Theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, các thị trường chính nhập khẩu tôm của Việt Nam là: Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện có 416 cơ sở chế biến tôm được công nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP.
Tính đến thời điểm hiện tại (năm 2021), có 53 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Riêng tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô; dịch bệnh 13 lô; ghi nhãn 1 lô; cảnh báo về các chỉ tiêu phosphate 25 lô; vi sinh 5 lô; kim loại nặng 1 lô.
Đối với thị trường Trung Quốc, gần đây đã đưa ra cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với IHHNV, WSSV.
Tại thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, gây ảnh hưởng đến cảm quan của sản phẩm (màu sắc, mùi vị...).
Để giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã thực hiện lấy 1.620 mẫu nuôi tôm (thẻ, sú) tại 111 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Theo đó, phát hiện 10 mẫu tôm vi phạm liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, cụ thể: Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Oxytetracycline, Ormetoprim, Enrofloxacin.
"Kết quả trên cho thấy xu hướng các cơ sở nuôi tôm lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong quá trình nuôi trồng tăng cao", ông Lê Bá Anh nhận định.
Tại 4 tỉnh trọng điểm nuôi tôm là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, tính đến hết 10 tháng đầu năm 2021 đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tổng số 49 cơ sở, phát hiện 34 cơ sở vi phạm, tịch thu hơn 3,8 tấn tang vật vi phạm với tổng số tiền xử phạt từ các cơ sở vi phạm là 1,1 tỷ đồng.
Phấn đấu đạt 3,9 đến 4,1 tỷ USD năm 2022
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 630.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 110.000 ha.
Sản lượng tôm nuôi 11 tháng đầu năm 2021 đạt 902.700 tấn (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó, tôm sú 255.200 tấn, tôm thẻ chân trắng 597.500 tấn và tôm khác.
Năm 2021, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi cả năm đạt 53.000ha, trong đó tôm thẻ chân trắng 40.000ha và tôm sú 13.000ha. Diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Nhu cầu giống tôm nước lợ đã thả nuôi là khoảng 16.439,8 triệu con giống (tôm thẻ chân trắng ước khoảng 14.328,7 triệu giống).
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, do ảnh hưởng chung của tình hình dịch bệnh Covid-19, người nuôi và các nhà máy chế biến tôm gặp nhiều khó khăn nhất là khoảng thời thời toàn tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (nhân công, thương lái thu mua, vận chuyển, thị trường tiêu thụ) làm giá giá tôm giảm thấp.
Tại tỉnh Cà Mau, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 368.154 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản 11 tháng đầu năm ước đạt 338.095 tấn.
Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, trong thời gian qua dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, là làm cho giá các loại vật tư đầu vào tăng mạnh, giá mặt hàng hàng giảm sâu; dịch bệnh lan rộng đã làm cho thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; một số doanh nghiệp, thương lái giảm sức mua hoặc mua với giá thấp...
Bên cạnh đó giá một số vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, hoá chất, sản phẩm xử lý môi trường....) tiếp tục tăng, do đó sản lượng thuỷ sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm.
Chính sách hỗ trợ tín dụng, ngân hàng chưa thật sự mạnh dạn cho người nông dân vay vốn để sản xuất.
Phát biểu tại Hội nghị "Giải pháp phát triển nuôi tôm tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai 2022" ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thị trường đang phục hồi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội để nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.
Việt Nam đang tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đây là cơ hội thuận lợi để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu.
Để khai thác tốt cơ hội về thị trường, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 của ngành tôm đạt sản lượng 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 3,9 tỷ USD, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần nâng cao năng suất và chất lượng.
Đây là 2 yếu tố then chốt, vì vậy phải chú trọng các yếu tố nguyên liệu đầu vào đặc biệt là con giống, hạ tầng trong chuỗi sản xuất tôm.
"Chúng ta đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và các thị trường đều có yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn. Chắc chắn rằng trong những khó khăn do biến đổi khí hậu, dịch Covid-19, nông sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng sẽ vượt qua thách thức đạt sản lượng 980 nghìn tấn và xuất khẩu với 3,9 đến 4,1 tỷ USD trong năm 2022", ông Tiến nói.
Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm nay sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 và dự báo năm 2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản nói chung, ngành hàng tôm nói riêng cần chú trọng đảm bảo an toàn cho sản xuất. Việc này tốn nhiều công sức và chi phí nhưng là việc rất cần thiết.
Song song đó, phải theo dõi diễn biến tình hình thị trường và nhu cầu cũng như năng lực các quốc gia là đối thủ cạnh tranh để chủ động và bước đi phù hợp với hoàn cảnh làm sao thúc đẩy nhanh nhất việc phục hồi sản xuất an toàn và tiến tới ổn định, phát triển cho lâu dài.