Nhà thơ "Khúc mùa thu" nói về nhạc sĩ Phú Quang: Với tất cả sự xót xa đã có giữa hai người

Cẩm Thuý (thực hiện) Thứ tư, ngày 08/12/2021 19:45 PM (GMT+7)
Nhà thơ Hồng Thanh Quang – tác giả của bài thơ "Khúc mùa thu" được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc cùng tên đã nói về kỷ niệm giữa hai người, bao gồm cả những sự thân thiết quý mến và cả những lúc hiểu lầm. Trên tất cả, bây giờ còn lại là sự xót xa.
Bình luận 0
Nhà thơ Khúc mùa thu nói về nhạc sĩ Phú Quang:  Với tất cả sự xót xa đã có giữa hai người  - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Hồng Thanh Quang Ảnh: TL

Những kỷ niệm đẹp có thể hàn gắn mọi vết thương

Nghe tin nhạc sĩ Phú Quang qua đời, cảm xúc trong anh bây giờ thế nào? Anh có thể nhớ gì về những kỷ niệm giữa một nhà thơ và nhạc sĩ đều rất tài hoa, đã từng có những sự gắn bó thân thiết?

- Tôi bắt đầu biết nhạc sĩ Phú Quang một cách trực tiếp là từ đầu những năm 1990. Tôi vào TP.HCM và đến nhà anh chơi, khi đó anh đã là một nhạc sĩ "ngôi sao" với rất nhiều bài hát được ưa chuộng và được phổ cập rộng rãi thời đó. Sau này, qua những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, anh em chơi với nhau, giao tiếp với nhau, có những lúc rất thân thiết, có những lúc có hiểu lầm nhau. Nhưng cho đến bây giờ khi tất cả mọi sự đã qua rồi thì chỉ còn lại sự thương tiếc, sự kính trọng.

Anh Phú Quang là một nhạc sĩ lớn của thời kỳ hiện tại, một nhạc sĩ với những ca khúc đi sâu vào lòng người. Phú Quang là một nhạc sĩ của Hà Nội, một nhạc sĩ của tình yêu, nhạc sĩ của những nỗi niềm vừa buồn vừa cao thượng trong mọi cảm xúc của con người thời hiện đại. Và thực sự là việc anh Phú Quang qua đời là sự mất mát lớn đối với nền âm nhạc Việt Nam và sự đau đớn lớn đối với tất cả những ai yêu quý các tác phẩm âm nhạc của anh.

Nhà thơ Khúc mùa thu nói về nhạc sĩ Phú Quang:  Với tất cả sự xót xa đã có giữa hai người  - Ảnh 2.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhạc sĩ Phú Quang Ảnh: TL

 Đã từng có những đêm thơ nhạc Hồng Thanh Quang – Phú Quang phải nói là cũng hiếm có trong giới thơ ca nước nhà. Hai anh đã từng cùng nhau thực hiện như thế nào?

- Năm 2013 với sự giúp đỡ một người bạn thân thiết tôi đã chuẩn bị một chương trình giới thiệu thơ và những ca khúc mà các nhạc sĩ phổ thơ của mình, khi đấy địa điểm làm ở Nhà hát Lớn, nhân dịp tôi ra mắt cuốn sách Nỗi buồn tốc ký gồm 2 tập. Trong số các bài thơ của tôi được các nhạc sĩ phổ nhạc thì thực sự ấn tượng mạnh mẽ nhất vẫn là ca khúc Khúc mùa thu anh Phú Quang phổ nhạc thơ tôi từ năm 1994.

Tự làm đêm thơ ở Nhà hát Lớn tôi nghĩ rằng ít ai dám làm việc này và bản thân tôi cũng rất run. Tôi nghĩ ngay đến việc phải có một người giàu kinh nghiệm giúp mình thì mới làm được. Tôi đã nhờ cậy anh Phú Quang – một người rất giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình nghệ thuật. Tôi đã gặp anh Phú Quang và với tình cảm quí mến sẵn có đối với tôi, anh Phú Quang đã nhận lời ngay. Kịch bản tôi viết, còn anh Phú Quang đạo diễn và dàn dựng chương trình. Ngoài thơ thì đêm đó có các ca khúc của các nhạc sĩ Phú Quang, Phú Ân (anh trai anh Phú Quang), Đức Trịnh, Quỳnh Hợp, An Thuyên… 

Chương trình đó 2 anh em đã rất sát cánh với nhau và thực sự kinh nghiệm, sự lịch lãm, tầm cao âm nhạc, tầm cao ứng phó của anh Phú Quang đã giúp cho chương trình rất thành công. Người Nga có câu chiếc bánh xèo lần đầu tiên làm ra cục bột, nhưng chương trình đầu tiên ấy ấn tượng rất vui, rất thành công.

