Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Tam Sơn cho biết: Giống nếp nhung được trồng ở Tam Sơn cách đây hơn 20 năm.
Ban đầu, người dân chỉ trồng với diện tích nhỏ, chủ yếu để đồ xôi hoặc làm bánh chưng phục vụ gia đình trong những ngày lễ, tết.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất giống lúa thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Tam Sơn, đến nay, nếp nhung trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện toàn phường có 80% số hộ gieo cấy nếp nhung với diện tích hơn 500ha.
Ông Tuấn phấn khởi cho biết: Một tin rất vui là năm 2021 sản phẩm nếp nhung Tam Sơn được lựa chọn tham gia chương trình Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh. Đây sẽ là thuận lợi rất lớn giúp nông dân Tam Sơn quảng bá, tiêu thụ nông sản đặc sản của địa phương.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn - Ngô Sỹ Dũng mong muốn, sau khi sản phẩm nếp nhung Tam Sơn được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2021, sản phẩm nếp nhung Tam Sơn sẽ có những bước phát triển mới, tạo chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ trong nước cũng như tiến xa hơn là xuất khẩu, qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Ninh.
Chị Ngô Thị Phong - cán bộ khuyến nông phường Tam Sơn cho biết: Giống lúa nếp nhung là giống lúa nếp đặc sản ở địa phương có đặc điểm hạt tròn vo, gạo trắng, thơm mát, khi nấu ăn rất dẻo.
Theo chị Phong: Giống lúa nếp thâm canh tốt, năng suất cao (bình quân đạt 1,8 tạ/sào), thích hợp cấy ở chân ruộng vàn.
Năm 2021, sản lượng 2 vụ lúa nếp nhung của xã đạt 5.250 tấn (tăng 19,6% so với năm 2020). Với giá nếp nhung là 10.000 - 12.000 đồng/kg, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng/năm.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Sơn Ngô Sỹ Dũng phấn khởi cho hay: Với mô hình sản xuất chuyên canh theo hướng tập trung nên việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hơn 200ha lúa nếp nhung của HTX rất thuận lợi, đặc biệt khi trồng ở cánh đồng mẫu lớn.
Ông Dũng mong muốn, sau khi sản phẩm nếp nhung Tam Sơn được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2021, sản phẩm nếp nhung Tam Sơn sẽ có những bước phát triển mới, tạo chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ trong nước cũng như tiến xa hơn là xuất khẩu, qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Ninh.
Đẩy mạnh liên kết 4 nhà
Vụ mùa này, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa (ở khu phố Tam Sơn) trồng 2,5 mẫu lúa nếp. Bà Hoa cho biết: Vụ mùa năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất đạt 170 - 180kg/sào, sau khi trừ chi phí gia đình bà thu về khoảng 30 triệu đồng.
Theo bà Hoa, để làm ra sản phẩm nếp nhung Tam Sơn thơm ngon, ngay từ khâu gieo trồng bà đã tỉ mỉ chọn giống lúa.
"Giống lúa được chọn riêng ở một thửa ruộng, chọn bông lúa dài, có hạt mẩy đều, gọn bông. Lúa phơi trong 3 ngày, mỗi ngày 2 tiếng và không phơi liên tục, để bảo đảm năng suất, chất lượng gạo" - bà Hoa nói.
Không chỉ tạo lợi nhuận cho người dân gieo trồng, sản xuất lúa nếp nhung Tam Sơn cái hoa vàng còn tạo việc làm cho các hộ dân khác, mang lại lợi nhuận cao kinh tế.
Nhận thấy giá trị của lúa nếp nhung Tam Sơn mang lại, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (ở quận Tây Hồ, Hà Nội), đã đầu tư hai cơ sở xay xát với công nghệ hiện đại ngay tại khu phố Tam Sơn, phường Tam Sơn, TP.Từ Sơn, để thuận lợi cho việc cung cấp gạo ra thị trường.
Bà Hồng chia sẻ: Gạo nếp nhung Tam Sơn có đặc điểm dẻo, thơm. Khi nấu tỏa mùi hương từ khi nước bắt đầu sôi, cho hạt xôi thơm dẻo, ngọt vị, đến khi nguội vẫn giữ được độ keo dính nên rất được khách hàng ưu chuộng. Giá gạo nếp nhung Tam Sơn là 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Hiện cơ sở của bà có 10 lao động chuyên thu mua thóc của người dân trong xã về xay xát thành gạo cung cấp cho một số công ty và các tiểu thương trong, ngoài tỉnh với số lượng trung bình trên 10 tấn gạo nếp nhung/ngày.
Theo Chủ tịch UBND phường Tam Sơn Nguyễn Khắc Tuấn, để nâng tầm thương hiệu gạo nếp nhung Tam Sơn, thời gian tới, phường phối hợp với các cơ quan chức năng, đẩy mạnh liên kết 4 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà kinh doanh.
Qua đó, không chỉ đảm bảo chất lượng giống nếp nhung của địa phương mà còn tìm đầu ra ổn định, tạo lợi nhuận cho người dân trong phường.