Biến bãi rác Đông Thạnh thành khu sinh thái, tại sao không ?

P.V Thứ hai, ngày 22/06/2020 17:14 PM (GMT+7)
Khó hình dung, nếu không tận mắt chứng kiến ngay tại hiện trường: Bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) – cách đây hơn 10 năm từng gây ô nhiễm cả một vùng; thì nay, đã được cải tạo, xanh hóa với bạt ngàn màu xanh của cây lá...
Bình luận 0

Đất lành, cây xanh, trái ngọt...

Thật vậy, có mặt tại khu vực bãi rác Đông Thạnh vào một ngày cuối tháng 5/2020. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, khi tận mắt chứng kiến cả một vùng đất rộng hàng chục héc-ta, với bạt ngàn cây ăn trái, nhà kính trồng lớp lớp rau, quả sạch...

Biến bãi rác Đông Thạnh thành khu sinh thái, tại sao không ? - Ảnh 1.

Dưa lưới được trồng bạt ngàn tại các khu nhà kính ở bãi rác Đông Thạnh.

Anh Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng Công nghệ Môi trường - kiểm tra chất lượng (Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị  TP.HCM, viết tắt Citenco) – cho biết: "Từ ngày UBND TP.HCM đóng cửa bãi rác Đông Thạnh và giao cho Citenco quản lý. Chúng tôi đã quyết tâm cải tạo, biến đổi bãi rác Đông Thạnh trở thành một vùng đất lành, thân thiện với môi trường".

Bãi rác Đông Thạnh trước năm 2002, thuộc Công ty xử lý chất thải TP quản lý và vận hành. Theo đó, toàn bộ rác thải được xử lý bằng cách chôn lấp tự nhiên, không có lớp lót chống thấm. Đến cuối năm 2002, bãi chôn lấp rác này ngưng tiếp nhận rác. Và, đầu năm 2003 chuyển giao về cho Citenco quản lý.

Trách nhiệm của Citenco tại thời điểm được chuyển giao là xây dựng và thực hiện giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho bãi chôn lấp rác Đông Thạnh.

Biến bãi rác Đông Thạnh thành khu sinh thái, tại sao không ? - Ảnh 2.

Những giàn dưa lưới nặng trĩu quả.

Theo ông Tuấn, từ năm 2003 đến nay, Citenco không ngừng nỗ lực để cải thiện bãi rác Đông Thạnh. Cụ thể: Công ty thường xuyên hút nước rỉ rác phát sinh từ bãi rác và chuyển vào hệ thống xử lý nước thải để giảm thiểu mức độ ô nhiễm trong nguồn nước. Toàn bộ nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường do Bộ TNMT ban hành, trước khi đưa ra môi trường.

Citenco thực hiện phủ đỉnh toàn bộ bãi chôn lấp rác kết hợp với phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi và thiết lập các vườn cây nông sản áp dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, Citenco đã hợp tác với một số đơn vị trồng dưa lưới, dưa lê, rau sạch... theo công nghệ trồng Israel. Ngoài ra, Citenco cũng hình thành hàng loạt vườn cây ăn trái, hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ như: ổi sạch, mãng cầu... Bên cạnh là các khu vườn trồng hoa kiểng, hoa lan...

Anh Nguyễn Khắc Hùng - công nhân Citenco - cho biết, với hơn 10.000m2 nhà kính, vườn dưa lưới tại đây cho năng suất trên 20 tấn/tháng.  "Toàn bộ dưa được trồng thủy canh, hệ thống tắm tưới, chất dinh dưỡng nuôi cây… tất cả đều theo công nghệ tưới nhỏ giọt tự động của Israel. Mỗi nhà kính sẽ cho 7 tấn/vụ, cứ 60 – 70 ngày thì thu hoạch một vụ. Toàn bộ sản lượng đều cung cấp cho hệ thống siêu thị trên địa bàn TP.HCM" – anh Hùng nói.