Lần thứ 2 sau đó hai năm sau, được làm chương trình ở Cung Văn hoá Hữu nghị Việt – Xô. Lần này không chỉ là thơ của tôi và bài hát phổ từ thơ của tôi mà chương trình có cả các bài hát khác của nhạc sĩ Phú Quang. Anh cũng đạo diễn, biên tập, dàn dựng âm nhạc với các nghệ sĩ tài năng nổi tiếng như  Hồng Nhung, Trần Mạnh Tuấn... 

Bây giờ nghĩ lại hai chương trình ấy là 2 kỷ niệm trong đời không bao giờ có thể lặp lại được. Tới mức tôi nghĩ rằng lúc nào nghĩ về kỷ niệm ấy thì đều là với tất cả sự biết ơn, sự xúc động, sự yêu thương đối với cả nhạc sĩ Phú Quang.

Thực ra những người làm thơ làm nhạc chơi với nhau là một chuyện nhưng những thành tựu chung, những việc dốc lòng cùng nhau làm nghệ thuật thì bao giờ cũng để lại trong nhau rất kỷ niệm sâu đậm. Và những kỷ niệm ấy làm hàn gắn tất cả mọi câu chuyện trong cuộc đời, mọi vết thương nảy sinh trong cuộc đời.

Kỷ niệm ấy là quầng sáng ấm áp để mà xót thương nhau, để mà thậm chí là yêu thương nhau.

Nhà thơ Khúc mùa thu nói về nhạc sĩ Phú Quang:  Với tất cả sự xót xa đã có giữa hai người  - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Phú Quang đệm piano cho nhà thơ Hồng Thanh Quang đọc thơ trong đêm thơ nhạc Anh không muốn lạc em thêm lần nữa

Cả bài Khúc mùa thu khi phổ nhạc, Phú Quang chỉ viết khác một chữ

Về ca khúc Khúc mùa thu vô cùng nổi tiếng, anh có thể nói gì thêm vào lúc này không?

- Tôi không rõ khi anh Phú Quang đọc được bài thơ Khúc mùa thu in trên báo Hà Nội mới cuối tuần năm 1994 ấy thì đã sáng tác nhạc thế nào. Nhưng tôi hình dung khi anh Phú Quang đọc bài thơ ấy thì lập tức những giai điệu đã vang lên trong anh ấy ngay. 

Đấy là một trong số ít những bài thơ anh Phú Quang phổ nhạc mà anh ấy đã hầu như không can thiệp đến phần ca từ của bài thơ. Chắc là do đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam, phần lớn nhạc sĩ khi muốn dựa vào thơ để sáng tác ca khúc thì đều biến tấu, cắt cúp câu chữ để có thể "lùa" được những câu chữ ấy vang lên giai điệu trong trái tim của người nhạc sĩ. Riêng bài Khúc mùa thu thì anh Phú Quang hầu như đã để nguyên văn. 

Cả bài chỉ có một chút luyến láy, câu thơ là: Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc thì vào bài hát trở thành: Tôi đã yêu/đã yêu như chết là hạnh phúc. Thứ hai là ở khổ cuối cùng, câu thơ là: Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/ Mãi cô đơn vằng vặc giữa trời. Thì đến bài hát trở thành: Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/ Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời. 

Với tôi cái "quầng thu" tức mặt trăng ấy nó không phải nỗi cô đơn nhưng nó lại ở trong trạng thái, trong cảnh huống cô đơn. Còn với cách cảm nhận của anh Phú Quang thì "quầng thu" ấy, vầng trăng ấy chính là biểu tượng của "nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời". Nó chỉ hơi khác một tí, bản chất vấn đề vẫn thế chỉ khác ở cách biểu hiện là do cách cảm nhận của mỗi người. 

Tôi nghĩ rằng anh Phú Quang khi đọc đến câu nào thì giai điệu vang lên trong anh Phú Quang như vậy hoặc anh Phú Quang đã có một giai điệu trái tim hoàn toàn ăn nhập với bài thơ ấy. Đó là sự kết hợp vô cùng đẹp đẽ của thi ca và âm nhạc. 

Nhà thơ Khúc mùa thu nói về nhạc sĩ Phú Quang:  Với tất cả sự xót xa đã có giữa hai người  - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Phú Quang. (Ảnh: TL)

Lần đầu tiên Lê Dung hát Khúc mùa thu ở Nhà hát Lớn, bài hát gây chấn động

Cùng với nhà thơ và nhạc sĩ, thì nói về Khúc mùa thu, phải nhắc đến "người đàn bà giấu đêm vào trong tóc", chị ấy có vai trò như nào đối với ca khúc này? 

