Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025 đã đạt được những kết quả tích cực. Những mô hình nông nghiệp dinh dưỡng được thí điểm tại các địa bàn đặc biệt khó khăn đã cải thiện thu nhập, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, góp phần phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường.
Đảm bảo dinh dưỡng cho hộ gia đình
Dù rất chịu khó làm lụng nhưng anh Lưu Viết Chương ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa thoát cảnh hộ nghèo. Nhà có 5 miệng ăn, nhưng thu nhập chủ yếu dựa vào 4-5 sào ruộng cấy lúa và đi chặt cây rừng thuê lấy tiền công để trang trải chi phí cho gia đình.
"Trồng lúa giỏi lắm chỉ đủ cung cấp cho gia đình ăn hàng ngày. Toàn bộ tiền chi tiêu trong gia đình đều dựa vào việc đi chặt cây rừng thuê, ngày nắng còn đi làm được, chứ ngày mưa lại nghỉ. Tiền công cũng chỉ được 150.000-200.000 đồng/buổi nên cuộc sống gia đình rất khó khăn, chưa thoát được nghèo" – anh Chương bộc bạch.
Chính vì thế, đầu tháng 11/2021, khi được hỗ trợ 120 con gà từ dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" do Bộ NNPTNT phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện, anh Chương rất phấn khởi. Anh chăm sóc đàn gà rất kỹ càng, thậm chí nước cho gà uống anh còn cho thêm mật ong vào để đàn gà "ấm người", tăng sức đề kháng.
"Nhà nước hỗ trợ gà, thuốc, vaccine và cám thì mình phải bỏ công sức ra để chăm sóc. Hiện đàn gà phát triển rất tốt, gà đẹp và khỏe mạnh" – anh Chương nói và cho biết đây là lần đầu gia đình anh có đàn gà nhiều như thế.
Theo anh Chương, nếu nhà nước cho gà mà không hỗ trợ thuốc vaccine và cám thì gia đình anh cũng không đủ lực để nuôi chúng. Trước đây, gia đình anh chỉ nuôi đàn gà chạy đồi trên dưới 10 con. Với số gà đó, nhiều khi gia đình anh đã phải đi mua thêm thóc về để nuôi.
Lãnh đạo UBND xã Linh Thông nhận định, việc triển khai mô hình đã tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, thay đổi cách nghĩ, cách làm, đồng thời nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ông Hoàng Chinh – cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên – người trực tiếp theo dõi dự án này cho biết, xã Linh Thông là một trong 10 xã thuộc khu vực III đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa.
"Trên địa bàn huyện Định Hóa, người dân nuôi gà rất nhiều nên mô hình có khả năng nhân rộng. Khi triển khai dự án, Chi cục Phát triển nông thôn đã phối hợp với xã Linh Thông lựa chọn, khảo sát kỹ, các hộ dân cũng có kinh nghiệm, giờ mình hướng dẫn theo đúng quy trình kỹ thuật cũng như cách thức sử dụng dinh dưỡng cho hợp lý, sản phẩm làm ra sẽ chất lượng và giá trị hơn" – ông Chinh chia sẻ.
Tương tự, đời sống nhiều hộ dân tại bản Hợp I, bản Nà Cúng, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng gặp khó khăn do địa hình đồi núi đá dốc, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên phải hứng chịu nhiều tác động bất lợi của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Nơi đây, đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Mông chiếm trên 90% dân số của xã, sinh sống ở 14 bản với 1.667 hộ và gần 8.000 nhân khẩu. Trong năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong xã khá cao, trên 40% tổng số hộ trên địa bàn xã.
Các hoạt động sản xuất tại địa phương vẫn chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp truyền thống, phương thức và kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất và chất lượng các sản phẩm hạn chế dẫn tới tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Kết quả khảo sát cho thấy chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa thực sự đảm bảo, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi khá cao.
Trẻ dưới 2 tuổi được điều tra suy dinh dưỡng thể thấp còi với tỷ lệ 36,7%, không có trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể gầy còm. Trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 35,3%, thể gầy còm là 5,9%.
Xuất phát từ thực tế đó, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mô hình "Hỗ trợ nuôi gà thịt an toàn sinh học kết hợp trồng bí đỏ cải thiện dinh dưỡng cho người dân" gắn với Chương trình Không còn nạn đói tại bản Hợp I, bản Nà Cúng, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ.
Mô hình có 34 hộ tham gia, trong đó có 28 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Mỗi hộ dân được nhận hỗ trợ 55 con gà và trồng 50m2 rau bí đỏ.
Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng gà đạt trên 1,6kg/con, mỗi hộ thu 88-110kg thịt gà hơi thương phẩm và có rau bí, quả bí đỏ để bù đắp sự thiếu hụt và cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.
Phá thế "tự cung, tự cấp"
Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy ở những xã vùng nghèo đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính chất "tự cung, tự cấp", chứ chưa trở thành hàng hóa để bán.
Chính vì thế, việc lựa chọn đối tượng cây trồng, vật nuôi để hỗ trợ cho các hộ dân nghèo không chỉ giúp họ biết cách thức chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp mà còn từng bước tham gia vào chuỗi và thị trường nông sản là rất cần thiết.
Tại Gia Lai, dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng năm 2020 thuộc Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam được triển khai thí điểm tại làng Krắc và Kliết-H'Ôn, xã Đak Song, huyện Kông Chro trong năm 2020.
Theo đó, dự án đã hỗ trợ 84 con dê sinh sản cho 40 hộ nghèo của 2 làng Krắc và Kliết-H'Ôn. Ngoài ra, dự án hỗ trợ 400 cây dừa xiêm xanh và 400 cây mít Chan Rai cho 36 hộ nghèo.
Theo đánh giá của UBND xã Đak Song, cây mít Chan Rai và dừa xiêm xanh sau khi được trồng đã sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với dê giống, các hộ dân cũng tích cực chăm sóc, đảm bảo thức ăn cũng như phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tại làng Kliết-H'Ôn, đàn dê của nhiều hộ dân đã sinh trưởng và nhân giống rất hiệu quả.
Gia đình anh Đinh Chân ở làng Kliết-H'Ôn được hỗ trợ 2 con dê. Sau 1 năm, 2 con dê đã sinh sản nhân đàn lên thành 6 con. Ngoài nuôi dê, nương rẫy cũng bổ sung đáng kể nguồn thu cho gia đình. Cuộc sống gia đình anh Chân đã tương đối ổn định.
"Lâu lâu, tôi lại bán bớt 1 con dê để lấy tiền mua sắm vật dụng thiết yếu trong gia đình. Cuộc sống hiện giờ không vất vả như trước nữa"- anh Chân bộc bạch.
Ông Huỳnh Văn Cư, Chủ tịch UBND xã Đak Song cho biết, dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình "Không còn nạn đói" tương đối khác biệt so với các dự án khác mà tỉnh cũng như huyện hỗ trợ trước đó. Thông thường, các dự án hỗ trợ cấp bò giống thì nay người dân được cấp dê và cây ăn quả về nuôi, trồng.
Theo ông Y Nguyên Ênuôl, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đối tượng được thụ hưởng từ dự án này là những hộ nghèo, ưu tiên hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Dù bước đầu thí điểm nhưng dự án đạt được những kết quả nhất định. Hầu hết người dân đồng tình ủng hộ, hài lòng trước sự quan tâm của Nhà nước.
"Giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch và hướng dẫn tập huấn cho cán bộ, người dân ở các địa phương triển khai xây dựng dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng thuộc Chương trình "Không còn nạn đói" ở Việt Nam. Hy vọng đến năm 2022, nguồn vốn thực hiện các dự án sẽ được phân bổ để hỗ trợ người dân vùng khó khăn từng bước giảm nghèo bền vững"- ông Y Nguyên Ênuôl thông tin.