TPHCM triển khai xe đạp công cộng: Đường đâu mà đi
Xe đạp ơi, đường đâu mà đi!
Nhật Lệ
Thứ bảy, ngày 18/12/2021 08:05 AM (GMT+7)
Việc TP.HCM triển khai dịch vụ xe đạp công cộng khiến nhiều người hy vọng, giao thông và nhịp sống ở vùng đất sôi động này sẽ giảm bớt căng thẳng. Lại có thêm một thành phố xe đạp như ở các nước Bắc Âu văn minh chăng?
Ngày đầu tiên 16/12, nhiều người háo hức dạo vòng quanh quận 1 bằng xe đạp, hy vọng tìm lại cảm giác từ những năm tháng sống chậm của thời bao cấp xưa. Còn phía lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) lại tin rằng việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới công cộng là cách kéo giảm ùn tắc giao thông, nhất là ở một thành phố đáng sống mà xe cộ chen chật như nêm này.
Đặc biệt, đây là dự án xã hội hóa, được một tập đoàn đầu tư với mức ban đầu là 500 xe đạp ở 43 vị trí khu vực trung tâm.
Cùng với xe buýt, sắp tới là metro cũng cần có những điểm dừng ở trung tâm, để người đi làm có thể tỏa đến các công sở gần đó. Đi bộ trong vòng dưới 1 cây số cũng còn chấp nhận được, tuy mất thời gian, nhưng nếu có xe đạp thì 2-3km chỉ là chuyện nhỏ.
Đặc biệt, xe đạp trong thời Covid-19 có lợi thế hơn xe buýt, hạn chế tập trung đông người dễ bị lây nhiễm. Đạp xe cũng là cách thể dục hiệu quả và thư giãn.
Bên cạnh đó, xe đạp công cộng là mô hình được quản lý bằng công nghệ, thiết bị hiện đại, được bố trí ở khu vực trung tâm tập trung nhiều điểm du lịch, văn hóa, lịch sử. Khi tiếp cận được với tuyến metro, buýt đường sông, buýt mui trần, xe buýt điện..., hệ thống này còn phục vụ phát triển kinh tế, du lịch.
Đại diện nhà đầu tư tiết lộ, TP.HCM là nơi đầu tiên triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trong cả nước và bước đầu được người dân hưởng ứng tích cực. Chỉ trong vòng 3 ngày, có 941 tài khoản được lập với 320 chuyến đi. Trong đó chuyến đi dài nhất tới 15,2km.
Tuy nhiên, theo như đại diện Sở GTVT TP.HCM, phải sau 1 năm thí điểm, mở rộng dịch vụ ở nhiều quận, khu đô thị mới, các đơn vị mới tổ chức phần đường dành riêng cho xe đạp để tạo sự an toàn cho người dân.
Người dân muốn sử dụng loại xe đạp thông minh này chỉ cần vài thao tác đơn giản, như tải ứng dụng về miễn phí và cài đặt app TNGO trên điện thoại thông minh. Với giá vé 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút, nhiều người có thể sử dụng dịch vụ này. Riêng thời gian mới khai trương, đơn vị thực hiện miễn phí 15 phút đầu để thu hút người dân sử dụng.
Giá rẻ, tiện ích, bảo vệ môi trường và làm thông thoáng đường phố, vậy tại sao không ít người hoài nghi về tính thực thi của dự án này? Thậm chí, có người còn khẳng định, sau 1 năm, có thể xe đạp sẽ không vào trung tâm được nữa.
Lý giải về điều này, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học và xã hội học phân tích: Nếu như nước ngoài có đường dành riêng cho xe đạp, thì ở ta, tất cả các loại xe đều chung làn với nhau. Do vậy, người ta rất ngại đi, nhất là người nước ngoài, đa số chỉ loanh quanh ở quận 1.
Muốn phát triển như Copenhagen (Đan Mạch), Amsterdam (Hà Lan) hay các thành phố lớn ở Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy hay Phần Lan..., quy hoạch đô thị phải rõ ràng ngay từ đầu.
Vấn đề thứ hai, Sài Gòn từng làm thí điểm 20 lần thì đều thất bại. Làm ở Đại học Quốc gia chưa được một năm thì rã đám, giờ chỉ còn ở Khu phần mềm Quang Trung. Khu Công nghệ cao cũng không làm được. Bởi vì người Việt đã mất đi thói quen đi bộ và đi xe đạp. Mà đi bộ và đi xe sẽ giúp giảm béo phì cùng các bệnh đô thị khác. Đi 500m cũng phải dùng xe máy.
"Muốn khôi phục dịch vụ xe đạp, phải bắt đầu từ những địa điểm thuận lợi, ở các cơ quan công sở có diện tích rộng, như ở Phú Mỹ Hưng, các khu công nghiệp, trường đại học... Khi thành công rồi hãy nhân rộng ra. Ngay cả dịch vụ xe đạp mới khai trương ở trung tâm thành phố, công ty làm thí điểm cũng chấp nhận 5 ăn, 5 thua. Hay như ở Thủ Thiêm, còn lại vài mảnh đất như khuy áo, nếu thí điểm được hãy làm. Còn ở trung tâm thành phố thì không còn đường để đi nữa, cứ đi một đoạn, dắt một đoạn thì có ai mà không ngại?", ông Hòa phân tích.
Cũng theo ông Hòa, cách quản lý của các dịch vụ tư nhân hợp lý hơn. Như ở khu Bùi Viện, người ta cho thuê xe đạp cả mười năm nay rồi. Ai thích thì thuê nguyên ngày.
Dẫu có nhiều khó khăn trước mắt như thế, nhưng nhiều người vẫn hy vọng mô hình này sẽ thành công khi có sự hỗ trợ của thành phố về các tuyến đường riêng cho xe đạp. Chỉ sợ đường cho ô tô chen cùng xe máy, xe bus, lề đường cho người đi bộ còn hạn chế, chỗ có chỗ không, thì làn đường riêng cho xe đạp cũng khó thành hiện thực. Mà quy hoạch giao thông nói riêng và quy hoạch chung của toàn TP.HCM thay đổi liên tục và không theo chiến lược dài lâu.
Đi xe đạp lãng mạn, thơ mộng và ích lợi là thế, mà có đi được trong thành phố hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn và cái đầu của nhạc trưởng chỉ huy quy hoạch đô thị tổng thể trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.