- Bài thơ Khúc mùa thu được sinh ra, bài thơ phức tạp hơn những gì mà người nghe có thể cảm nhận được. Nó là số phận không phải chỉ một người, nó có thể được tiếp nhận như là sự trải nghiệm những gì đã xảy ra. Nhưng thực chất bài thơ ấy phần nhiều là linh cảm về những gì sẽ xảy ra với những tình yêu đích thực. Tình yêu đích thực nào cũng thế, nó sẽ diễn biến theo cái tiết tấu, theo cảnh huống, theo sự phát triển của chính bài thơ đó.

Khi bài thơ được viết ra cũng như  khi anh Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc thì tất cả mọi người đều có cảm nhận là sự phản ánh hôn nhân và tình yêu của tôi lúc đó với ca sĩ Lê Dung. Nhưng tôi nghĩ bài thơ có sứ mệnh hơn cả một tình yêu có thật, nó là bao hàm của nhiều thứ vì nghệ thuật không phải là sự sao chép, hoặc là sự phản ánh lại một cách bình thường, mà nó là sự thăng hoa một cách bi tráng. 

Tất nhiên, khi bài hát đó được viết ra, người đầu tiên được anh Phú Quang tin cậy và anh Phú Quang cũng muốn dành cho Lê Dung thể hiện. Khi anh Phú Quang viết bản nhạc này thì cũng có nói đây là để dành cho hai bạn ca khúc này. Người đầu tiên hát ca khúc ấy là Lê Dung. Tôi khi đấy là phóng viên báo Quân đội Nhân dân, tôi đã tổ chức một chương trình nghệ thuật cho Lê Dung biểu diễn ở Nhà hát Lớn, bài hát được chọn và biểu diễn lần đầu ở Nhà hát Lớn. 

Bài hát lập tức tạo ra một sự chấn động. Chắc là do những dự cảm về tình yêu, người nghe hoàn toàn tiếp nhận nó như là sự đang diễn ra trong đời thực. Nhưng mà thật ra nó cũng không hẳn như thế. Nó gây ra chấn động về cảm xúc rất lớn trong người nghe.

Nhà thơ Khúc mùa thu nói về nhạc sĩ Phú Quang:  Với tất cả sự xót xa đã có giữa hai người  - Ảnh 5.

Ca sĩ Lê Dung và ca khúc Khúc mùa thu

Ngoài NSND Lê Dung, anh còn ấn tượng với ca sĩ nào khi thể hiện bài hát này? 

- Bài Khúc mùa thu được thể hiện không phải chỉ qua các giọng ca nữ mà sau đó anh Ngọc Tân, anh Quang Lý cũng đã hát rất thành công. Các anh ấy ở tâm thế của người đàn ông cũng làm cho bài hát trở nên vô cùng xúc động và gây chấn động mạnh. 

Hạnh phúc và bi kịch của tình yêu 100 năm vẫn thế

Từ bài thơ đến bài hát, anh có nói điều gì thêm về ca khúc Khúc mùa thu vào thời khắc này, khi nhạc sĩ Phú Quang đã bay về một nơi nào đó, cũng có thể đã gặp chị Lê Dung rồi?

- Tôi nghĩ rằng bài thơ, thơ vốn chỉ là thơ, nó hay đến đâu nó vẫn chỉ là thơ, nhưng để được lan truyền rộng rãi và ảnh hưởng trực tiếp đến công chúng thì vai trò của âm nhạc vô cùng to lớn. Tôi nghĩ là anh Phú Quang đã làm được việc rất quan trọng này. 

Hành trình của bài hát đến nay đã là hơn một phần tư thế kỷ, bài hát vẫn như vừa viết bởi vì nói thế thôi trong tình yêu có thể 100 năm trôi qua, nhưng cảm xúc của con người cũng không thay đổi. Hạnh phúc và bi kịch của tình yêu có thể 100 năm vẫn không thay đổi. 

Nếu một tác phẩm nghệ thuật nào đó thể hiện được điều đó thì nó vẫn luôn trẻ trung. Và tôi nghĩ ca khúc Khúc mùa thu cho đến nay mà nói nó vẫn trẻ trung và tươi rói như khi nó mới được viết ra. 

Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ Hồng Thanh Quang và xin được bày tỏ lòng tiếc thương nhạc sĩ Phú Quang!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem