Dân Việt

Bảo vệ 8,8 triệu con gia súc khỏi những tác động bất thường này

Trần Quang 17/12/2021 19:00 GMT+7
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến tại hội nghị trực tuyến “Triển khai công tác phòng chống, đói rét cho đàn vật nuôi vụ đông xuân 2021 - 2022 các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tổ chức

Số lượng vật nuôi thiệt hại do đói, rét giảm rõ rệt

Theo rà soát của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. 

Số lượng đàn gia súc ăn cỏ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm: Đàn trâu 1,89 triệu con; đàn bò 2,19 triêu con; đàn ngựa 49.580 con; đàn dê 2,65 triệu con...

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, rét đậm, rét hại xảy ra ở vụ đông xuân hàng năm là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng lớn đến tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Nguyên nhân gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại, vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh. 

Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé non ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.

Chủ động chống đói rét cho gia súc, gia cầm - Ảnh 1.

Đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Ảnh: P.V

Chủ động chống đói rét cho gia súc, gia cầm - Ảnh 2.

Tuy nhiên theo ông Chinh, nhờ sự chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương, số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do đói, rét giảm rõ rệt trong những năm gần đây. 

Đơn cử như trong vụ đông xuân năm 2007-2008, rét đậm, rét hại kéo dài liên tục trong 34 ngày gây thiệt hại trên 200.000 gia súc, chủ yếu là trâu, bò nhưng đến vụ đông xuân 2020-2021 số lượng vật nuôi thiệt hại còn 2.600 con.

TS Nguyễn Thị Liên Hương - đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong các năm qua, khi triển khai các dự án khuyến nông Trung ương trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, đơn vị đã lồng ghép các nội dung như xây dựng mô hình trình diễn kết hợp với công tác đào tạo, tập huấn và tuyên truyền để giảm thiểu tác hại trong mùa đông rét cũng như nhanh chóng khôi phục và phát triển đàn vật nuôi sau rét đậm, rét hại.

Lào Cai là tỉnh có đàn gia súc tương đối lớn, ông Lê Tân Phong - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho hay: Với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay số hộ chăn nuôi tại các xã, huyện, thị trấn có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét là 34.332 hộ, chiếm 76,34% (tăng 2,8% so với năm 2020); diện tích cỏ trồng toàn tỉnh hiện có 2.958ha (giảm 272ha so với cùng kỳ); sản lượng ước đạt khoảng 700.000 tấn, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn.

Cùng với đó, tình hình dự trữ thức ăn thô xanh có 23.264 hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh (dự trữ được từ 200kg thức ăn/con trở lên), chiếm 51,73%; 17.187 hộ dự trữ dưới 200kg thức ăn/con, chiếm 38,2%; 4.520 hộ chưa thực hiện dự trữ thức ăn, chiếm 10% số hộ chăn nuôi gia súc lớn (giảm 3,3% so với cùng kỳ).

"Dù công tác phòng, chống đói rét cho gia súc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên hiện địa phương vẫn còn hạn chế trong việc trồng, chế biến, dự trữ thức ăn phục vụ đàn vật nuôi..." - ông Phong nói và kiến nghị Cục chăn nuôi, Viện Chăn nuôi tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương quy trình kỹ thuật mới về chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn thô xanh cho đàn gia súc trong vụ đông từ nguồn phụ phẩm ngành trồng trọt; hỗ trợ giống cỏ có khả năng sinh trưởng tốt trong vụ đông.

Chủ động phòng chống đói rét từ sớm, từ xa

Đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ có nguy cơ chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại:

Nhiều ý kiến cho rằng, trong công tác phòng, chống đói rét cho gia súc, việc quan trọng nhất là thông tin kịp thời và thường xuyên về các đợt rét đậm, rét hại để người dân biết, chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Về phía Cục Chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh lưu ý các địa phương cần hướng dẫn che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, không thả rông gia súc khi nền nhiệt độ xuống dưới 13 độ C; dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

"Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ nay đến Tết Nguyên đán còn xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại nên theo tôi, trước mắt bà con nông dân phải chủ động các biện pháp phòng chống đói rét cho gia súc như: Tẩy giun sán, củng cố chuồng trại dự trữ thức ăn khô thức ăn, tinh chế biến dự trữ..." - ông Chinh nói.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các Sở NNPTNT cũng như các chi cục chăn nuôi khuyến nông, ông Chinh khuyến cáo phải có kế hoạch chi tiết và chuẩn bị sẵn nguồn lực để chủ động trong mọi tình huống để ứng phó rét đậm, rét hại. Như ở Sa Pa (Lào Cai) chính quyền địa phương chủ động các xã, thôn để chuyển gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp tránh rét.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Bộ NNPTNT cùng với các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để giữ quy mô tổng đàn gia súc 8,8 triệu con. 

"Bảo vệ đàn vật nuôi trước các đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông là điều hết sức quan trọng để duy trì tổng đàn, không chỉ góp phần vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi trong năm nay mà còn cho các năm tiếp theo hướng đến phát triển bền vững" - ông Tiến nói.