25 năm tái lập và phát triển
Ngày 1/1/1997, Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé cũ và tái lập với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, Tân Uyên và Bến Cát với 77 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên sau khi tái lập là 2.717 km2, dân số 679.044 người.
Năm 1999, Bình Dương có thêm 3 huyện gồm Dĩ An, Dầu Tiếng, Phú Giáo và đến nay, sau nhiều lần điều được điều chỉnh về địa giới, đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Bình Dương có đã có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 thành phố, 2 thị xã, 4 huyện với 91 đơn vị hành chính cấp xã (41 xã, 45 phường, 5 thị trấn).
Trong đó, TP.Thủ Dầu Một là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, được công nhận đô thị loại 1 vào năm 2017. TP.Dĩ An và Thuận An được thành lập năm 2020. Dân số của Bình Dương khoảng 2,6 triệu người (trong đó tạm trú chiếm trên 50%), tăng hơn 4 lần so với khi mới tái lập tỉnh.
Trong 25 qua, Bình Dương tập trung đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo ổn định và phát triển nhanh.
Bình Dương được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực, vị trí địa lý thuận lợi. Với phương châm "trải chiếu hoa" mời gọi nhà đầu tư cùng với các khu công nghiệp được thành lập, tỉnh đã thu hút được nhiều vốn đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp và nông thôn.
Phát triển KCN tập trung, thu hút đầu tư
Trong giai đoạn 1997 - 2000, kinh tế của Bình Dương tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao (bình quân 14,1%/năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (tỷ trọng tương ứng 58,1% - 25,2% - 16,7%)…
Đặc biệt, Bình Dương chủ trương ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút nhanh nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương.
Trong giai đoạn này, Bình Dương đã thành lập được có KCN 7 với tổng diện tích trên 1.500 ha, bao gồm các KCN: Sóng Thần I, Sóng Thần II, Bình Đường, Việt Hương, Đồng An, Tân Đông Hiệp và Việt Nam - Singapore (VSIP).
Các KCN đã thu hút thêm 85 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 1.332 tỉ đồng và 185 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 961 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 35.000 lao động.
Đến giai đoạn 2001 – 2021, Bình Dương tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng đô thị Bình Dương, hiện đại, văn minh, giàu đẹp.
Trong giai đoạn mới này, Bình Dương xác định việc thực hiện các nhiệm vụ vừa khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vừa tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong chặng đường tiếp theo.
Theo đó, Bình Dương đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp. Từ 7 KCN với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, đến nay đã có 29 KCN, trong đó có 27 KCN đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha (diện tích cho thuê trên đạt 87,4%) và 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha (diện tích cho thuê đạt khoảng 67,4%).
Bình Dương được Chính phủ đánh giá là một trong những địa phương hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, trong đó nền tảng là phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp…
Nằm giữa Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ đô thị là dự án thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha được khởi công xây dựng vào năm 2010 theo định hướng xây dựng một khu đô thị văn minh, hiện đại.
Đến năm 2014, Bình Dương chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh tại trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Đến nay, thành phố mới Bình Dương và Trung tâm hành chính tập trung được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Dương và là hạt nhân của một thành phố Bình Dương hiện đại, năng động với đầy đủ các loại hình phục vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Năm 2021, Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và đã chịu sự tác động lớn đến các ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân.
Dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương vẫn có những điểm sáng trên một số lĩnh vực. Trong bối cảnh vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bình Dương đã đạt và vượt 22/32 chỉ tiêu kế hoạch năm 2021.