Hiện tổng diện tích bãi rác Đông Thạnh gần 45 ha, thì hầu hết 45 ha này đều phủ kín màu xanh của cây trái, rau quả sạch, hoa kiểng.v.v...

Biến bãi rác Đông Thạnh thành khu sinh thái, tại sao không ? - Ảnh 3.

Rau sạch cũng được trồng rất nhiều.

Khu du lịch sinh thái môi trường, tại sao không ?

Trước sự đổi thay rất đáng khích lệ của bãi rác Đông Thạnh năm xưa, ông Nguyễn Văn Của – người dân trú tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn – đã đề xuất: "Tôi nhận thấy rằng, nhờ sự quản lý, cải tạo rất hiệu quả của Citenco, mà giờ đây, không ai còn nhận ra khu vực này từng là bãi rác ô nhiễm, từng chứa đến hơn 10 triệu tấn rác năm xưa... Mùi hôi, cái nhếch nhác, ô nhiễm đã không còn.

Tôi mong muốn lãnh đạo TP tiếp tục cho phép Citenco biến bãi rác Đông Thạnh thành một khu du lịch sinh thái, nhằm cho người dân TP một khu vui chơi, giải trí, vừa giáo dục nhận thức của người dân về môi trường xanh – sạch, về bảo vệ môi trường...".

Biến bãi rác Đông Thạnh thành khu sinh thái, tại sao không ? - Ảnh 4.

Cả một vùng đất ở khu vực bãi rác Đông Thạnh đang được "xanh hóa".

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Nhựt – Tổng Giám đốc Citenco – cho rằng: "Ước nguyện của người dân về một khu sinh thái môi trường, mang ý nghĩa giáo dục nhận thức về bảo vệ môi trường, là rất hợp lý. Doanh nghiệp chúng tôi sẳn sàng hưởng ứng, một khi chính quyền, cơ quan chức năng tạo điều kiện".

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc  Sở TNMT TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có 3 bãi rác đã đóng cửa, chỉ có 2 bãi chôn lấp là Đông Thạnh và Gò Cát đã đóng cửa trên 10 năm, đủ điều kiện xử lý rác chôn lấp và cải tạo môi trường theo quy định.

Đến nay đã có 15 nhà đầu tư gửi phương án đầu tư theo mời gọi của UBND TP.HCM. Nhiều đề xuất của các nhà đầu tư như: Đào lượng rác đã chôn lấp để tái chế thành vật liệu xây dựng, phân hữu cơ, tạo quỹ đất sạch đầu tư công viên, khu đô thị, sân golf…

Biến bãi rác Đông Thạnh thành khu sinh thái, tại sao không ? - Ảnh 5.

Dưa lê chín vàng, được thu hoạch và phân phối vào các siêu thị ở TP.HCM

"Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND TP, Sở TNMT đã soạn thảo các quy chuẩn, tiêu chí về môi trường, công nghệ, cơ chế đầu tư, tham mưu cho TP kêu gọi, chọn lựa nhà đầu tư phù hợp theo quy định pháp luật" – ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, trong tất cả tiêu chí, môi trường là quyết định. Do đó, yêu cầu đầu tiên của TP khi lựa chọn nhà đầu tư là phải xử lý bảo đảm về môi trường, tránh ảnh hưởng khu vực lân cận.

Trong khi đó, theo ý kiến của một số chuyên gia về môi trường, chính quyền TP.HCM nên quan tâm đến ý tưởng hình thành một khu sinh thái tại bãi rác Đông Thạnh năm xưa, là rất hợp lý.

Khu sinh thái không chỉ đáp ứng được tiêu chí bảo vệ môi trường, nó còn đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân TP.HCM. Ngoài ra, khu sinh thái này còn có ý nghĩa giáo dục về bảo vệ môi trường, đáp được nguyện vọng của đa phần dân cư huyện Hóc Môn và vùng phụ cận như quận 12 và huyện Củ Chi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem