết các vấn đề trong đời sống thực tiễn và sản xuất. Nghiên cứu cơ bản sẽ là tiền đề để phát triển các nghiên cứu ứng dụng. Nhiều phòng thí nghiệm mang tính liên ngành giữa sinh học với hóa học, Vật lý, Địa lý, Tin học đang được xây dựng để giải quyết trọn vẹn các vấn đề lớn thực tiễn đặt ra. 

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 7.

Sinh viên khoa Sinh học cần được trải nghiệm thực hành, thí nghiệm trong các đề tài nghiên cứu khoa học của các thầy. Kết hợp các kết quả nghiên cứu thực tế với những phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm học được, sinh viên khoa Sinh học sẽ trở thành những giáo viên sinh học chất lượng cao. Các bài dạy của các em sẽ không chỉ là sách vở mà bằng kinh nghiệm thực tiễn, các em sẽ kết nối tri thức vào cuộc sống. 

Bên cạnh khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học từ những năm đầu, khoa luôn tìm kiếm thêm nhiều học bổng khuyến khích sinh viên nghiên cứu như học bổng Nagao, học bổng Sinh quyển, học bổng Shirota Yakult, học bổng khuyến khích nghiên cứu ĐDSH… và các quỹ nghiên cứu. Khoa cũng đã ký kết hợp tác với một số trường Đại học ở Nhật Bản như Đại học Kochi, Đại học Niigata, Đại học Rykyus để tạo cơ hội cho sinh viên tham gia các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế. 

Ông đánh giá về vai trò, vị trí và chương trình của môn Sinh học ở trường học Việt Nam giống và khác gì so với thế giới?

- Có thể nói chương trình của môn Sinh học ở trường học Việt Nam đang tiệm cận dần so với chương trình ở các nước trong khu vực và quốc tế. Cuốn sách Sinh học Campbell vốn được sử dụng phổ biến cho các kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế cũng đã được dịch sang tiếng Việt và trở thành tài liệu tham khảo phổ biến cho giáo viên phổ thông. Các sách giáo khoa cũng được viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với cách thức một chương trình, nhiều bộ sách. Cấu trúc, nội dung sách có tính khoa học, hiện đại và đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát huy tính tích cực của người học đồng thời hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Tư duy mở, gắn tri thức với cuộc sống là những nét mới dễ nhận thấy trong các bộ sách giáo khoa môn Sinh học đang được biên soạn. 

Tuy nhiên, nhận thức là một quá trình, nhận thức không chỉ là của người viết sách, của giáo viên, của học sinh, của nhà quản lý mà phải là sự thay đổi nhận thức của cả hệ thống giáo dục. Trong chương trình môn Sinh học đã giành một thời lượng lớn để thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tiễn. Nhưng để thực hiện các cơ sở giáo dục cần có những điều kiện tối thiểu để triển khai chương trình.

img
img

PGS Hùng Sơn thăm Vườn thực nghiệm. Ảnh: Viết Niệm

Về nhiệm vụ xây dựng Khoa thành "Trung tâm nghiên cứu khoa học sự sống", theo ông cần những điều kiện gì và nếu thành công nó sẽ có đóng góp gì cho xã hội thưa ông?

- Qua 70 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, khoa Sinh học đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cả lĩnh vực nghiên cứu sinh học cơ bản, sinh học ứng dụng và khoa học giáo dục. Ngay từ những giai đoạn đầu, nhiều cán bộ của khoa đã được cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài hay thậm chí tự đào tạo ở ngay trong nước. 

Để đáp ứng yêu cầu của nghiên cứu khoa học ngày càng cao, nhiều Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ của khoa lần lượt được thành lập, gồm có: Trung tâm nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn; Trung tâm sinh học thực nghiệm và chuyển giao tiến bộ sinh học; Trung tâm nghiên cứu động vật đất; Trung tâm Giáo dục sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; Trung tâm nghiên cứu và giáo dục bảo vệ môi trường; Trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và quý hiếm; Trung tâm nghiên cứu và phát triển đa dạng sinh học. 

Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học sự sống là một thế mạnh và là truyền thống được xây dựng từ một nền móng khá vững của nhiều thế hệ thầy cô trong khoa đi trước. Cho đến nay, bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, nhiều nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, lĩnh vực sức khỏe, lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, lĩnh vực nông nghiệp… tiếp tục được đội ngũ cán bộ của khoa đẩy mạnh nghiên cứu và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, với mong muốn phát triển khoa Sinh học thành một trung tâm nghiên cứu khoa học sự sống lớn, cần thiết phải có sự đầu tư về cơ sở trang thiết bị cũng như kinh phí để triển khai nhiều hơn các đề tài chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, gắn nhà trường với doanh nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 9.

Sinh ra trong gia đình danh giá bậc nhất Việt Nam, có nhiều người là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ… Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua đến với đại gia đình ông thế nào, có truyền thống gì đặc biệt trong ngày này không?

- Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình tốt thì xã hội sẽ phồn vinh. May mắn được sinh ra trong một gia đình mà đa số là những người làm trong ngành giáo dục, tôi chịu nhiều ảnh hưởng của gia đình. Bản thân tôi là thế hệ thứ ba gắn bó với mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngay từ nhỏ khi sống cùng ông bà nội tại khu tập thể Kim Liên, tôi đã cảm nhận được tình cảm tôn sư trọng đạo mỗi khi ông nội tôi đón các thế hệ học trò đến thăm. Học trò của ông nội tôi đều là những người lớn tuổi, có những người giữ những trọng trách lớn của đất nước nhưng khi đến với thầy đều một lời con, hai lời con, dạ, thưa lễ phép. 

Đạo lễ là nét văn hóa đặc trưng của người Việt Nam. Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường có vai trò quan trọng để tạo nên cốt cách đặc trưng đó của người Việt. Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, sinh viên học từ xa, không đến trường, nhưng tôi cũng nhận được rất nhiều clip với những hình ảnh mà các em chụp tôi từ bao giờ không biết, với những lời chúc mừng các em tự thu âm, với những bản nhạc tri ân thầy… đầy sáng tạo của thế hệ sinh viên thời 4.0 nhưng cũng cảm thấy xúc động vô cùng. Chẳng thế mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 10.

PGS Hùng Sơn được truyền tình yêu với sinh học từ người cha của mình. Ảnh: Viết Niệm

Được biết, dù đã ở tuổi cao, nhưng chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng (đồng thời cũng từng là giảng viên của Khoa Sinh học) hàng ngày vẫn rong ruổi khắp nơi để mang những kiến thức bổ ích đến với bà con nông dân, ông đã được truyền lửa từ người cha của mình thế nào?

- Một nhà giáo, một nhà khoa học, một chuyên gia nông nghiệp, một nhạc sĩ, một người bạn của nhà nông… dù ở vị trí nào, bố tôi cũng làm việc say mê và hết mình.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 11.

Sự bình dị, không ngại khó, không ngại khổ, thích nghi với mọi hoàn cảnh, yêu thương, hòa đồng, giúp đỡ, khoan dung với mọi người, chịu khó đọc, chịu khó đi, chịu khó học hỏi từ bà con nông dân, từ các nhà khoa học rồi lại đi chia sẻ giúp nông dân làm giàu là niềm đam mê vô tận của bố tôi. 

Ông là người truyền lửa và cũng là người dẫn dắt tôi vào ngành Sinh học. Sự nhiệt huyết của ông luôn thôi thúc tôi phải không ngừng học hỏi, phấn đấu vươn lên. Ngoài những thời gian giảng dạy, quản lý tại trường tôi thường giành nhiều thời gian cùng các đồng nghiệp, học trò của mình rong ruổi trên nhiều nẻo đường của đất nước để nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã. "Nghề hay đi" của tôi có lẽ cũng có một phần di truyền từ bố tôi. Bố tôi luôn chia sẻ với tôi, nghiên cứu gì thì nghiên cứu phải luôn gắn với thực tiễn và cố gắng giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

PGS đã đến với ngành điểu học thế nào và theo ông tại sao số nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này đang có xu hướng giảm xuống?

- Tôi gắn bó với nghiên cứu các loài chim ngay từ khi bắt đầu làm đề tài tốt nghiệp đại học. Lúc đó, điều kiện nghiên cứu cũng khó khăn. Ống nhòm thì mốc meo, căng hết cả mắt mới nhìn thấy. Mượn mãi mới được cái máy ảnh để đi chụp chim. Nhưng khi về đến nhà thì bị hở phim thế là mất toi toàn bộ ảnh chụp của cả chuyến đi. Lại phải thiết kế đi thực địa để chụp lại. Dần dần vẻ đẹp sặc sỡ của bộ lông vũ cùng tiếng kêu, tiếng hót lảnh lót của các loài chim đã mê hoặc tôi từ bao giờ không biết. 

Sự nghiệp nghiên cứu của tôi luôn có sự đồng hành của những người thầy nhiệt tâm như GS. Yên, PGS. Thủy, GS. Khôi, PGS. Đức, TS. Cử, TS. Lã và đặc biệt là GS. Võ Quý. Cứ thế tôi rong ruổi khắp các vườn chim, các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, các hang đảo yến… để khám phá, tìm hiểu sự đa dạng của các loài chim. Nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh cũng được tôi truyền lửa say mê nghiên cứu thế giới các loài chim qua thực hiện các đề tài nghiên cứu. 

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn: Nhà điểu học nổi tiếng, đời thứ 3 gia đình Nguyễn Lân - Ảnh 12.

PGS Hùng Sơn gắn bó với nghiên cứu các loài chim ngay từ khi bắt đầu làm đề tài tốt nghiệp đại học. Ảnh: Viết Niệm

Việt Nam là một đất nước rất đa dạng về thành phần loài chim. Cho đến nay đã ghi nhận được 918 loài chim ở Việt Nam so với hơn 10.000 loài chim hiện biết trên thế giới. Nhiều loài chim là loài đặc hữu của Việt Nam, nhiều loài chim mới cho khoa học cũng được phát hiện ở Việt Nam. Do khả năng nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường nên các loài chim được sử dụng như chỉ thị sinh học cho môi trường. Việc quan sát các loài chim vừa dễ nhưng cũng vừa khó. 

Với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như ống nhòm, ống fieldscopes, máy ảnh tele, máy ghi âm định hướng,… việc nghiên cứu chim cũng trở nên thuận lợi hơn. Số lượng người thích xem chim, chụp chim ở Việt Nam cũng khá nhiều. Nhiều câu lạc bộ xem chim cũng được thành lập. Tuy nhiên, sự vất vả trong đi thực địa, sự kiện trì trong nghiên cứu đeo đuổi các loài chim cũng làm nản nhiều bạn trẻ không muốn đi sâu vào nghiên cứu về sinh học, sinh thái cũng như bảo tồn các loài chim ở Việt Nam. So với những đề tài có tính ứng dụng cao, thì các đề tài nghiên cứu cơ bản như nghiên cứu về sự đa dạng của các loài chim thường ít nhận được sự tài trợ kinh phí đề nghiên cứu. Đây cũng có thể là một trong những cản trở đối với sự phát triển hướng nghiên cứu chuyên sâu này.

Ông có thể tiết lộ kế hoạch của mình đang ấp ủ thực hiện?

- Có điều kiện đi học tập và nghiên cứu ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ và các nước châu Âu, trên cơ sở thăm quan các Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó, có thể xây dựng được một Bảo tàng Sinh vật đúng nghĩa của nó với đầy đủ các mô hình, mẫu vật đại diện cùng các chương trình giáo dục ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Tôi nghĩ rằng, hơn đâu hết, Trường đào tạo giáo viên như Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải là một trung tâm giáo dục và bảo tồn thiên nhiên của quốc gia. Chúng ta muốn đào tạo các công dân sinh thái, các công dân toàn cầu mà chúng ta không có các trung tâm trải nghiệm như Bảo tàng Sinh vật thì thật khó có thể thực hiện được. Khoa Sinh học cũng cần phải có thêm các trang trại, cánh đồng hay khu rừng thực nghiệm nghiên cứu cùng với hệ thống các trường phổ thông thực nghiệm để bất cứ lúc nào sinh viên cũng có thể để nghiên cứu, đến dự giờ, đến thực tập sư phạm. Vì một Việt Nam thịnh vượng, cần thiết phải có những đầu tư xứng đáng, xứng tầm với mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem