Khó khăn khi phân loại rác tại nguồn
Tại TP.HCM, mỗi ngày thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chất thải nhựa, chất thải khác có thể tái chế được chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác hữu cơ), khoảng 1.800 tấn. Tuy nhiên, hiện nay TP chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế. Vì vậy có hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Một phần lượng rác tái chế này được lực lượng ve chai thu gom, mua bán, trao đổi mang tính nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và không đáp ứng được các mô hình tái chế lớn.
Theo các chuyên gia, tại TP.HCM cũng như các đô thị khác, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn là một giải pháp cấp thiết, cần được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Nếu thực hiện thành công sẽ giúp các nhà quản lý, các đơn vị xử lý sẽ có nhiều giải pháp trong xử lý, tái chế chất thải, điều này không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, chương trình phân loại rác tại nguồn đến nay vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc và chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Theo một chuyên gia về môi trường, các chương trình phân loại tại các địa phương chỉ mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn ít và chưa đủ mạnh để thay đổi tình thế.
Theo Bộ TNMT, TP.HCM đã thí điểm phân loại rác tại nguồn từ những năm 1999, bắt đầu từ một cụm dân cư hoặc một phường trong quận, giai đoạn 2015-2016 nhân rộng trên địa bàn 6 quận và sau đó nhân rộng tại 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay.
Theo Sở TNMT TP.HCM, mặc dù chính quyền đã đưa ra nhiều quyết định để tổ chức phân loại rác tại nguồn; nhưng công tác này chưa được triển khai đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức, do các hộ gia đình, chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại. Công tác tuyên truyền và triển khai giữa các địa phương chưa đồng bộ nên hiệu quả phân loại chưa cao.
Thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động là chính, chưa kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại chất thải rắn tại nguồn. Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện chưa tổ chức phương án thu gom riêng chất thải sau phân loại.
Theo Bộ TNMT, người dân chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của việc phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn nên tỷ lệ thu gom so với lượng phát sinh còn thấp. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Làm gì để tăng cường phân loại rác tại nguồn ?
Phân loại rác tại nguồn nhằm tách các chất thải có giá trị tái chế cao ngay tại nguồn thải, đặc biệt là thành phần hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học chiếm tỷ lệ cao từ 60-80%, tạo nguồn hữu cơ "sạch" để chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao.
Phân loại chất thải tại nguồn còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp khi khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ngày càng tăng, diện tích cho chôn lấp bị hạn chế. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có vai trò quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, tất cả các bao bì của các doanh nghiệp trong Liên minh sản xuất, kinh doanh đều được thu hồi và tái chế. Việc TP.HCM tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 loại rác tái chế và rác còn lại sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc thu hồi bao bì đã qua sử dụng, đảm bảo rác thải không bị đưa ra môi trường.
Không những vậy, phần rác có thể tái chế đã qua phân loại, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, từ đó tạo nền tảng cơ sở hình thành thị trường thu hồi - tái chế, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (CITENCO) cho biết, hiện Công ty đang triển khai Đề án "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn".
Mục tiêu của Đề án nhằm thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế trong dân cư; tạo nền tảng xây dựng mô hình "Trung tâm xử lý và tái chế chất thải" nhằm thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế và tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải.
Để khắc phục hạn chế chương trình phân loại rác tại nguồn, ngày 4/5/2021, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 09 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, thành phố sẽ thay đổi cách phân loại rác, người dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 loại thay vì 3 loại như trước kia.
Cụ thể, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải sẽ phân loại thành 2 nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Theo đại diện Sở TNMT TP.HCM, việc thay đổi cách phân loại rác theo quy định mới rất thuận tiện cho cả người dân và các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Vì vậy, việc triển khai phân loại rác thành 2 loại đã nhận được sự đồng tình cao của người dân bởi dễ thực hiện và đem lại nhiều tiện ích.
Đặc biệt, TP.HCM đang hướng đến công nghệ xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và tái chế thay vì chôn lấp nên việc thực hiện phân loại rác thành 2 loại là cần thiết.
Việc phân loại thành 2 nhóm giúp đơn vị thu gom, vận chuyển dễ thực hiện bởi phần rác tái chế, người dân có thể bán hoặc cho lực lượng thu gom, tạo thêm nguồn thu nhập và mang lại giá trị kinh tế, tạo nền tảng hình thành thị trường thu hồi-tái chế, tiến đến hình thành Trung tâm tái chế chất thải, góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.