Thu Phương: Có một Phú Quang rất khác của thập niên 90
Ca sĩ Thu Phương: Có một nhạc sĩ Phú Quang rất khác của thập niên 90
Hà Tùng Long
Thứ năm, ngày 09/12/2021 10:20 AM (GMT+7)
Ca sĩ Thu Phương rất bàng hoàng khi hay biết nhạc sĩ Phú Quang đã rời cõi tạm ở tuổi 73 lúc trả lời phỏng vấn của Dân Việt. Trong cuộc đời âm nhạc, Thu Phương có rất nhiều kỷ niệm với người nhạc sĩ mà chị luôn trìu mến gọi là "chú".
Cảm xúc của chị như thế nào khi hay tin nhạc sĩ Phú Quang đã rời cõi tạm?
- Khi nghe tin chú Phú Quang qua đời, tôi ngổn ngang cảm xúc. Tôi không biết kể điều gì bởi giữa tôi với chú có rất nhiều kỷ niệm. Tôi nghe nhạc Phú Quang từ rất sớm và rất nhiều. Nhưng mãi đến những năm cuối của thập niên 90, độ khoảng năm 97 - 98 gì đó, tôi mới được gặp chú lần đầu tiên ở Sài Gòn. Thời đó, chương trình Làn Sóng Xanh đang rất "hot", ca sĩ trẻ chúng tôi có nhiều cơ hội được biểu diễn ở Sài Gòn là nhờ chương trình này.
Tôi nhớ, thời điểm đó chú Phú Quang chủ động hẹn gặp tôi thông qua nhạc sĩ Việt Anh để mời tôi hát nhạc của chú. Chúng tôi gặp nhau ở quán cà phê nhỏ gần trung tâm thành phố. Được chú ngỏ lời, tôi run lắm vì không phải bỗng dưng chú Phú Quang lại chọn mình hát nhạc của chú.
Tuy nhiên, có một điều đặc biệt mà tôi không thể quên đó là thời đó chú Phú Quang rất dễ chịu, thân thiện và vui vẻ. Sau này, tôi nghe nhiều người bảo chú hơi khó tính trong âm nhạc và không thích ai đó hát sai nhạc của mình. Nhưng thời đó, chú rất yêu quý mọi người, nhất là các ca sĩ trẻ và dễ chịu vô cùng.
Tôi còn nhớ, khi đến thu âm, phải leo lên một phòng thu rất bé và chật ở trên gác. Tôi không biết đó có phải là phòng thu của chú Phú Quang hay không nhưng hôm đó tôi thu âm liên tiếp 4 - 5 bài hát. Ca khúc được nhiều người yêu thích trong 4 bài hát tôi thu âm lần đó là "Một dại khờ, một tôi".
Có thể nói, kỷ niệm lúc gặp gỡ và lúc hát nhạc của chú Phú Quang đến bây giờ vẫn rất đẹp trong tôi. Thời đó, chú Phú Quang không ép tôi phải hát đúng nhạc của chú hoặc phải hát ra bằng được chất nhạc của chú gì cả. Chú để cho tôi hát rất tự nhiên, theo cảm xúc của mình.
Chị có nghĩ là vì thời đó nhạc sĩ Phú Quang để cho chị thoải mái phiêu theo cảm xúc của mình nên bài hát cũng có sự khác biệt?
- Đúng, thực tế là như vậy. Bởi vậy, nhiều người mới nói rằng, nghe "Một dại khờ một tôi", "Mùa hạ còn đâu"… cảm nhận tôi hát rất tự nhiên. Và có thể, cách hát của tôi cũng khác biệt nên mọi người cảm thấy âm nhạc của Phú Quang có rất nhiều đời sống khác nhau.
Sau lần đầu tiên đó, chị còn gặp lại nhạc sĩ Phú Quang nhiều lần nữa không?
- Sau lần đó, tôi được tham gia nhiều đêm nhạc do nhạc sĩ Phú Quang biên tập, dàn dựng hoặc đêm nhạc của chính ông. Đa số các đêm nhạc có sự tham gia của chú, tôi đều được mời tham gia. Có thể, vì lúc đó tôi đang được đông đảo công chúng yêu mến nên chú cũng muốn tôi tham gia cùng chú.
Thời đó, chú không yêu cầu phải hát nhạc của chú trong các đêm nhạc. Có nhiều lần tôi hát nhạc tiền chiến trong đêm nhạc do chú biên tập và chú rất hài lòng với phần thể hiện của tôi. Chú Phú Quang cũng rất thân với nhạc sĩ Việt Anh nên khi tôi chuyển qua hát nhạc của Việt Anh thì chú cũng rất ủng hộ. Đó là những kỷ niệm rất đẹp và còn đọng lại trong tôi cho đến bây giờ.
Người ta gọi Phú Quang là nhạc sĩ của Hà Nội. Trong số rất nhiều ca khúc của ông viết về Hà Nội, có ca khúc nào gắn liền với những quãng đời của chị khi bôn ba nơi xứ người?
- Nói đúng ra là trong những thời điểm khó khăn, tôi đã tìm thấy ở âm nhạc của chú Phú Quang không chỉ nỗi buồn mà còn cả sự khổ đau. Chẳng hạn, khi tôi đối diện với biến cố lớn nhất cuộc đời, đó là năm đầu tiên sống xa quê hương ở hải ngoại, tôi hát "Nỗi nhớ mùa đông" trong cuốn CD đầu tiên thu âm ở hải ngoại.
Ca khúc "Nỗi nhớ mùa đông" của nhạc sĩ Phú Quang do Thu Phương thể hiện.
Một ngày đẹp trời, khi cuốn CD này được phát hành thì tôi nhận được một cuộc điện thoại của Tấn Minh. Theo đó, thông qua một người quen, Tấn Minh đã xin được số điện thoại của tôi và chủ động gọi điện. Tấn Minh bảo: "Chị Phương ơi! Em muốn kể cho chị nghe chuyện này. Ngày hôm nay em đã gặp chú Phú Quang, em đã đưa cho chú nghe cuốn CD của chị. Em bảo với chú rằng: "Chú phải nghe bài Nỗi nhớ mùa đông mà chị Thu Phương hát".
Giai đoạn đó, tôi bắt đầu hát nhiều bài nhạc của Phú Quang như: Nỗi nhớ mùa đông; Im lặng đêm Hà Nội; Biển, Nỗi nhớ và em. Đó là khi tôi sống xa quê hương, có rất nhiều nỗi buồn, rất nhiều nỗi khổ đau… và tôi bắt đầu thấy được trong âm nhạc của Phú Quang có những tầng nghĩa khác nữa. Không chỉ là nỗi nhớ không thôi mà còn có cả nỗi đau.
Sau này, vài lần tôi gặp lại Tấn Minh thì Tấn Minh có kể, chú Phú Quang rất thích những câu hát với cảm xúc rất thật như: Làm sao về được mùa đông. Dòng sông đôi bờ cát trắng… Làm sao về được mùa đông. Mùa thu cây cầu đã gẫy. Chú cảm nhận như nỗi nhớ đó tới mức tận cùng trong giọng hát của tôi và muốn chia sẻ ngay với tôi nỗi niềm đấy.
Cho đến mãi sau này, khi hát rất nhiều lần bài Nỗi nhớ mùa đông tôi mới thực sự hiểu được những lớp nghĩa phía sau câu hát: Làm sao về được mùa đông. Mùa thu cây cầu đã gẫy. Nỗi nhớ không chỉ là nỗi da diết mà còn là một điều gì đó không thể… Nhớ mà không thể quay về, nhớ mà không thể trở lại.
Một dại khờ, một tôi của nhạc sĩ Phú Quang do Thu Phương thể hiện.
Ngoài ra, với một người xem Hà Nội như là quê hương thứ hai của mình, nơi đã chắp cánh cho ước mơ âm nhạc của chị vươn xa… chị cảm nhận như thế nào về một Phú Quang phía sau những bài hát của ông về Hà Nội?
- Khi tôi đi qua những mất mát và đau thương, tôi nhận ra âm nhạc của chú Phú Quang không chỉ có nỗi buồn mà còn có những trắc ẩn không thể nói được thành lời. Có thể, mỗi một người với vốn sống và cảm xúc khác nhau mà nhìn bài hát ở một tầng nghĩa nào đó. Nhưng với người sống nhiều với những năm tháng mà tác phẩm sinh ra, họ sẽ thấy một tầng nghĩa khác nữa.
Đối với tôi, những bài hát của chú Phú Quang khi thu âm năm 97 – 98 đã rất tuyệt vời nhưng phải 20 năm sau, khi tôi hát trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong chương trình "Miền ký ức" thì tôi mới cảm nhận hết được sự hay ho của những bài hát đó.
Và tại sao nhạc sĩ Phú Quang sống ngần đó năm giữa cuộc đời, đi qua biết bao thăng trầm và biến cố mà khi nhắc đến Một dại khờ, một tôi, ông vẫn đầy xúc cảm. Độ dày của thời gian khiến cho ông kể lại câu chuyện lúc viết nên bài hát rất hấp dẫn, nghe tới đâu thấm tới đó.
Phải nói rằng, tôi không được gặp gỡ nhạc sĩ Phú Quang nhiều ở ngoài đời. Nhưng cũng vì thế mà tôi luôn lưu giữ những ký ức thật đẹp về ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.