Ổn định giá thu gom rác
Theo văn bản số 4154/UBND-ĐT, do UBND TP.HCM ban hành ngày 9/12/2021, UBND TP.HCM chấp chủ trương giữ ổn định mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách nhà nước, với mức thu bằng với mức phí do UBND TP.HCM cho phép thu từ tháng 12/2008, về thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, với các hộ gia đình nội thành có nhà mặt tiền đường; hộ chung cư cao cấp hạng I, hạng II, phải chịu mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý là 22.000 đồng/tháng/hộ. Hộ gia đình nội thành có nhà trong hẻm; hộ dân ở chung cư hạng III, hạng IV là 16.500 đồng/tháng/hộ.
Tương tự, với hộ gia đình ngoại thành – vùng ven có nhà mặt tiền đường là mức giá 16.500 đồng/tháng/hộ. Hộ gia đình ngoại thành – vùng ven có nhà trong hẻm chịu mức giá 11.000 đồng/tháng/hộ.
Ngoài hộ gia đình, các cơ sở phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sẽ được tính như sau: Nhóm I: Thu gom bằng phương tiện thô sơ, tập kết rác tại điểm hẹn phải chịu mức giá bình quân 66.000 đồng/tháng/cơ sở. Tương tự, với nhóm II, thu gom bằng phương tiện thô sơ, tập kết rác tại điểm hẹn là 121.000 đồng/tháng/cơ sở. Nhóm 3: Thu gom bằng xe cơ giới, đổ rác tại trạm trung chuyển có mức giá 194.480 đồng/m3 hoặc 463.045 đồng/ tấn.
Khi nào tính tiền thu gom rác theo khối lượng?
Từ 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó có nội dung "giá dịch vụ thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính dựa trên khối lượng, thể tích chất thải ra".
Cụ thể, Khoản 1, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ sau đây:
Phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
Dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Như vậy có nghĩa sẽ không còn cào bằng tiền thu gom rác giữa người dân với nhau. Ai xả rác nhiều phải đóng tiền nhiều, ai xả rác ít thì đóng tiền ít.
Tại TP.HCM, vấn đề này đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng chưa thực hiện được. Từ các chuyên gia đến lực lượng thu gom đều cho rằng không thể vừa đi thu gom rác vừa mang theo cân để tính khối lượng rác và quy ra tiền.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sắp có hiệu lực. Song, từ luật đến thực tế cuộc sống vẫn cón khoảng cách khá xa. Để áp dụng tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo khối lượng, các bộ, ngành còn phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết, mới có thể áp dụng xuống tận hộ gia đình.