Chùa Đậu-danh thắng trời Nam (kỳ 1): Gần 2.000 năm Phật giáo hòa vào văn hóa dân gian

Bình Minh - Quang Minh Thứ ba, ngày 14/12/2021 06:05 AM (GMT+7)
Chùa Đậu tọa lạc ở cuối thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín (Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử - văn hóa, mà còn bởi giá trị kiến trúc, mỹ thuật độc đáo, cổ kính. Chùa Đậu cũng gắn liền với quá trình du nhập Phật giáo vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ với gần 2.000 năm lịch sử...
Bình luận 0

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp được trở lại thăm chùa Đậu sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài do dịch Covid-19. 

Chùa Đậu không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử - văn hóa, mà còn bởi giá trị kiến trúc, mỹ thuật độc đáo, cổ kính…nơi đây còn được mệnh danh là "Đệ nhất danh lam" (ngôi chùa có cảnh quan đẹp nhất trời Nam).

CLIP: Chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín (Hà Nội)-cổ tự gắn liền với quá trình Phật giáo du nhập vào khu vực điồng bằng Bắc bộ. Thực Hiện: Bình Minh - Quang Minh

Chùa Đậu - Ảnh 2.

Theo sử sách ghi lại, chùa Đậu được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, cách đây gần 2.000 năm. Chùa cũng đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần. Ảnh: Bình Minh

Ngôi chùa gắn với nhiều triều đại Vua

Chùa Đậu tên chữ là "Thành Đạo Tự" thờ Bà Đậu hay Đại Bồ Tát Pháp Vũ nên được gọi là chùa Đậu và còn có tên là Pháp Vũ tự. Ngôi chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km. 

Trò chuyện với chúng tôi, Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa Đậu kể rằng, theo văn bia tạo dựng năm Dương Hòa đời thứ 5 thì ngôi chùa này được tôn tạo vào thời Lý (thế kỷ thứ XI). 

Còn theo cuốn " Sách Đổng" hiện còn lưu giữ tại Chùa Đậu, thì ngôi chùa này có từ thời Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ 3).

Chùa Đậu - Ảnh 3.

Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì chùa Đậu giới thiệu với chúng tôi 1 trong 6 bia đá cổ khắc từ thế kỷ XVI. Ảnh: Bình Minh

Tại chùa Đậu vẫn còn giữ được cuốn sách quý bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp, đầu thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên (năm 200 - 210). Cuốn sách ghi lại rằng, một lần Quách Thông trên đường hành đạo tới làng Gia Phúc, thấy thế đất trông tựa hình một bông sen đang nở, tỏa hương.

Lại nghe đồn năm đó như có luồng linh khí phát quang, Quách Thông đã trình lên Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng đó là nơi đất Phật, bèn sai lập chùa để dân trong vùng làm chốn tu nguyện đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại Thánh pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự.

Chùa Đậu - Ảnh 4.

Ngôi Tam Bảo nguy nga phía trong chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Bình Minh

Chùa Đậu cũng gắn liền với quá trình du nhập Phật giáo vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cùng hòa trộn với văn hóa dân gian bản địa.

Sau khi xây chùa, Phật giáo du nhập vào Việt Nam bằng 2 con đường thủy và đường bộ. Ở thời đó, đặc điểm của người Việt Nam là trồng lúa nước và tín ngưỡng của người Việt bản địa là tín ngưỡng đa thần, chế độ mẫu hệ. Vì vậy, khi Phật giáo Ấn Độ du nhập vào, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhưng vẫn mang bản sắc riêng của dân tộc.

Chùa Đậu ở trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, ngoài thờ Phật còn thờ những thế lực siêu nhiên, linh thiêng với cư dân nông nghiệp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp). Vì chùa thờ Pháp Vũ nên có tên là Pháp Vũ tự.

Chùa Đậu - Ảnh 5.

Tượng La Hán tại chùa Đậu. Ảnh: Bình Minh

"4 vị thần mây, mưa, sấm, chớp là những vị thần người dân thờ. Hàng năm đều có hoạt động tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cũng vì vậy, sau khi hình thành 4 vị thần này và xây dựng xong chùa Đậu thì Sĩ Nhiếp mới cho rước Bồ Tát Pháp Vũ, tức là thần mưa về chùa Đậu thờ", Đại đức Thích Quang Minh thông tin.

Trụ trì Thích Minh Quang cho hay, cũng tại ngôi chùa này, từng có nhiều triều đại vua, chúa lui tới lễ bái, cầu cho quốc thái dân an và tương truyền đều rất linh ứng. Hàng năm, nhiều chí sĩ đến đây cầu nguyện đăng khoa, công danh rạng rỡ, sự nghiệp viên thành.

Còn người nông dân chất phác quanh vùng đến chùa Đậu cầu nguyện cho có sức khoẻ, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

Chùa Đậu được nhiều đời vua, chúa sửa chữa, tôn tạo, đặc biệt, ở thời Hậu Lê, chùa được đại trùng tu với quy mô lớn. Lần trùng tu tôn tạo gần đây nhất vào năm 2021.

Chùa Đậu - Ảnh 6.

Một góc sân bên trong chùa Đậu. Ảnh: Bình Minh

Ngôi chùa có kiến trúc, cảnh quan đẹp nhất ở miền Bắc

Chùa Đậu nằm trên thửa đất rộng hơn 1ha, bao quanh là những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Ở thế kỷ XVII, đời vua Lê Thần Tông, chùa Đậu được phong "Đệ nhất danh lam" (một trong những ngôi chùa có cảnh quan đẹp nhất trời Nam). Năm 1964, chùa Đậu đã được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A.

Chùa Đậu - Ảnh 7.

Tượng La Hán tại chùa Đậu. Ảnh: Bình Minh

Chùa Đậu mang kiến trúc theo kiểu "nội công, ngoại quốc", "tiền Phật, hậu thánh" theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật. 

Nghệ thuật kiến trúc của chùa có nhiều nét độc đáo, đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh vào thế kỷ 17. Ngôi chính điện từ đời Lê, mái lợp ngói mũi hài, các cột, xà đều chạm rồng; những bệ đá chân cột chạm hoa sen, bộ cửa tám cánh đều chạm tứ linh, tứ quý, sơn son, thếp vàng...

Hiện nay chùa Đậu còn lưu giữ hệ thống di vật và các cấu kiện kiến trúc quý là hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc trang trí hình rồng, thú, cá hóa long, nhiều loại hoa lá...

Nổi bật trong nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc là các mảng chạm gỗ tinh xảo mang đậm phong cách mỹ thuật thời Lê Trung Hưng và chắt lọc tinh hoa hàng ngàn năm của bày tay thợ thủ công Việt Nam.

Chùa Đậu - Ảnh 8.

Ban thờ Bồ tát Phổ Hiền trong chùa Đậu. Ảnh: Bình Minh

Chùa Đậu còn có hiện vật quý là đôi rồng đá thời Trần ở bậc thềm nhà tiền đường. Đôi rồng này đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia "sao lại" một bản để trưng bày trong sân vườn bảo tàng ở thủ đô Hà Nội.

Ðặc biệt, trong chùa có hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17. 

Chùa Đậu - Ảnh 9.

Tượng phật Quan thế âm Bồ tát bên trong chùa Đậu. Ảnh: Bình Minh

Ông Vũ Văn Thúy (84 tuổi) ở thôn Gia Phúc cho biết, từ nhỏ ông thường được bố mẹ đưa ra chùa Đậu tham quan, vãn cảnh. Ông rất ấn tượng với kiến trúc của ngôi chùa này, đặc biệt, là những mảng chạm rồng, phượng, hoa lá tinh xảo trên các đầu dư, kèo cột…Cũng như ông Thủy, nhiều người dân trong vùng, và khách phương xa khi tới chùa Đậu chiêm bái đều mê đắm với không gian kiến trúc đặc sắc của chùa Đậu...

Chùa Đậu - Ảnh 10.

Ông Vũ Văn Thúy (84 tuổi) ở thôn Gia Phúc cho biết, từ nhỏ ông thường được bố mẹ đưa ra chùa Đậu tham quan, vãn cảnh. Ảnh: Bình Minh

"Đặc biệt, sau khi lễ bái, đi dạo quanh chùa Đậu, dưới những hàng cây xanh thường cho người ta cảm giác bình yên, thanh lọc. Cũng chính vì vậy, mà qua nhiều đời nay, người dân ở địa phương luôn gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa khi nói về chùa Đậu", ông Thúy chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem