Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao – Đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống

Nguyễn Thu Thứ sáu, ngày 12/11/2021 16:00 PM (GMT+7)
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực. Bước sang giai đoạn mới, tỉnh Bắc Ninh đề ra những giải pháp cụ thể, theo lộ trình từng năm để tiếp tục xây dựng NTM toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu.
Bình luận 0

Khởi sắc từ xây dựng NTM

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Sau 10 năm, xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

Diện mạo nông thôn ở tất cả các địa phương trở lên khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp theo phương châm xã hội hóa, nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao – Đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống - Ảnh 1.

Trên 90% các tuyến đường nông thôn ở Cách Bi, huyện Quế Võ, Bắc Ninh đã trở thành “đường hoa”. Ảnh: Thành Trung

Đặc biệt, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống đê điều, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu... được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới theo hướng hiện đại, đảm bảo mục tiêu phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đến hết năm 2020, 8/8 đơn vị cấp huyện và 94/94 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 82,4% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng sự hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị: đô thị hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, là thị trường lớn để tiêu thụ nông sản từ nông thôn; ngược lại, nông thôn chính là vành đai xanh, giúp đô thị giảm tải áp lực về gia tăng dân số cơ học và môi trường.

Các địa phương tích cực thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, thực hiện có hiệu quả chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển đổi bộ giống cây trồng – vật nuôi, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao – Đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống - Ảnh 2.

Các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản được ưu tiên phát triển. Trong ảnh: Mô hình chế biến cà rốt xuất khẩu tại xã Minh Tân, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. Ảnh: T.N

Nhờ đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, tập trung nâng cao chất lượng, hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ "sản xuất giống – thức ăn – gia công – thu mua – chế biến – phân phối" đạt hiệu quả kinh tế cao đang được áp dụng và nhân rộng. Tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh.

Đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện; các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được gìn giữ, bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố.

Đặc biệt, đến nay trên địa bàn tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm nhanh và bền vững qua các năm, còn 1,2% (năm 2020).

Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện chính sách an sinh xã hội đặc thù riêng của tỉnh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, trẻ em, gia đình chính sách… Lĩnh vực giáo dục, y tế có bước phát triển. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn, từng bước làm thay đổi nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân.

Hướng tới xây dựng NTM bền vững

Bước vào giai đoạn mới, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: có 2 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao/huyện NTM kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu) và ít nhất 50 mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Bắc Ninh: Xây dựng nông thôn mới nâng cao – Đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống - Ảnh 3.

Con đường hoa nông dân ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Thu

Với quan điểm chỉ đạo: "Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc"; tiếp tục xây dựng NTM toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước; tỉnh Bắc Ninh xác định trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

Đồng thời, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tăng cường phát triển dịch vụ thương mại nông thôn; xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đặc thù, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, bảo tồn và phát huy đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa ở nông thôn.

Người dân được tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe tốt, hệ thống chính trị được tăng cường, quốc phòng, ANTT được giữ vững; phát huy sức mạnh toàn dân, vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM...

Bắc Ninh đồng hành xây dựng nông thôn mới


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem