Bà Phạm Thị Hường – Phó Ban thường trực quản lý di tích chùa Ha.
Chùa Ha đầy vẻ u tịch, cổ kính, nằm trên một quả đồi thoải ở làng Lộng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (thuộc khu vực trung tâm thủ phủ Phú Bình xưa).
Đây là một trong số ít chùa cổ của tỉnh Thái Nguyên còn sót lại và bảo lưu được nhiều di vật có giá trị lịch sử.
Chùa Ha có tên chữ là "Bà Ha tự", có thể hiểu là nơi tu tâm, tu đức, hướng con người tới cái thiện. Điều này được phản ánh qua bộ câu đối cổ còn lưu giữ tại chùa: "Sơn khai phạm vũ thành linh địa - Nhân thập thiền quan khởi thiện tâm".
Chùa Ha là công trình kiến trúc Phật giáo được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, đầu thế kỷ XVIII. Sau đó, ngôi chùa được trùng tu lần đầu vào năm 1716.
Hiện nay, chùa còn giữ được cơ bản kiểu dáng kiến trúc cổ thời Lê Trung Hưng, gồm các công trình như: Chùa chính, gác chuông và nhà tổ.
Gác chuông đồng thời là tam quan có kiến trúc chồng diêm khá độc đáo, tầng trên nhỏ hơn, tám mái lợp ngói mũi, các góc mái bằng gỗ với các đầu đao mái nhọn, cong vút. Toàn khối như bông sen kiến trúc khổng lồ, nhìn từ xa trông bề thế, uy nghi.
Hai dãy tả hữu mạc chạy song song nối tiền đường, Thượng điện với nhà Tổ trong một khuôn viên khép kín.
Bà Phạm Thị Hường – Phó Ban thường trực quản lý di tích chùa Ha cho biết, chùa Ha thờ Phật, thờ Mẫu. Trong chùa Ha hiện còn lưu giữ 40 pho tượng cổ đường bệ, uy nghi, chất liệu gỗ và đất phủ sơn son thiếp vàng.
Các pho tượng được tạo dáng tỉ mỉ, công phu, mang nét đẹp dân dã, tràn đầy tính nhân văn, đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng truyền thống.
Ngoài ra, tại chùa còn lưu giữ 6 bộ câu đối với nội dung ca ngợi danh lam Bà Ha tự. Bức hoành phi chạm khắc công phu với đề tài tứ quý và tứ linh cùng bài biểu khắc trên gỗ còn khá nguyên vẹn, có niên đại từ năm 1889.
Chùa Ha có 28 cột đá, trong đó có 2 cột đá hình lục lăng được đẽo gọt, đục chạm công phu, tinh tế. Theo nội dung bài ký khắc trên cột đá được lưu giữ, khẳng định từ xưa chùa Ha đã có tiếng là danh lam.
Chùa hiện duy trì thờ vọng vào ngày sóc, ngày vọng tức ngày 1 và ngày Rằm hằng tháng.
Ngoài ra, chùa Ha cũng tổ chức lễ Phật Đản vào Rằm tháng tư âm lịch, lễ Địa Quan Xá Tội vào Rằm tháng 7, lễ Thuỷ Quan giải ách vào Rằm tháng 10... Đặc biệt, lễ chính của chùa Ha là lễ Thiên Quan Tích Phúc, được tổ chức vào Rằm tháng Giêng hằng năm, cầu trời ban phúc lành.
Ngoài phần lễ phật cầu may, còn kết hợp với lễ hội đình làng, tổ chức rước kiệu từ nghè về đình, làm lễ dâng hương báo công với Thành Hoàng làng, cùng nhiều trò chơi hấp dẫn.
Theo sư thầy Thích Viên Tiến trụ trì chùa Ha, xưa kia, nhà chùa có quả chuông rất to, nhưng hiện nay không còn chuông. Nguyên nhân bởi trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, các cụ đã hiến chuông chùa để đúc khí tài.
Do đó nhà chùa mong muốn bà con Phật tử và du khách thập phương công đức để đúc quả chuông cho xứng tầm với ngôi chùa cổ này.
Cách chùa Ha 300m về phía Tây còn có đình Lộng và địa điểm dấu tích thành phủ Phú Bình, tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hoá.
Đình Lộng thờ Thành Hoàng làng là Tam Ty Quá Giang và Cao Sơn Quý Minh, được triều Nguyễn ban 9 đạo sắc phong.
Hiện nay, tại đình Lộng còn giữ được nguyên trạng 3 gian hậu cung với diện tích 36m2, hai trụ cổng và bức bình phong có giá trị nguyên gốc của di tích kiến trúc thời Hậu Lê.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình, chùa làng Lộng và thành phủ Phú Bình là nơi cất giấu vũ khí của Bộ Quốc phòng và liên khu Việt Bắc.
Đồng thời, đây cũng là nơi luyện tập quân sự và làm lễ xuất quân đi đánh trận Phủ Thông, Đèo Giàng năm 1948, trận Đông Khê năm 1950 của tiểu đoàn 160 do Thượng tướng Đào Đình Luyện phụ trách.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nơi đây lại là kho quân lương của Sư đoàn 312.
Ngày nay, vào các dịp lễ hội lớn tại đình Lộng và chùa Ha, nhân dân trong vùng lại tổ chức rước kiệu, tế lễ, dâng hương, cầu lộc, cầu tài, cầu cho mưa thuận gió hòa, bốn mùa no đủ...
Ngoài ra, còn tổ chức các trò chơi dân gian như vật, đánh cờ, chọi gà, kéo co…
Những hoạt động này góp phần bảo vệ di sản văn hoá, phát huy truyền thống cách mạng và xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới.
Trải qua thời gian, tuy chùa có xuống cấp nhưng vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ do đó giá trị về kiến trúc nghệ thuật vẫn còn vẹn nguyên.