Nhạc sĩ Phú Quang hành trình phương Nam và bước ngoặt tạo nên "Nỗi nhớ mùa Đông"
43 năm trước, mùa Đông năm 1978, tôi ra Hà Nội và lần đầu tiên gặp nhạc sĩ Phú Quang tại nhà Nguyễn Đình Chính. Mùa Đông ấy lạnh hơn mùa Đông hôm nay. Nhưng chính sự gặp gỡ, chia sẻ đã khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn. Lúc ấy, tôi mới biết Phú Quang chính là tác giả của tiểu phẩm "Tình yêu của biển" viết cho flute (sáo Tây) và dàn nhạc giao hưởng. Tiểu phẩm đã là nhạc dẫn, nhạc mở đầu cho chương trình "Đọc truyện đêm khuya" mà lính chiến trường rất mê mẩn.
Gặp nhau ở tuổi "Tam thập nhi lập, chúng tôi thành bạn của nhau, cùng ôm ấp những dự định sáng tạo trong tương lai". "Dàn nhạc mùa Thu" của Phú Quang đã thực hiện cả chương trình ca nhạc của bộ đội thông tin chúng tôi trên làn sóng của buổi "phát thanh quân đội". Tôi vẫn còn lưu giữ những tông phổ ngày ấy như một kỷ niệm không quên của tình bạn.
Nhưng ở đời, mỗi người lại có một hành trình riêng. Tôi phải từ phương Nam ra Hà Nội thì mới thành danh, còn Phú Quang thì ngược lại, phải dấn thân vào phương Nam thì mới có thể tạo nên bước ngoặt trong hành trình sáng tạo, bởi một nỗi nhớ mùa Đông, nỗi nhớ rét mướt. Cái nỗi nhớ ấy đã gặp được tri kỷ ở trường ca "Em ơi, Hà Nội phố" (thơ của Phan Vũ). Thi phẩm này của Phan Vũ xuất phát trở thành một kịch bản phim trong bối cảnh Hà Nội chống chiến tranh phá hoại năm 1967.
Cảm hứng bắt đầu từ tiếng dương cầm mà tác giả nghe vẳng lên trong một căn nhà đổ nát gần nhà thờ cửa Bắc. Phải chăng đấy chính là sức sống lâu bền để người Hà Nội đã vượt qua bao mùa Đông, qua bao cuộc chiến tranh. Thì đấy cũng chính là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Phú Quang có thể hát lên "nỗi nhớ rét mướt" của mình. Trường ca của Phan Vũ rất dài và đã được Phú Quang chắt lọc ra những câu hợp với tâm trạng mình nhất để phổ nhạc.
"Em ơi, Hà Nội phố" cũng là một gợi ý để Phú Quang khởi một sự nghiệp âm nhạc với những ca khúc phổ thơ mà căn bản là những bài thơ viết về Hà Nội. Có thể thấy đấy là một hành trình độc đạo, bền bỉ trong suốt ba thập kỷ (1988-2018). Dọc hành trình ấy là những giai điệu đi giữa ca khúc và hát thơ từ "Em ơi! Hà Nội phố" (thơ Phan Vũ); "Im lặng đêm Hà Nội" (thơ Phạm Thị Ngọc Liên"; "Nỗi nhớ mùa Đông" (thơ Thảo Phương"; "Chiều phủ Tây Hồ" (thơ Thái Thăng Long, "Chiều không em" thơ Nguyễn Thụy Kha...
Nhạc sĩ Phú Quang từng được khen bụ bẫm và cặp mắt đa tình
Trong đó có những giai điệu mùa Thu như "Đâu phải bởi mùa Thu" (thơ Giáng Vân), "Mùa thu giấu em" (thơ Thanh Tùng), "Khúc mùa Thu" (thơ Hồng Thanh Quang), "Thu rất thật thu" thơ Chu Hoạch... Sự nghiệp này đã mang đến cho Phú Quang giải thưởng Bùi Xuân Phái "Vì tình yêu Hà Nội" năm 2020, khi anh đang điều trị bạo bệnh.
Một nhà thơ từng viết: "Thời gian đã cho ta tất cả và lấy đi tất cả của ta". Sự tàn phá của thời gian chầm chậm nhưng khủng khiếp hơn bất kì sự tàn phá nào. Nhớ hồi mới gặp nhau, Phú Quang đẹp trai trong cặp mắt đa tình, gương mặt búng ra sữa. Quang bảo thời đói nghèo bao cấp do không chịu đói nên anh đã theo gót người anh trai Phú Ân thi vào khoa kèn của Nhạc viện Hà Nội. Nghệ sĩ kèn thì có chế độ bồi dưỡng khá hơn nên má mới phinh phính thế này.
Cặp kèn Cor Quang – Kim trong Dàn Nhạc giao hưởng thời bấy giờ là "cặp bài trùng" tham gia trình tấu bao tác phẩm kinh điển thế giới. Không chỉ với kèn, nhạc sĩ Phú Quang còn chơi piano, guitar và hát rất truyền cảm. Thế là đã quá nhiều để thu hút các bóng hồng dọc hành trình phiêu lãng của mình. Hình như đấy là vòng khép kín trong sáng tạo của nghệ sĩ mà Phú Quang cũng không phải ngoại lệ. Yêu – rồi đau – rồi thốt lên nỗi đau lòng trong tác phẩm – rồi yêu – rồi đau – rồi thốt lên... Quang từng tâm sự: "Đôi khi nỗi đau đến tận cùng lại là nỗi đau được sinh ra từ người thân yêu nhất. Để đắng cay mà nhận ra rằng: đi bên anh, em còn lạc lối về...".
Cứ thế, nhạc sĩ Phú Quang cứ đi, cứ chia sẻ với nhân gian đến tận cùng sức lực. Để rồi đến sớm mùa đông giã từ hôm nay... Cứ còn văng vẳng mãi lời thơ Phan Vũ trong giai điệu Phú Quang khi cả hai cùng đi về cõi xa xăm: "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/ Ta còn em góc phố mồ côi mùa Đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/ Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân..." Không biết có phải âm hưởng này ẩn chứa trong lời báo hiệu về sự ra đi của tác phẩm "Em ơi! Hà Nội phố" vào đúng mùa đông hay không? Có lẽ chỉ có trời mới biết.
Nhớ mãi mùa chớm Đông 1994, sau khi Phú Quang hát cho nghe giai điệu "Chiều không em" phổ thơ tôi, hai thằng đã ngồi nhâm nhi Hà Nội lúc giao mùa đến lúc lẫn vào đêm. Và bài thơ "Điệu.. chiều" tặng Phú Quang đã lại hiện ra:
Lá la là lả lả lá sa
Sầu giấu sầu náu màu đau đáu
Chiều xiêu xiêu diều phiêu diêu điệu
Thu ù ù cũ phù du…
Giã từ nhé! Phú Quang. Giã từ nhé, mùa Đông!
Nhạc sĩ Thụy Kha