Người lao động giảm thu nhập, mất việc làm
Phát biểu tại diễn "Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững", ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.
Hiệu quả hoạt động của HTX đều giảm so với năm trước, hơn 90% tổng số HTX giảm doanh thu và lợi nhuận (giảm 32% so với năm 2019). Thu nhập bình quân của một lao động giảm 25%, đời sống người lao động, thành viên gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, hơn 50% hộ gia đình nông thôn giảm thu nhập trung bình 38% và 78% hộ hoạt động phi nông nghiệp giảm thu nhập trung bình bình 46%; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không lương chiếm hơn 50% tổng số lao động.
Trong đó, đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Điển hình là những khó khăn do chuỗi giá trị bị đứt gãy, nhập nguyên liệu, vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi; chi phí giống, nhân công, phân bón, thức ăn chăn nuôi, trả lãi tiền vay tăng, phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19.
Đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, phần lớn hoạt động cầm chừng do thiếu hụt lao động trong thời gian giãn cách.
"Doanh thu giảm mạnh trong khi vẫn phải đóng các khoản chi phí như thuế, tiền lãi vay, chi phí mặt bằng, nhà xưởng và thanh toán các chế độ cho người lao động. HTX sản xuất sản phẩm xuất khẩu gặp khó khăn do hoạt động xuất khẩu bị tạm ngừng hoặc cắt giảm, hàng hóa không tiêu thụ được nên phải cho người lao động tạm thời nghỉ việc; hơn 40% HTX ở lĩnh vực này gặp khó khăn do không có nguồn thu", ông Bảo cho hay.
Cũng theo thông tin từ Liên minh HTX, đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ du lịch hiện tại chỉ cầm chừng, chi phí vận chuyến tăng cao do giá nhiên liệu và chi phí xét nghiệm Covid-19 thường xuyên.
"Hầu hết thành viên là chủ phương tiện xe khách vay vốn ngân hàng, rất khó khăn trong việc thanh toán nợ vay, lãi vay đúng hạn. HTX tổ chức dịch vụ du lịch phải tạm ngừng hoạt động vì hoạt động du lịch bị đóng cửa, dẫn đến HTX không đủ chi phí để vận hành hoạt động, thành viên và người lao động không có thu nhập.
Đối với Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, nhu cầu vay vốn đầu tư giảm, một số thành viên do khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải bán tài sản để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhiều thành viên khó khăn về tài chính, không thực hiện đầy đủ các quy định trả nợ gốc, lãi tiền vay theo quy định, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và tăng mức độ rủi ro của các Quỹ tín dụng nhân dân", ông Bảo thông tin.
Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ
Tuy gặp nhiều khó khăn nêu trên nhưng theo ông Bảo cho biết, việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, HTX tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc.
"Một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTX thiệt hại do dịch COVID-19 không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX hoặc người lao động trong HTX; thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp dẫn đến HTX khó tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ;
Việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của một số ngành và địa phương chưa được sâu sát, cụ thể đối với địa bàn dân cư khu vực nông thôn, đồng thời thiếu hướng dẫn cụ thể thủ tục tiếp cận chính sách", ông Bảo cho hay.
Ngoải ra, cũng theo Chủ tịch Liên minh HTX chia sẻ, hiện tại, chưa có HTX nào tiếp cận được chính sách vay trả lương ngừng việc thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội do thủ tục vay chặt chẽ.
Đánh giá về tình trạng trên, ông Francois Painchaud, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam và Lào, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, hiện tại, dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm 2021 đã giảm xuống hơn 1,3%.
Tại Việt Nam, trong các đợt dịch gần đây, đại dịch diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới thu nhập cũng như việc làm của người dân, đặc biệt, từ quý II/2020. Tuy nhiên, đến quý IV/2020, nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực mặc dù có sự chuyển dịch.
"Những người lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề nhất, họ là những người không được cung cấp bảo hiểm, thu nhập không ổn định. Tiền lương của người dân không hồi phục rõ rệt vào quý IV/2020 và tiếp tục giảm trong năm 2021. Điều này cũng ảnh hưởng vì tình trạng giảm giờ làm.
Cuộc khủng hoảng "tiền lương âm" cần phải giải quyết một cách hiệu quả vì những người lao động không chính thức bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Các hộ kinh doanh gia đình tăng trưởng rất nhanh chóng và dễ bị tổn thương nhất. Vấn đề ở đây, chúng ta cần có giải pháp vận chuyển tiền mặt nhanh chóng, đúng đối tượng cần được hỗ trợ", ông Francois Painchaud nhấn mạnh.