Dân Việt

Điểm tên các địa phương "siết" phân lô tách thửa núp bóng cá nhân

Trần Kháng 29/11/2021 06:45 GMT+7
Nhiều địa phương đã ban hành quy định mới nhằm "siết" tình trạng "lách luật" phân lô tách thửa tràn lan để bán đất nền.

Nở rộ phân lô tách thửa

Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng gom đất thổ cư phân lô, tách thửa để bán nền. Đáng chú ý, nhiều ô đất được tách thửa núp bóng cá nhân, nhưng khi được quảng cáo, giới thiệu trên thị trường là những "siêu phẩm đất nền" hoặc tên gọi dự án bất động sản hấp dẫn…

Cá biệt như trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Sóc Sơn… của TP.Hà Nội đang có hàng chục "dự án" phân lô bán nền tự phát rao bán dày đặc trên thị trường. Trong đó, các lô đất nền được tách từ các thửa đất lớn có diện tích từ 60 đến 200m2 và được rao bán với giá trung bình từ 12 đến hơn 20 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Nhiều địa phương "siết" phân lô tách thửa núp bóng cá nhân - Ảnh 1.

Một thửa đất đang được phân lô tách thửa bán nền ở huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng

Tình trạng phân lô tách thửa tràn lan cũng từng diễn ra tại Vĩnh Phúc. Cụ thể, theo thống kê của Vĩnh Phúc, việc chia tách thửa từ một thành nhiều mảnh trên địa bàn diễn ra theo chiều hướng gia tăng chóng mặt. Tính từ 1/1/2020 đến 30/4/2021 riêng huyện Tam Dương thực hiện chia tách gần 1.000 thửa đất thành gần 3.400 thửa đất với tổng diện tích hơn 1,1 triệu m2.

Không chỉ riêng địa bàn huyện Tam Dương, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận số lượng tách thửa tăng cao. Chỉ tính từ tháng 1/2020 đến 20/4/2021 đã có 3.882 thửa được tách. Đáng chú ý, có trường hợp một hộ dân có đất tách từ 1 thửa thành 82 thửa mới.

Nhiều địa phương "siết" phân lô tách thửa núp bóng cá nhân - Ảnh 2.

Mảnh đất 9.000m2 tại xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương được phân lô tách thửa thành 82 lô đất. Ảnh: Trần Kháng

Tương tự, ngay đầu năm 2021, tại TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), hàng loạt dự án bất động sản, phân lô bán nền trên địa bàn thành phố đã "mọc lên như nấm". Trên các mạng xã hội, các dự án như Happy Valley Bảo Lộc, Jade Garden Hill Bảo Lộc, khu dân cư Nguyễn Đình Chiểu, Đamb'ri Hill Village Bảo Lộc... được rao bán rầm rộ. Các dự án này đa số đều nằm trên đất nông nghiệp, nằm trên các ngọn đồi trồng chè nổi tiếng tại địa phương.

Theo UBND TP.Bảo Lộc, qua kiểm tra thực tế, các khu vực giao dịch bất động sản nêu trên là đất của các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý và sử dụng, nhưng khi chào bán, giao dịch chuyển nhượng đất thì được các đối tượng môi giới quảng cáo theo hình thức đặt tên cho các dự án bất động sản là chưa phù hợp. Từ đó, tạo sự ngộ nhận cho người mua là "dự án đầu tư bất động sản" do nhà nước cấp chủ trương đầu tư theo hình thức dự án đầu tư.

"Siết" phân lô táchthửa núp bóng cá nhân

Mới đây, ngày 26/11, ông Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký văn bản gửi các sở, ngành yêu cầu tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý phân lô, tách thửa không đúng quy định, đặc biệt tại các khu vực kêu gọi thu hút đầu tư dự án.

Nhiều địa phương "siết" phân lô tách thửa núp bóng cá nhân - Ảnh 3.

Khu đất phân lô tách thửa được "vẽ" thành dự án tên thương mại hấp dẫn. Trong ảnh là nhà đầu tư tìm hiểu đất nền phân lô tại khu đất tách thửa ở huyện Thạch Thất (TP.Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Minh

Trước đó, để ngăn chặn tình trạng người dân lách luật, tách thửa, phân lô, bán nền tràn lan, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Phúc đã "siết" lại bằng nhiều cách như: Trích lục bản đồ từng thửa đất phù hợp quy hoạch, siết diện tích và yêu cầu mặt tiền...đặc biệt, xét mục đích tách thửa đất.

Cụ thể, đối với trường hợp chia tách thửa đất để thừa kế, hiến tặng cho người trong gia đình (không đầu tư hạ tầng, không phân lô và không chuyển nhượng kinh doanh bất động sản) thì văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất.

Đối với trường hợp đã chia tách đất, có xây dựng đường giao thông và có dấu hiệu kinh doanh bất động sản, hiện trạng thửa đất được phân lô chưa hoàn thiện các hệ thống hạ tầng theo quy định thì tạm dừng cấp quyền sử dụng đất.

Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng không cho phép tách thửa đối với đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; đất nông nghiệp là đất vườn ao, đất trồng cây lâu năm, trồng cây hàng năm trong cùng thửa đất có nhà ở; đất trồng cây phù hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở và tiếp giáp với thửa đất có đất ở hoặc nhà ở đủ điều kiện công nhận đất ở mà diện tích các thửa đất sau khi tách thửa nhỏ hơn 45 m2, chiều rộng và chiều sâu nhỏ hơn 4,5 m (không kể diện tích lối đi và phần đất dành cho hạ tầng kỹ thuật…).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng quy định, với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối, diện tích các thửa đất sau khi tách thửa không nhỏ hơn 500 m2; đất nuôi trồng thủy sản không nhỏ hơn 1000 m2; đất trồng cây lâu năm không nhỏ hơn 1000 m2; đất rừng sản xuất không nhỏ hơn 3.000 m2.

Cũng để ngăn chặn phân lô bán nền tràn lan, tỉnh Lâm Đồng cũng áp dụng quy định mới về điều kiện tách, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu đối với từng loại đất. Trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích đất tối thiếu là 72 m2 và kích thước chiều rộng mặt đường 4,5 m.

Đối với thửa đất ở thuộc quy hoạch sử dụng đất (hoặc quy hoạch phân khu) là đất nông nghiệp và đối với thửa đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500 m2. Công an Lâm Đồng điều tra vụ phân lô bán nền trá hình tại TP Bảo Lộc.