Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa ban hành quy trình vận hành tạm thời hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Theo đó, nguyên tắc vận hành công trình là không làm thay đổi nguồn nước của các hệ sinh thái hiện tại (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên), không để xảy ra tranh chấp về nguồn nước, hạn chế tác động bất lợi đến các vùng liên quan, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các nhu cầu sử dụng nước, phát huy hiệu quả khai thác tổng hợp, phục vụ đa mục tiêu.
Trong mùa khô, khi mực nước trên sông giảm, độ mặn trong nước tăng cao, hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ vận hành để kiểm soát nước mặn, bảo vệ lúa mùa, lúa đông xuân, vùng cây ăn trái ở vùng nước ngọt. Sau khi hết mùa khô, các cổng sẻ mở tự do.
Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cũng sẽ vận hành theo hướng cấp nước giúp pha loãng khi nồng độ mặn ở khu vực nuôi tôm ở một số địa phương tăng cao.
Trong mùa mưa, hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ mở để tiêu nước, rửa phèn và cải tạo chất lượng nước.
Theo Bộ NNPTNT, trong thời gian các cống đóng kiểm soát mặn và trữ ngọt, phải luôn chủ động vận hành tiêu nước để tránh làm nguồn nước ô nhiễm ở hạ du, khi chất lượng nước trở lại bình thường, các cống được mở tự do như trạng thái ban đầu.
Bộ NNPTNT yêu cầu các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau phối hợp giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành, đồng thời báo cáo sự cố môi trường nếu có liên quan đến hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Nhiệm vụ của hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha (diện tích hưởng lợitrực tiếp là 333.620 ha, dện tích hỗ trợ là 50.500 ha). Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 346.241 ha, tập trung ở tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng chống thiên tai, kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực ĐBSCL.