"Đỏ mắt" tìm nhau
Là doanh nghiệp từng xuất hiện F0 khiến gần 2.000 công nhân phải thực hiện "3 tại chỗ", Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 Đà Nẵng hiểu rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe, giữ chân người lao động lại với công ty.
Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 cho biết, lãnh đạo công ty chấp nhận chịu nhiều khoản lỗ lớn chỉ để đảm bảo bữa ăn chất lượng, đủ chất cho công nhân trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ", bảo vệ được nguồn lực lao động, sẵn sàng sản xuất trong và ngay sau dịch. Nhờ đảm bảo được nguồn lao động, công ty đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, hoàn thành các đơn hàng theo đúng hợp đồng đã ký.
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã linh hoạt thực hiện nhiều giải pháp khác nhằm bảo vệ nguồn lực lao động như: Thuê khách sạn cho công nhân thực hiện "3 tại chỗ", giao khoán việc cho công nhân "3 tại chỗ", khoán sản phẩm để công nhân nhận về nhà làm hay tăng tiền thưởng năng suất cho công nhân. Những cách trên dù tốn kém nhưng giúp doanh nghiệp không "chảy máu" lao động, nhất là trong thời điểm cuối năm 2021, khối lượng đơn hàng rất lớn.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Đà Nẵng, nhu cầu tuyển dụng lao động hiện đang rất lớn, không dưới 4.000 vị trí việc làm đang đăng tuyển. Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và người lao động đều đang "đỏ mắt" tìm nhau, số lượt khớp việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm còn thấp.
Lý giải điều này, ông Diệp cho rằng nhiều lao động vẫn chưa mặn mà trở lại thành phố để làm việc. Vì tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại, nhiều người quyết định tìm việc ở quê nhà. Điều này gây áp lực rất lớn cho công tác an sinh xã hội tại một số địa phương tại miền Trung như Quảng Trị, Hà Tĩnh,…
"Nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi trong thời điểm hiện tại là liên kết với các tỉnh thành, đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm, làm mọi cách để đón người lao động trở về thành phố làm việc. Đà Nẵng hiện đang "khát" lao động, trong khi các địa phương khác lại thừa", ông Diệp cho hay.
Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng đối với gần 500 hội viên trực thuộc VCCI Đà Nẵng, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh có tỉ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động cao nhất với hơn 37%. Doanh nghiệp công nghệ thông tin, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất giấy… có tỉ lệ duy trì hoạt động cao thứ hai với 21,52%. Lĩnh vực vận tải, kho bãi có tỉ lệ doanh nghiệp duy trì hoạt động là 12,66%. Công suất giảm do Covid-19, nhưng phần lớn các doanh nghiệp không chọn giải pháp cắt giảm lao động, chỉ giảm lương, giảm giờ làm, bố trí lao động sản xuất luân phiên.
Nỗ lực giữ chân người lao động
Chấp nhận doanh thu sụt giảm khoảng 30% vì ảnh hưởng dịch bệnh cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch, ông Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VBPO khẳng định, người lao động mới là vốn quý nhất của doanh nghiệp. VBPO đã cố gắng duy trì số lao động, không cắt giảm lương, phụ cấp cho gần 400 nhân viên tại Đà Nẵng xuyên suốt mùa dịch.
Để giữ chân người lao động, lãnh đạo công ty dùng mọi nguồn lực để tiêm vaccine sớm nhất cho nhân viên, đồng thời công ty đẩy mạnh việc truyền thông nội bộ để doanh nghiệp và người lao động hiểu nhau hơn.
"Công ty đang lên kế hoạch để ứng phó với dịch bệnh theo tinh thần thích ứng, sống chung với dịch. Dù dịch Covid-19 còn phức tạp nhưng tôi tin với những phương án đã vạch ra, VBPO sẽ đảm bảo việc làm cho gần 400 nhân viên tại đây. Nếu tình hình ổn định, các mức thưởng Tết sẽ được chi trả tương đương các năm trước. Đây là sự cố gắng của công ty để tạo động lực cống hiến cho người lao động", ông Huy cho hay.
Vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tổ công tác do ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng làm Tổ trưởng, cùng thành viên là Giám đốc các sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện…
Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; tích cực nắm bắt, tiếp cận thông tin và kịp thời có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt, tổ công tác tham mưu cho UBND TP về hỗ trợ giải quyết các khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.