Làm gì để đạt mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025?

Khương Lực Thứ tư, ngày 17/11/2021 10:29 AM (GMT+7)
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, triển khai Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025, Bộ NNPTNT xác định tập trung vào các xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao, xã nghèo và khó khăn của 28 tỉnh, nhưng quan trọng là các địa phương phải vào cuộc.
Bình luận 0

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025, Bộ NNPTNT đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các chuyên gia và các địa phương triển khai giai đoạn 1 (2019-2020) - thí điểm xây dựng 19 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp nhằm triển khai trên địa bàn 28 tỉnh.

Làm gì để đạt các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025? - Ảnh 1.

Trong năm 2020, 50 hộ diện nghèo và cận nghèo ở xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh được nhận gà - mỗi hộ nhận 48 con gà (44 gà mái đẻ trứng và 4 con gà trống) - vể nuôi nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt về thực phẩm thiết yếu cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và trẻ em. Ảnh: Huỳnh Xây.

Từ các mô hình "Không còn nạn đói" triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Bộ NNPTNT cùng các bộ, ngành đã hoàn thiện cơ chế chính sách và các tài liệu tập huấn để ban hành. Từ năm 2021, Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đã chuyển sang pha 2 (2021-2025) – dự kiến sẽ mở rộng thực hiện trên địa bàn 40 tỉnh.

Mở rộng thực hiện chương trình "Không còn nạn đói" trên địa bàn 40 tỉnh

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 không có dòng kinh phí riêng mà chỉ tích hợp vào các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, đó là: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính vì thế, các địa phương cần rà soát địa bàn các xã để lồng ghép thực hiện các mục tiêu của chương trình "Không còn nạn đói". 

Đơn cử, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã xây dựng Dự án số 7 - "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em". 

Trong đó, chú trọng vào chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Về phía Trung ương, trong năm 2021 Bộ NNPTNT sẽ tổ chức 15 lớp tập huấn cho 2 nhóm đối tượng trên địa bàn 28 tỉnh, đó là: tất cả cán bộ ở các địa phương, tập huấn về kiến thức tổ chức thực hiện chương trình; người dân hưởng lợi từ chương trình này về phương pháp sử dụng nguyên liệu, thức ăn và kiến thức về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Cùng với đó, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất các giải pháp triển khai, thực hiện cho giai đoạn 2021-2025, tập trung vào 3 nội dung: một là sử dụng tối đa các sản phẩm nông nghiệp địa phương giàu dinh dưỡng, vi chất; hai là sử dụng hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch, sơ chế, chế biến và sử dụng thực phẩm; ba là thực hiện các nghiên cứu liên quan đến chống thất thoát, hạn chế thất thoát trong sản xuất nông nghiệp.

Làm gì để đạt các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025? - Ảnh 3.

Các nhà khoa học, kinh tế và chuyên gia sức khỏe hàng đầu đã thừa nhận rằng cải thiện dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời là một trong những khoản đầu tư thiết thực nhất nhằm đạt những tiến bộ lâu dài về sức khỏe và sự phát triển của con người trên toàn cầu. Ảnh: NVCC

"Về phía các địa phương, chúng tôi chỉ đạo năm nay sau khi có kế hoạch chung của các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phê duyệt về vốn, các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức, xây dựng các mô hình của địa phương trong năm 2021 – 2022 và tiến tới nhân rộng vào các năm sau" – ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, trong 5 năm tới, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sẽ tham mưu lồng ghép những hoạt động của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" vào hệ thống chuyển đổi lương thực, thực phẩm theo hướng "minh bạch, trách nhiệm, bền vững", trong đó chú trọng đến hệ thống lương thực, thực phẩm cấp địa phương, nhất là các sản phẩm đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng, vi chất.

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sẽ phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) xây dựng chương trình hợp tác để cùng nhau xây dựng "Bảng cân đối dinh dưỡng". 

Đây sẽ là cơ sở để đánh giá và xác định điểm cân bằng giữa nhu cầu và  khả năng đáp ứng về dinh dưỡng, từ đó tìm ra những khoảng cách về dinh dưỡng để có giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến hoặc là nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cho nhân dân.

Làm theo phương thức "vết dầu loang"

Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, hầu hết các cam kết của Việt Nam trong chương trình đều có thể đạt được, ngoài chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 2 tuổi – đang là một thách thức lớn trong thời gian tới.

"Khó nhất trong 5 mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025 là câu chuyện của suy dinh dưỡng, giảm nghèo nhưng ở góc độ đảm bảo suy dinh dưỡng. Chúng ta không đói lương thực mà đói dinh dưỡng, tức là thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào và thiếu vi chất"- ông Thịnh nói.

Làm gì để đạt các mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025? - Ảnh 4.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT khẳng định: Chúng ta không đói lương thực mà đói dinh dưỡng, tức là thiếu dinh dưỡng, không đảm bảo mức năng lượng ăn vào và thiếu vi chất". Ảnh: C. Phương.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ tiếp tục được cải thiện, giảm xuống còn 19,6%, chuyển từ mức cao sang mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về vấn đề sức khỏe cộng đồng và trên đà đạt được mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 về giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng miền núi là 38% vẫn còn ở mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Trên toàn quốc vẫn còn 7 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trên 30% thuộc mức rất cao về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo phân loại của WHO năm 2018. 

Đáng chú ý, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (31,4% so với 15%); có tới 60% số trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở 10 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cấp còi cao nhất cả nước là người dân tộc thiểu số.

Đối với bà con miền núi có điểm yếu là đất thì rộng mà bà con không biết trồng rau ở vườn nhà. Bà con trước đây thường hay đi hái trên rừng, bây giờ trên rừng không còn để hái thì nói chung tiêu dùng rau rất ít.

PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam

Để triển khai nhân rộng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, qua đó giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần làm theo phương thức "vết dầu loang". 

"Đầu tiên là xây dựng các mô hình để trao đổi, học học kinh nghiệp ở các địa phương; thứ hai là truyền truyền và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để bà con nông dân học hỏi, làm theo" – ông Thịnh nói.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, hầu hết các chính sách hiện đang tập trung vào phát triển nông sản hàng hóa để bán, chưa có mục thúc đẩy phát triển nông nghiệp để tiêu dùng tại địa phương cho cân đối.

 "Chúng tôi đang có dự án giúp cho hai tỉnh Sơn La và Điện Biên xây dựng chiến lược chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái bền vững, không chạy theo canh tác cây ngô trên đất dốc, phá hoại môi trường như những năm trước" – ông Anh nói.

Theo PGS.TS. Đào Thế Anh, trong thời gian tới, mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng cần hướng vào thực hành nông nghiệp sinh thái, thậm chí hữu cơ, sử dụng các cây, con bản địa để phục vụ nhu cầu ở địa phương là chính. Đồng thời, sử dụng mô hình nông lâm kết hợp để đa dạng hóa các sản phẩm ở địa phương kết hợp cả trồng trọt, chăn nuôi.

"Đối với bà con miền núi có điểm yếu là đất thì rộng mà bà con không biết trồng rau ở vườn nhà. Bà con trước đây thường hay đi hái trên rừng, bây giờ trên rừng không còn để hái thì nói chung tiêu dùng rau rất ít" – ông Anh nói và cho biết chương trình cũng cần thúc đẩy mô hình vườn nhà theo hướng hữu cơ để đa dạng nguồn thực phẩm cung cấp cho bà con sử dụng trong bữa ăn gia đình.

5 mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025

- Cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm, trong đó giảm tỷ lệ hộ gia đình có mức năng lượng ăn vào bình quân đầu người dưới 1.800 Kcal dưới 5%; tăng mức tiêu thụ rau, củ, quả trung bình đầu người lên 400g/ngày.

- Giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 2 tuổi, với các chỉ tiêu như sau: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20% (riêng vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 25%); giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%; giảm tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (<2.500g) xuống dưới 8%.

- Phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, 100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất.

- Phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập: Các hộ tham gia chương trình có tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập 10%.

- Phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem