Tại sao Việt Nam phải giảm đói về dinh dưỡng?

Khương Lực Thứ sáu, ngày 26/11/2021 13:57 PM (GMT+7)
Ngăn chặn suy dinh dưỡng sẽ giúp đạt được ít nhất 12 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), giúp tạo ra một thế giới lành mạnh, thịnh vượng và ổn định, trong đó không ai bị bỏ lại phía sau.
Bình luận 0

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với tư cách là một trong các nước cam kết thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Việt Nam đang xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng lần thứ ba giai đoạn 2021-2030 và có cơ hội đặc biệt để ưu tiên dinh dưỡng trong kế hoạch phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Theo Tổ chức Phát triển dinh dưỡng (N4D), để Việt Nam đạt vị thế quốc gia có thu nhập trung bình cao và đẩy nhanh tiến độ hướng tới tất cả các Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu (WHA), chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2021-2030 phải tiếp tục theo dõi các mục tiêu về thiếu dinh dưỡng cho toàn bộ dân số và đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số.

Tháng 9/2021, Liên Hợp quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về các hệ thống lương thực lần thứ nhất để nêu bật sự cấp thiết của việc chuyển đổi hệ thống lương thực một cách hiệu quả, bao trùm và bền vững nhằm đạt được mục tiêu "Không còn nạn đói" mà tổ chức này đặt ra vào năm 2030.

Gánh nặng về dinh dưỡng ở Việt Nam (bài 3): Những nỗ lực giảm đói về dinh dưỡng - Ảnh 1.

Đàn gà nhà bà Đèo Thị Lan, bản Hợp 1, xã Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu) gắn với chương trình không còn nạn đói tại tỉnh Lai Châu phát triển khỏe mạnh, với tỷ lệ sống đạt gần 100%. Ảnh: K.L

"Đối với bà con miền núi có điểm yếu là đất thì rộng mà bà con không biết trồng rau ở vườn nhà. Bà con trước đây thường hay đi hái trên rừng, bây giờ trên rừng không còn để hái thì nói chung tiêu dùng rau rất ít".

PGS-TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Trên tinh thần ấy, trong thông điệp gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về hệ thống lương thực thực phẩm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng và cam kết thực hiện việc chuyển đổi và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững trong bối cảnh "bình thường mới".

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bảo đảm lương thực là nền tảng cho xóa đói nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng "minh bạch, trách nhiệm, bền vững" và thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.

Nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020, nhìn về tổng thể chế độ ăn và bữa ăn của người dân Việt Nam mang tính truyền thống và có hợp lý cân bằng dinh dưỡng với nguồn thực phẩm phong phú. Người dân đã cải thiện và đa dạng trong chế độ ăn uống với xu hướng giảm tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc, tăng tỷ lệ thịt, cá, sữa, trứng, trái cây, rau quả.

Để giải quyết vấn đề đói về dinh dưỡng, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025, năm 2019, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các bên liên quan thí điểm xây dựng 3 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại các tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi, Trà Vinh để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp.

Trong năm 2020, Bộ NNPTNT đã mở rộng từ 3 mô hình sang 11 mô hình ở các xã, thôn, bản khó khăn; đồng thời, phối hợp với 8 tỉnh mở rộng mô hình, lấy ngân sách địa phương thực hiện, nâng tổng số mô hình lên thành 19.

Ngày 30/3/2020, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định số 1170/QĐ-BNN-KTHT hướng dẫn các tỉnh xây dựng dự án điểm nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết và mở rộng ra tất cả các tỉnh thực hiện chương trình từ năm 2021.

Với những cam kết xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam 'minh bạch, trách nhiệm, bền vững"- ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, đây sẽ là cơ hội để lồng ghép, thực hiện các mục tiêu và các hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

"Thay vì sản xuất những sản phẩm quy mô lớn, chúng ta có thể tận dụng rất tốt những sản phẩm nông sản đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng và vi chất ở các địa phương" - ông Thịnh nói.

Về vấn đề này, PGS-TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, hầu hết các chính sách của ngành nông nghiệp đang tập trung vào phát triển nông sản hàng hóa để bán, chưa có mục thúc đẩy phát triển nông nghiệp để tiêu dùng tại địa phương cho cân đối.

"Chúng tôi đang có dự án giúp cho hai tỉnh Sơn La và Điện Biên xây dựng chiến lược chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái bền vững, không chạy theo canh tác cây ngô trên đất dốc, phá hoại môi trường như những năm trước" - PGS-TS Đào Thế Anh nói.

Theo PGS-TS Đào Thế Anh, trong thời gian tới, mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cần hướng vào thực hành nông nghiệp sinh thái, sử dụng các cây, con bản địa để trồng trong vườn nhà theo hướng hữu cơ, phục vụ nhu cầu ở địa phương là chính. Đồng thời, sử dụng mô hình nông lâm kết hợp để đa dạng hóa các sản phẩm ở địa phương kết hợp cả trồng trọt, chăn nuôi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem