Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẽ có gói hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Sẽ có gói hỗ trợ cho người lao động quay trở lại làm việc
Nhóm PVTS
Thứ năm, ngày 11/11/2021 09:58 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét phối hợp với các địa phương có gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc và có người nhà đi theo.
Mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động
Sáng nay (11/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 50 phút đăng đàn còn lại của Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung.
Cùng giải trình thêm với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Giải trình thêm về làn sóng người lao động rời bỏ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết cần xác định 1,3 triệu lao động đã rời đi gồm những đối tượng nào.
Ngoài những lao động làm việc trong các doanh nghiệp lớn, có hợp đồng ổn định, Phó Thủ tướng lưu ý phải đặc biệt quan tâm đến những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, người lao động tự do.
Trước hết, ông Đam cho rằng phải kiểm soát tốt dịch với kế hoạch cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, cần mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ. Việc mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động.
Nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí đưa người lao động quay trở lại
Phó Thủ tướng cho biết, tới đây T.Ư cần rà soát tất cả quy định về phòng chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả.
"Việc này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải lo cho công nhân chứ đừng đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền", ông Đam nói.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương cần chủ động kết nối để giúp người dân quay lại làm việc, bằng cách hỗ trợ đưa đón, chủ động cung cấp thông tin hoặc tiêm vaccine cho người lao động.
Ông nói, nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí đưa người lao động quay trở lại, đồng thời đề nghị Bộ LĐTBXH xem xét phối hợp với các địa phương có gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc và với người nhà đi theo, như vậy người lao động mới có thể yên tâm làm việc.
Về lâu dài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, từ bỏ dần lao động giá rẻ để đi vào chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn.
Làm gì để kéo 1,3 triệu lao động trở lại làm việc?
Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, lực lượng lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư tương đối lớn, có ý kiến khác nhau về số liệu nhưng sau khi đã nghe và xem trực tiếp tổng kết tất cả báo cáo của các địa phương cùng với thống kê tiến hành rà soát, phân loại ban đầu thì con số chính thức lao động về quê của chúng ta khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP.HCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê.
Qua khảo sát và làm việc với các tỉnh phía Nam cho thấy khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TP.HCM và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông là muốn ở lại quê. Nhưng trong số ở lại quê thì cũng chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.
Trên cơ sở đó, Bộ LĐTBXH đã liên hệ và sau khi trao đổi với các địa phương và nhận thấy có ba vấn đề lớn. Thứ nhất, các địa phương cùng với TP.HCM và các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.
Thứ hai, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Riêng Bắc Giang, cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50 nghìn lao động so với thời điểm trước dịch.
Thứ ba, là tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.
Làm rõ nguyên nhân chủ quan để 1,3 triệu người lao động về quê
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có phần trách nhiệm của quản lý Nhà nước, 1,3 triệu người dân đã nhiều đợt rời bỏ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam để về quê.
Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm và giải quyết việc làm, sinh kế cho lao động ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước khi mà người lao động đã trở về quê.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động đảm bảo mọi người tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất; tăng cường kiểm tra xử lý những hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi, đặt trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong và hậu đại dịch.
Làm thế nào để người lao động ly nông, không ly hương?
Được Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình thêm về vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm ở nông thôn, để người dân có thể "ly nông mà không ly hương", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về vấn đề giải quyết lao động nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp thì liên quan đến quy hoạch, hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, thủ tục hành chính môi trường đầu tư, định hướng thu hút đầu tư, chính sách tại Nghị định 57…
Ví dụ về thu hút đầu tư, đối với các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, đến nay không nên tiếp cận những dự án có hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp nữa; nên tập trung chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, tài chính. Nếu không làm vậy, các địa phương khác khó có cơ hội tiếp cận các khoản đầu tư.
"Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo điều chỉnh lại Nghị định 57 theo hướng mở rộng đối tượng, nguồn để hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng nông nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.