Đông Triều là thị xã Phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, nổi tiếng là nơi ra đời của Đệ tứ Chiến khu Trần Hưng Đạo – Chiến khu Đông Triều trong kháng chiến chống Pháp.
Bên cạnh đó, Đông Triều còn được biết đến là quê hương chốn tổ của nhà Trần, một trong những triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Clip: Tuyến cáp treo lên Ngọa Vân - "thánh địa" của thiền phái Trúc Lâm, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Vừa hẹn hôm trước một chuyến về Ngọa Vân, ngay hôm sau, tôi đã vác ngay máy ảnh và bắt đầu hành trình khám phá "thánh địa" của thiền phái Trúc Lâm.
Hành trình về Ngọa Vân của tôi ngay sau ngày lễ tưởng niệm 713 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và khánh thành am – chùa Ngọa Vân. Anh Nguyễn Văn Sơn - Trưởng Ban quản lý Khu di tích nhà Trần vẫn đón tôi từ sớm với dáng vẻ hồ hởi, thân thiện như đang chờ đón người nhà về chơi.
Rời xa đường quốc lộ, chúng tôi rẽ theo biển hướng dẫn vào Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần. Dọc hai bên đường là những ruộng lúa đã được gặt hết, chỉ còn trơ lại gốc rạ, cùng với cờ phướn, băng rôn phần phật trong gió, chào mừng lễ tưởng niệm.
Anh Sơn giới thiệu cho tôi biết, khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều gồm 14 điểm di tích với 2 đền, 5 chùa và 7 lăng mộ. Có thể kể đến một số di tích như chùa Quỳnh Lâm, được mệnh danh là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, trung tâm Phật giáo cả nước thời Trần.
Chùa Hồ Thiên là nơi các vị tăng sau khi kết thúc khóa học ở Quỳnh Lâm về đây tiếp tục tu hành, cũng là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa Trung Tiết thờ vua Trần Anh Tông cùng hai vị trung thần. Thái miếu là tông miếu, nơi thờ tổ tiên nhà Trần và các vị vua Trần.
Đền Anh Sinh, nơi thờ bát vị hoàng đế nhà Trần, đức Thánh Trần và cha mẹ của ngài là An Sinh vương cùng Thiện Đạo Quốc mẫu. Đặc biệt, am Ngọa Vân là điểm cuối cùng trong lịch trình hành hương về vùng "thánh địa" của thiền phái Trúc Lâm.
Mới tháng trước đây, anh Sơn còn khá bận rộn với công tác chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 713 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Trưởng Ban quản lý Khu di tích nhà Trần chia sẻ, trước đây, việc hành hương tới Ngọa Vân chỉ có thể đi theo con đường mòn lên núi.
Nhưng ngày nay, đường dẫn vào Ngọa Vân đã được mở rộng, bê tông hóa, cáp treo lên đến tận đỉnh núi cũng đã được xây dựng xong giúp cho việc đi lại rất thuận lợi. Bởi vậy chúng tôi đã lựa chọn cáp treo để lên am Ngọa Vân.
Từ trên cabin cáp treo nhìn xuống rừng thông ẩn hiện, anh Sơn kể cho tôi nghe về tuyến đường hành hương mà khi xưa Phật hoàng Trần Nhân Tông từng đi.
Theo những tài liệu lịch sử, con đường Phật hoàng Trần Nhân Tông hành hương lên Ngọa Vân được cho là từ đền Sinh qua khu hồ Trại Lốc, am Mộc Cảo, dọc theo suối vào Tàn Lọng, rồi Phủ Am Trà, đến dốc Đô Kiệu (Đỗ Kiệu), lên khu Thông Đàn rồi ngược núi lên chùa trung Ngọa Vân, nhà Tổ và đến am Ngọa Vân là điểm cuối cùng.
Anh Sơn kể: "Tương truyền, khu vực nhà ga của tuyến cáp treo từ Trại Lốc lên Ngọa Vân chính là khu vực Tàn Lọng. Ngày xưa, khi Phật hoàng hành hương lên Ngọa Vân cũng có đoàn tùy tùng đi theo hầu gồm văn quan võ tướng, người hầu, các nhà sư... Khi đến khu vực rừng già, cây cối um tùm, đường hẹp, bởi thế phải hạ lọng xuống. Từ đó, khu vực này được gọi là Tàn Lọng".
Từ Tàn Lọng, đi một đoạn nữa đến Phủ Am Trà. Hiện nay, Phủ Am Trà là một ngôi miếu nhỏ thờ Sơn thần. Còn trước đây, theo những giai thoại liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, trên đường lên Ngọa Vân, Phủ Am Trà là nơi Ngài dừng chân nghỉ ngơi và uống trà. Sau khi nghỉ ngơi, Ngài tiếp tục cùng với tùy tùng của mình đi sâu vào trong rừng, đến dốc Đô Kiệu (Đỗ Kiệu).
Từ Tàn Lọng, Phủ Am Trà vào đến đây đều là men theo suối, đường khá bằng phẳng và dễ đi. Nhưng đến dốc Đô Kiệu thì dốc thẳng đứng lên như yên ngựa, nên không thể đi bằng kiệu, cáng được nữa. Lúc đó, Ngài lại dừng kiệu và đi bộ. Do đó, nhân dân vẫn gọi nơi này là Đỗ Kiệu, đọc chệch thành Đô Kiệu.
Tiếp đến là khu vực Thông Đàn. Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà khảo cổ đã nghiên cứu và phát hiện ra những ngôi tháp mộ được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng tại đây. Đến nay, những tháp này cũng đã được phục dựng, thờ Phật và thờ các vị chư tổ của thiền phái Trúc Lâm.
"Khu Thông Đàn gồm: Thông Đàn 1, Thông Đàn 2, và Thông Đàn 3. Ở đây còn bảo tồn nguyên vẹn được 7 - 9 cây thông Xích Tùng cổ khoảng 600 – 700 tuổi, đường kính rộng hai người ôm không xuể. Từ khu Thông Đàn đi bộ tiếp khoảng 1km thì sẽ lên được am Ngọa Vân", vừa chỉ vị trí của những cây thông cổ từ trên cao, anh Sơn vừa kể.
Suốt dọc tuyến đường hành hương này, các nhà khoa học đã khảo sát và tìm ra rất nhiều công trình, phế tích liên quan đến nhà Trần như gạch ngói, đồ ngự dụng, đồ trang trí, những bờ kè, đá cuội, nền móng, chân tảng, bó vỉa để xây dựng…
Cũng chính trên tuyến đường hành hương này, tại địa phận thôn Trại Lốc, xã An Sinh, TX Đông Triều, bảo vật quốc gia hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được phát hiện vào ngày 21/6/2012.
"Đoạn đường hành hương từ Phủ Am Trà lên am Ngọa Vân dài khoảng 3,7 km. Hiện nay, con đường này đã được lát đá khoảng 3,3km, còn 1 đoạn khoảng 300- 400m là đường đất. Tới đây TX Đông triều, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đơn vị cáp treo… sẽ tiếp tục xã hội hóa nguồn kinh phí để đầu tư đoạn đường còn lại", anh Sơn cho hay.
Vi vu trên không trung khoảng 10 phút, chúng tôi xuống ga cáp treo, rồi đi bộ thêm khoảng 20 phút là tới chùa Ngọa Vân trung. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa là vùng núi rừng mênh mông, ẩn chìm trong những đám mây thoắt quấn quện, thoắt trôi xa...
Thật đúng là như cảnh tiên giới bềnh bồng như đang nằm trên mây vậy. Ngẫm ra thấy đúng với cái tên Ngọa Vân mà người đời đặt cho...
(Còn nữa)