Lệnh 249 và 249 của Trung Quốc có "làm khó" doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam?
Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc có "làm khó" doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam?
Minh Ngọc-Vũ Chương
Thứ sáu, ngày 10/12/2021 12:00 PM (GMT+7)
Với 779 doanh nghiệp thủy sản đã đăng ký sẽ không phải đăng ký lại theo quy định mới của Trung Quốc sau khi Lệnh 248 và 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Điều này mở ra cơ hội cho xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng sang Trung Quốc.
Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, các quy định mới tại Lệnh 248 và 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.
Tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022, đại diện một số doanh nghiệp lo ngại quy định này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ gặp thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc vì đã đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này từ trước.
Với 779 doanh nghiệp thủy sản đã đăng ký sẽ không phải đăng ký lại theo quy định mới của Trung Quốc.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nằm trong danh sách này sẽ có nhiều thuận lợi. Các doanh nghiệp chưa có trong danh sách này phải đăng ký mới có thể xuất khẩu sang Trung Quốc từ năm 2022. Dù vậy, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi Trung Quốc thắt chặt kiểm tra hàng hóa với chính sách "Zero COVID".
Cũng theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam tháng 11/2021 đã "bứt tốc" đạt 227 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ 2020. Trong đó thị trưởng Trung Quốc chiếm 28% và Mỹ 22%.
"Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc sẽ có những quy định khắt khe với các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam. Và ngành hàng thủy sản nói chung và cá tra nói riêng cũng không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, cũng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu", bà Hằng cho biết.
Mới đây, tại Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong tình hình mới, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, các cơ sở đã có tên trong danh sách xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc cần chủ động trao đổi với nhà nhập khẩu để tuân thủ đúng các quy định trong quá trình sản xuất, xuất khẩu theo các quy định mới theo Lệnh 248 và 249.
Đối với các cơ sở chưa có tên trong danh sách xuất khẩu vào Trung Quốc, có nhu cầu đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thì thời hạn đăng ký đến 31/12/2021.
Đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc sau ngày 01/01/2022, đối với doanh nghiệp đăng ký bổ sung vào danh sách: Hồ sơ do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) thực hiện đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo quy định tại Điều 8, Lệnh 248.
Về vấn đề ghi nhãn thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải in mã số doanh nghiệp cùng các thông tin liên quan lên bao bì đóng gói. Mã này không được cắt dán, mà phải in trực tiếp, cả trong lẫn ngoài bao bì, tới phần đóng gói nhỏ nhất không thể chia được.
Về mã số doanh nghiệp xuất khẩu: Doanh nghiệp có thể sử dụng mã số đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp hoặc do Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp.
Về ngôn ngữ tại nhãn mác sản phẩm: Việc đóng gói, ghi nhãn và nhận dạng thực phẩm nhập khẩu phải tuân theo luật, quy định và các tiêu chuẩn ATTP quốc gia của Trung Quốc.
Trong trường hợp sản phẩm cần có hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn sử dụng phải được ghi bằng tiếng Trung Quốc.
Việc ghi nhãn đối với các sản phẩm thủy sản, bao bì bên trong và bên ngoài phải có nhãn hiệu chắc chắn, rõ ràng, dễ đọc bằng tiếng Trung Quốc/tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc và ngôn ngữ quốc gia (khu vực) xuất khẩu, thể hiện rõ như sau: Tên hàng hóa và tên khoa học; thông số kỹ thuật, ngày sản xuất, số lô, thời hạn sử dụng và điều kiện bảo quản; phương thức sản xuất (hải sản đánh bắt biển, đánh bắt nước ngọt, nuôi trồng); khu vực sản xuất; tên, số đăng ký và địa chỉ (tỉnh/thành phố) của tất cả các doanh nghiệp sản xuất và chế biến có liên quan (bao gồm tàu đánh cá, tàu chế biến và tàu vận tải, kho lạnh độc lập) và điểm đến bắt buộc phải được ghi chú là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.