Về nơi vua hóa Phật (Bài 2): Ngọa Vân - nơi Phật hoàng nhập Niết bàn

Bùi My Thứ ba, ngày 11/01/2022 06:30 AM (GMT+7)
Nếu như Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, thuyết pháp, độ tăng, thì Ngọa Vân chính là nơi Ngài nhập Niết bàn, hóa Phật. Vì vậy, Ngọa Vân được coi là “thánh địa” của thiền phái Trúc Lâm.
Bình luận 0

Sau khi thắp hương hành lễ tại chùa Ngọa Vân trung, chúng tôi tiếp tục đi bộ khoảng 200m lên am - chùa Ngọa Vân thượng. Mấy chú cún hiền lành, không hề có vẻ lấm lét sợ sệt, tung tăng theo chân chúng tôi lên Ngọa Vân thượng.

Dẫn tôi từ chùa Ngọa Vân trung lên am - chùa Ngọa Vân thượng là chị Nguyễn Thu Hiền, cán bộ Ban Quản lý di tích đền Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh.

Clip: Di tích am - chùa Ngọa Vân thượng thuộc khu di tích nhà Trần tại TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Trúc Lâm-dòng thiền Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam

Đi dọc theo những bậc đá, chị Hiền rủ rỉ kể tôi nghe về Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và am - chùa Ngọa Vân thượng. Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua thứ 3 của nhà Trần, và là một trong 14 anh hùng dân tộc Việt Nam.

Năm 1293, sau khi nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, Ngài lui về phủ Thiên Trường (Nam Định) làm Thái Thượng Hoàng để dìu dắt, giúp vua làm quen với việc quản lý và điều hành đất nước. Hơn 1 năm sau, Ngài rời phủ Thiên Trường về thực tập xuất gia tại hành cung Vũ lâm, Gia Khánh, Ninh Bình.

Tháng 9 năm 1299, khi vua Trần Anh Tông đã đủ trưởng thành, Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Khi lên tu tại am Tử Tiêu trên ngọn núi Tử Tiêu, Ngài xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.

Tại đây, Ngài đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 1.

Toàn cảnh am - chùa Ngọa Vân thượng. Ảnh: Lê Đại

Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dậy dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành thập thiện và ban thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.

Tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại sĩ lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân - một đỉnh cao quanh năm mây phủ nằm trên núi Bảo Đài.

Đến ngày 1/11 (âm lịch) năm 1308, Ngài an nhiên nhập Niết bàn tại Ngọa Vân. Do đó, Ngọa Vân chính là "thánh địa" của thiền phái Trúc Lâm.

Theo chị Hiền, ban đầu, Ngọa Vân chỉ là một am nhỏ có hướng phía Tây Nam, nơi Phật hoàng tu hành và hóa Phật. Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, đệ tử của ngài là thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng, mở rộng khu Ngọa Vân trở thành quần thể rất lớn.

Đến thời Lê Sơ thế kỷ 15, Nho giáo là quốc giáo, các công trình chùa chiền, am tháp vốn đã bị hao mòn, nay lại không được quan tâm và xuống cấp trầm trọng.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 7.

Tháp Phật Hoàng, nơi lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Bên cạnh có bia đá được dựng vào năm 1840. Hai bên là tượng ngựa đá và voi đá phủ phục. Ảnh: Bùi My

Phải đến thời Lê Trung Hưng, Phật giáo hưng thịnh trở lại, chùa chiền, am tháp được các tầng lớp quý tộc quan tâm và tạo dựng khang trang. Nổi bật là năm 1707, Ngọa Vân được trùng tu và mở rộng thành cụm chùa lớn.

Đến thời kỳ chống Pháp, khu vực này bị giặc đánh phá hư hỏng nặng và đổ nát. Sau đó, đến năm 2002, được sự công đức của nhân dân thập phương và chính quyền địa phương, am - chùa Ngọa Vân thượng mới được khôi phục.

Kiến trúc còn lại hiện nay tập trung tại hai cấp nền. Trong đó, cấp nền thấp hơn là sân chùa thượng, có hai tháp được xây dựng bằng đá gạo, đá bán laterit, là tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiêm.

"Tháp mộ chính giữa chính là tháp Phật Hoàng, chứa xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bên phải là tháp mộ của thiền sư Đức Hưng, tháp Đoan Nghiêm. Còn tháp phía bên trái mới được xây dựng trong quá trình trùng tu, tôn tạo lần này là tháp của thiền sư Bảo Sái," chị Hiền vừa giới thiệu vừa chỉ vào từng tháp mộ.

Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và hóa Phật, đệ tử đã hỏa thiêu nhục thể của Ngài ngay tại Ngọa Vân.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 3.

Tháp Đoan Nghiêm, tháp mộ của thiền sư Đức Hưng - người đã trùng tu, mở rộng Ngọa Vân vào đầu thế kỷ 18. Ảnh: Bùi My

Ngọa Vân-địa chỉ hành hương của Phật tử muôn phương

Truyền thuyết kể rằng, khi hỏa thiêu, mây ngũ sắc phủ trên giàn hỏa, Pháp Loa đã tưới nước thơm lên giàn hỏa thiêu, thu được ngọc cốt và hàng nghìn viên xá lỵ của Ngài.

Chị Hiền còn cho hay: "Các phần xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, phần đầu tiên được tôn trí ngay tại tháp Phật Hoàng ở am Ngọa Vân, nơi Phật hoàng nhập Niết bàn. Những phần còn lại được đưa lên thuyền vua và chở về Thăng Long, được tôn trí ở những nơi khác như Đức Lăng ở Thái Bình, tháp Huệ Quang ở Yên Tử, tháp ở chùa Quỳnh Lâm...".

Đến thời Lê Trung Hưng, bảo tháp do Pháp Loa xây dựng đã bị đổ nát. Năm 1707, thiền sư Đức Hưng (hiệu là Viên Minh) đã cho trùng tu. 

Phía trước tháp Phật Hoàng có tượng ngựa đá, voi đá phủ phục. Bên cạnh tháp Phật Hoàng còn có bia đá, ghi nội dung: Ngày 6 tháng 9 năm 1840 dựng bia ở lăng Hoàng đế Trần Nhân Tông.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 11.

Bài vị trong tháp Đoan Nghiêm chạm nổi mười bảy chữ Hán “Nam mô Thiền Lâm thích tử ma ha tì kheo Đức Hưng Thiền sư an tọa hạ”. Ảnh: Bùi My

Tháp Đoan Nghiêm nằm ở phía Đông cấp nền là tháp mộ của Thiền sư Đức Hưng, người chủ trì trùng tu, xây dựng và mở rộng Ngọa Vân vào năm 1707 thời Lê Trung Hưng. 

Tháp có mặt bằng hình vuông, có một tầng bệ, hai phần thân và phần chóp tháp hình búp sen. Cấp nền thứ hai gồm am Sơn thần, chùa Ngọa Vân Thượng và am Ngọa Vân.

Ngoài cùng phía Đông chính là am thờ sơn thần, có tên là "Thiên Sơn từ". Hai bên có đôi câu đối bằng chữ Hán miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp ở Ngọa Vân trên núi Bảo Đài là: "Vạn cổ anh linh tự - Tứ thời cảnh sắc tân".

Phía trước am Sơn thần là bia đá có tên "Trùng tu Ngọa Vân tự" từng bị đổ nát, nay đã được phục dựng. Các nét chữ chạm khắc trên bia vẫn còn rõ nét, ghi chép lại việc trùng tu chùa Ngọa Vân dưới thời Lê Trung Hưng.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 2.

Bia đá có tên Trùng tu Ngọa Vân tự (bia ghi chép trung tu chùa Ngọa Vân) được dựng vào năm 1707. Ảnh: Bùi My

Trung tâm của cấp nền thứ 2 là chùa Ngọa Vân thượng. Theo lời kể của chị Hiền, trước khi trùng tu lại, khu vực nhà Tổ được gọi là chính điện hay chùa Ngọa Vân thượng, thờ Tam Tổ Trúc Lâm. 

"Sau khi trùng tu, nơi đây có sự thay đổi về tính chất thờ tự. Theo đó, khu vực nhà Tổ được xây dựng lại trên nền chùa cổ và thờ 5 vị. Ở chính giữa là Tam Tổ Trúc Lâm, gồm Sơ Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang. Bên cạnh còn có ban thờ của Thiền sư Đức Hưng, ban thờ của Thiền sư Bảo Sái – người đệ tử thân cận nhất, theo hầu Phật hoàng trước khi Ngài nhập niết bàn".

Nằm ở phía Tây cấp nền số 2, và cao hơn cấp nền khoảng 2,5m là am Ngọa Vân. Trong am có đặt tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông với dáng nằm mô phỏng Phật nhập niết bàn.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 10.

Am Ngọa Vân được xây bằng gạch, mái cuốn vòm bằng gạch. Ảnh: Bùi My

Theo sách "Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ", mặt bằng chùa Ngọa Vân trước kia không có am Ngọa Vân, chỉ có Đá Niết Bàn, chùa Ngọa Vân, hai tòa tháp, bia đá. Do vậy, am Ngoạ Vân hiện nay có thể được xây trên vị trí của Đá Niết Bàn.

Về nơi vua hóa Phật (bài 2) - Ảnh 8.

Tượng thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, phía dưới chân có Bảo Sái chắp tay quỳ hầu. Ảnh: Bùi My

Khi mặt trời dần xuống núi, cái nắng ấm áp ban ngày nhường chỗ cho những cơn gió lạnh, cũng là lúc chuyến khám phá vùng "thánh địa" của thiền phái Trúc Lâm dần khép lại. 

Trong bầu không khí thoang thoảng mùi trầm hương, tiếng kinh, tiếng mõ chùa văng vẳng như càng tăng thêm sự tĩnh lặng của vùng "thánh địa" linh thiêng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem