Cuối tuần qua (16/12), 500 xe đạp do Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư) nhập về chính thức được triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại 43 vị trí ở quận trung tâm TP.HCM. Trong đó, 388 xe phục vụ cho thuê, còn lại dự phòng.
Vậy là sau loạt loại hình giao thông công cộng đặc thù như xe buýt, buýt đường thủy cùng hệ thống metro sắp đưa vào vận hành, TP.HCM đã có thêm hệ thống xe đạp đô thị.
Với loại hình dịch vụ này, nhiều người dân hy vọng, giao thông và nhịp sống ở vùng đất sôi động này sẽ giảm bớt căng thẳng. Nhiều người háo hức dạo vòng quanh quận 1 bằng xe đạp, hy vọng tìm lại cảm giác từ những năm tháng sống chậm của thời bao cấp xưa.
Bên cạnh đó, chân dung ông chủ dự án dịch vụ xe đạp công cộng TP.HCM cũng khiến không ít người dân cảm thấy tò mò. Bởi sau hệ thống xe đạp đô thị tại trung tâm thành phố, thời gian tới, đơn vị này sẽ triển khai tiếp tại các quận khác. Và trong tương lai cũng sẽ tiến hành tại Hà Nội, Vũng Tàu, Cần Thơ...
Theo dữ liệu Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trí Nam được thành lập ngày 9/6/2009. Hiện nay, người đại diện pháp luật /Tổng giám đốc là ông Nguyễn Mạnh Trường (sinh năm 1982).
Tính đến cuối năm 2020, vốn điều lệ Tập đoàn Trí Nam đạt 150 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Mạnh Trường - Tổng giám đốc và ông Nguyễn Quang Thắng - Phó tổng giám đốc đồng sở hữu mỗi người 33,33% vốn doanh nghiệp.
Theo như giới thiệu trên Website, Tập đoàn Trí Nam ra đời với mục tiêu chính và lâu dài là tập trung vào phát triển các giải pháp CNTT&TT chất lượng cao phục vụ khách hàng và triển khai các dịch vụ trực tuyến phục vụ quốc gia và cộng đồng.
Hiện tại, Trí Nam có những giải pháp đặc biệt nổi trội bao gồm, Giao thông thông minh - ITS, Thu phí tự động không dừng - ETC, Chính quyền thông minh e - Gov, Dịch vụ CNTT và tích hợp hệ thống; Hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu quốc gia; Giải pháp đại học thông minh; Giải pháp đào tạo trực tuyến E-Learning.
Trong đó, nổi bật là một số hệ thống giao thông thông minh ITS - Thu phí không dừng ETC đã triển khai như Hệ thống phần mềm tích hợp ITS hầm đèo cả với 13 phân hệ và có hơn 3000 thiết bị; Hệ thống thiết bị và phần mềm thu phí kín, thu phí không dừng ETC Hà Nội - Hải Phòng 32 cổng ETC, ETC Pháp Vân Cầu Giẽ 46 cổng ETC; Hệ thống đo tốc độ, phát hiện sự cố tại các giao lộ cho hệ thống ITS HCM; Hệ thống giám sát các trạm thu phí một dừng, không dừng trên toàn quốc; Hệ thống bảng thông tin trực tuyến cho xe buýt thông minh HCM.
Ngoài ra Trí Nam còn tư vấn, cung cấp, triển khai nhiều sản phẩm ITS cho TPHCM và rất nhiều trạm thu phí (ITS, ETC, MTC, WIM) khác như Toàn mỹ 14, Hoàng mai, Tân đệ, Mỹ lộc, 188 Hải dương, Yên lệnh, Ninh an, Bàn thạch...
Tập đoàn Trí Nam cũng là đối tác của nhiều đơn vị liên quan đến các giải pháp CNTT&TT và triển khai các dịch vụ trực tuyến phục vụ quốc gia và cộng đồng. Cụ thể hơn, dữ liệu trên hệ thống đấu thầu cho biết, Trí Nam đã tham gia 126 gói thầu liên quan đến ngành nghề đăng ký kinh doanh của mình. Trong đó, doanh nghiệp trúng 100 gói thầu, chỉ trượt 9 gói thầu và 17 gói thầu chưa có kết quả.
Về tình hình kinh doanh của Trí Nam trong 5 năm trở lại đây (2016 - 2020), sau giai đoạn tăng trưởng ổn định ở 3 năm liên tiếp 2017-2019, doanh thu doanh nghiệp đã giảm xuống khá sâu trong năm 2020 - năm Covid-19 bùng phát.
Cụ thể, năm 2016, doanh thu Trí Nam ở mức 105,4 tỷ đồng, giảm nhẹ về 100 tỷ đồng trong năm 2017 trước khi tăng liên tiếp 2 năm tiếp theo và đạt đỉnh 338,5 tỷ đồng vào năm 2019, giảm về chỉ còn 223,6 tỷ đồng năm 2020.
Tuy doanh thu biến động với biên độ khá lớn, song lợi nhuận doanh nghiệp lại thay đổi không đáng kể qua các năm. Lãi sau thuế đạt 2,9 tỷ đồng năm 2016; 2,6 tỷ đồng năm 2017; 2,7 tỷ đồng năm 2018; 4,1 tỷ đồng năm 2019 và 1,9 tỷ đồng năm 2020.
Như vậy, trong giai đoạn 5 năm gần nhất, Tập đoàn Trí Nam thu về hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu, song mức lợi nhuận đưa về "khá mỏng" với hơn 14 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất sinh lợi là 1,37%. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đem về 100 đồng, chỉ lãi hơn 1,3 đồng.
Tỷ suất sinh lợi thấp là điều doanh nghiệp không mong muốn. Nhưng ở góc độ khác, lợi nhuận ít ỏi cũng giúp Tập đoàn Trí Nam hạn chế được độ lớn của hóa đơn thuế, dòng tiền chi ra gần như lớn nhất của doanh nghiệp.
Tính tại ngày cuối cùng năm 2020, tổng tài sản Tập đoàn Trí Nam đạt 270 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 151,7 tỷ đồng; nợ phải trả 119 tỷ đồng.