Xử lý rác thải nguy hại trong đại dịch Covid-19, hơn ngàn công nhân Citenco nỗ lực ngày đêm

Chấn Đức Thứ tư, ngày 02/06/2021 12:11 PM (GMT+7)
Tại Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP.HCM (Citenco), hơn 1.000 công nhân đang đêm ngày, xử lý rác thải nguy hại từ những bệnh viện dã chiến phục vụ người thuộc diện cách ly dịch Covid – 19. Những người công nhân này từng giờ đối diện nhiễm virus Covid – 19 bất kỳ lúc nào.
Bình luận 0

Nhiễm bệnh từ rác thải liên quan đến Covid -19 không chừa một ai

Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Citenco - cho biết: "Hiện nay, toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa đều do Citenco thu gom và xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại. Ước tính khoảng 23 tấn/ngày. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, Citenco được UBND TP HCM chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly người bệnh nhiễm Covid-19, hiện ước tính khoảng 12 tấn/ngày".

Xử lý rác thải nguy hại trong đại dịch Covid-19, hơn ngàn công nhân Citenco nỗ lực ngày đêm - Ảnh 1.

Công nhân Citenco thu gom rác thải nguy hại tại các khu cách ly dịch Covid-19. Ảnh: T.Thương

Quy trình thu gom và xử lý loại rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Cụ thể, rác thải phải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. 

Công nhân thu gom của công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải thực hiện phun xịt khử khuẩn. Rác thải khi vận chuyển về Công trường xử lý rác Đông Thạnh tiếp tục phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Thậm chí, tro chất thải sau khi đốt xong phải được hoá rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

Xử lý rác thải nguy hại trong đại dịch Covid-19, hơn ngàn công nhân Citenco nỗ lực ngày đêm - Ảnh 2.

Hình ảnh tại một bệnh viện dã chiến trong mùa cao điểm dịch Covid - 19 ở TP.HCM. Ảnh: T.Thương

Ông Nhựt cho biết thêm, hiện Citenco chỉ thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt, tại khu vực do thành phố thực hiện cách ly người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 tập trung. Còn với rác thải phát sinh từ quận, huyện, những khu vực dân cư bị phong toả do có người nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid thì công ty không phụ trách thu gom.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC) nhấn mạnh: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh và lây lan trong cộng đồng, thì rác thải sinh hoạt tại khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 không thể xem là rác thải sinh hoạt thông thường, mà là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh và cần được thu gom, xử lý như rác y tế nguy hại. 

Do đó, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Rác thải phải được vận chuyển trên phương tiện khép kín để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhất là chủng virus corona Ấn Độ có thể lây truyền qua đường không khí".

Chăm lo cho công nhân môi trường, phải tăng cường hơn nữa

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy: Hiện trung bình mỗi ngày, trên địa bàn TP. HCM phát sinh khoảng 9.000 - 11.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, do 2 nhóm đơn vị thực hiện trên hệ thống công lập.

Nhám do Citenco và Công ty Dịch vụ công ích quận/huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác tồn của TP. Còn hệ thống dân lập, do các công ty tư nhân, lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện, thu gom 60% khối lượng khối lượng rác còn lại của TP.

Tuy nhiên, trên thực tế, trang thiết bị, phương tiện của các lực lượng này (ngoại trừ Citenco) không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch bệnh Covid - 19. Phần lớn trang thiết bị dùng để phục vụ hoạt động thu gom rác trong điều kiện bình thường, không có nguy cơ nhiễm bệnh. Thậm chí, lực lượng thu gom rác dân lập còn sử dụng phương tiện xe ba gác tự chế, nên rác thải không được che đậy trong quá trình thu gom, vận chuyển.

Xử lý rác thải nguy hại trong đại dịch Covid-19, hơn ngàn công nhân Citenco nỗ lực ngày đêm - Ảnh 5.

Công nhân chuyển rác thải nguy hại lên xe tải để đưa về nhà máy xử lý. Ảnh: T.Thương

"Việc thu gom rác sinh hoạt tại khu dân cư bị phong toả, do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh thiếu che đậy, khử khuẩn… dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh rộng ra cộng đồng" - PGS.TS Phùng Chí Sỹ quan ngại. Không chỉ vậy, về phía Citenco cho biết thêm, hiện công suất tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, rác thải từ khu vực cách ly tập trung đã đạt mức 35 tấn/ngày; trong khi công suất xử lý tối đa của công ty là 42 tấn/ngày. Do đó, nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và lượng rác có nguy cơ tăng mạnh sẽ vượt quá khả năng xử lý của công ty.

Ở góc độ khác, hiện để đảm bảo công tác thu gom rác tại khu vực cách ly được thông suốt, tránh tình trạng ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, công ty đã bố trí thường trực một đội hơn 300 công nhân (bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp). 

Tần suất hoạt động của các công nhân là 3 ca/ngày và 24/24h. Hiện công ty đã đề xuất UBND TPHCM hỗ trợ tiêm ngừa vaccin cho lực lượng này, do nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Thế nhưng, cho đến nay các công nhân vệ sinh môi trường trên vẫn chưa tiếp cận được nguồn vaccin phòng chống dịch Covid-19.

Xử lý rác thải nguy hại trong đại dịch Covid-19, hơn ngàn công nhân Citenco nỗ lực ngày đêm - Ảnh 7.

Chuyển rác thải nguy hại lên xe. Ảnh: T.Thương

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, với lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người lây nhiễm Covid-19 trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, phải được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên tiêm ngữa vaccin phòng Covid-19. 

Bên cạnh đó, Chính phủ và đặc biệt UBND TPHCM cần siết chặt quy trình thu gom rác thải từ khu vực có người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19, kết hợp đẩy nhanh đầu tư công nghệ xử lý rác thải này, giảm thiểu nguy cơ lan truyền dịch bệnh rộng trong cộng đồng.

Anh Triều Phước An - công nhân Citenco – nói: "Tôi được phân công đảm trách công việc từ năm 2020, khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xảy ra. Xuyên suốt thời gian dịch bệnh, cũng như tiếp nhận công việc, gần như tôi và các công nhân đều không dám trở về nhà. 

Xử lý rác thải nguy hại trong đại dịch Covid-19, hơn ngàn công nhân Citenco nỗ lực ngày đêm - Ảnh 8.

Mỗi công nhân vào ca làm việc, sau 20 ngày mới được trở về với gia đình. Ảnh: T.Thương

Bởi dù đã được công ty cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ và nước sát khuẩn, nhưng vì tính chất công việc là tiếp xúc với rác có nhiễm virus, nên không thể chắc chắn là mình có bị nhiễm hay không.

Không chỉ vậy, với các công nhân làm công việc này, thường xuyên bị kỳ thị; bị hàng xóm, thậm chí người thân xa lánh. Do vậy, để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân, gia đình và hàng xóm nên các anh em công nhân thường chọn cách là ở lại công ty. Và, chỉ về nhà sau khoảng 20 ngày, kể từ ngày ngưng tiếp nhận công việc. Riêng trong đợt dịch lần này, chúng tôi phải ở lại chỗ làm hơn 1 tuần nay, chưa về gia đình và chắc khi nào hết dịch mới về".

Anh Trần Văn Điệp - công nhân Chi nhánh Dịch vụ môi trường, Citenco – cho biết: "Gần 2 năm làm công việc này, nhưng nhiều công nhân vẫn chưa được hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19. Vì thế, rất mong TP cho anh em chúng tôi sớm được tiêm phòng vaccine Covid-19, để tự tin hơn trong thực hiện nhiệm vụ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem