Cà ra là loài cua sống ở nước ngọt, chủ yếu ở đáy các sông lớn và xuất hiện vào mùa lạnh (từ khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch). Hải Dương là một trong những địa phương nổi tiếng tập trung nhiều loài cua đặc sản này.
Đặc điểm nhận dạng của cà ra là hai càng có một nhúm lông màu đen dày và mềm mịn như nhung. Cà ra còn có tên gọi khác là cua ra, cua lông tùy theo từng địa phương. Trọng lượng của một con cà ra trưởng thành khoảng 150 - 200gr.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Miền, 44 tuổi, trú tại xã An Phượng, huyện Thanh Hà, Hải Dương, một "thợ săn" cà ra cho biết: "Chớm đông là khoảng thời gian cà ra xuất hiện nhiều nhất. Mùa này cà ra không chỉ xuất hiện nhiều mà thịt cũng rất ngon, nhiều gạch. Khi tiết trời chuyển rét, loài cua này bắt đầu bò từ các hang hốc ven sông ra sinh sản nên đánh bắt lúc này là phù hợp nhất".
Theo lời kể của anh Miền, gia đình anh đã hành nghề đánh bắt trên sông được gần 30 năm nên kinh nghiệm sông nước, mùa nào thức ấy để có kế hoạch đánh bắt khá chuẩn.
Trên chiếc thuyền nhỏ, từ năm 9-10 tuổi anh Miền đã cùng cha, chú lênh đênh trên sông nước để bắt tôm, cá. Đến nay, nhiều người rời quê đi "tứ xứ thập phương", nhưng anh Miền vẫn gắn bó với con sông quê hương.
"Mùa nào thức ấy, ra Tết thì chúng tôi săn bắt tôm, cá đến mùa rét thì lại chuyển sang bắt cà ra. Cứ thế, sông Thái Bình như một dòng máu đã nuôi nhiều thế hệ của gia đình tôi", anh Miền tươi cười nói.
Được biết, trước đây cứ đến mùa lạnh (khoảng tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), cà ra ở Hải Dương nhiều đến độ bò tràn cả lên đường. Người dân có thể bắt rất dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay để đánh bắt được loài vật này, người dân phải có kỹ thuật và đòi hỏi có kinh nghiệm mới khai thác được.
Theo chân vợ chồng anh Miền trên chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa mặt nước mênh mông, chúng tôi có cảm giác như được chứng kiến màn trình diễn rất hoàn hảo và điệu nghệ trước cảnh đánh bắt cà ra của vợ chồng anh.
Hai chân anh Miền nhịp nhàng chèo thuyền đưa vợ ra khu vực thả rọ bẫy cà ra. Sau đó, anh từ từ kéo sợi dây một cách thuần thục, các rọ bẫy cà ra lần lượt được nhô lên khỏi mặt nước và kéo lên thuyền.
Ngừng chèo thuyền, anh Miền cùng vợ mở nắp rọ lấy từng con cà ra thả vào xô. Sau đó, vợ chồng anh Miền lại cho mồi vào từng rọ, rồi lại từ từ rải đều xuống nước để bẫy mẻ tiếp theo.
Theo anh Miền, trước mùa cà ra khoảng một tháng, người dân phải làm rọ từ tre. Sau đó, đem rọ ngâm xuống nước khoảng 1 tháng cho hết mùi mới có thể sử dụng để bẫy cà ra được.
Để chuẩn bị cho một chuyến đi săn, đầu tiên cần chuẩn bị mồi câu cho vào từng rọ, sau đó buộc các rọ vào một sợi dây.
Mỗi rọ cách nhau khoảng 1 mét và chỉ có thể bẫy được 1 con cà ra. Mồi có thể là ốc, cá, tôm…nhưng tốt nhất là cá rô phi, vì giống cá này tanh nên hấp dẫn cà ra chui vào rọ. Chỉ với chi phí vài trăm nghìn là có thể đánh bắt cả mùa.
Hàng ngày, vợ chồng anh Miền thường có 2 lần đi ra sông đánh bắt cà ra vào khoảng 6 giờ 30 phút sáng và khảng 16 giờ chiều.
Anh Miền chia sẻ thêm, có hôm nước lặng khoảng thời gian đánh bắt giữa các lần có thể rút ngắn hơn, số lần đánh bắt tăng lên nên được nhiều cà ra hơn. Cà ra sinh sống ở đáy sông nên mắt thường không thể nhìn thấy. Việc xác định chỗ nào có cà ra đều phụ thuộc và kinh nghiệm. Thông thường những khu vực năm trước có thì năm sau cũng sẽ có.
"Chúng tôi phải quan sát bám theo con nước. Giống cua lông này dưới nước bơi nhanh như cá. "Hễ nghe thấy tiếng động là chúng mất hút nơi đáy sông. Bởi thế không bao giờ người ta có thể bắt được cà ra bằng tay mà phải dùng bẫy. Mỗi rọ khi bẫy sập thì chỉ bắt được một con cà ra", anh Miền chia sẻ.
Là loài cua rất ngon và bổ dưỡng nhưng cà ra chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn nên người dân luôn háo hức đợi mua.
Ghi nhận của PV tại bến sông nơi con thuyền nhỏ của vợ chồng anh Miền chuẩn bị đỗ để mang cà ra lên bờ, nhiều người dân đã chờ sẵn để mua cà ra. Họ muốn thưởng thức những mẻ ca ra tươi ngon khi vừa cập bến.
"Mùa này con nào cũng ngon. Loài này có thể hấp bia như ghẹ hoặc nấu canh như cua. Nhưng hương vị cà ra rất đặc biệt mà những loài cua, ghẹ không thể có được", anh Hoàng Văn Tùng một người mua chia sẻ.
"Thường ngày sau khi thu hoạch, vợ chồng tôi bán buôn với giá khoảng 300 - 350 nghìn/kg. Bắt được bao nhiêu, thương lái đều đến tận sông mua ngay. Vì là đặc sản không quây nuôi được nên giá cà ra khá cao mà vẫn đông khách. Nhiều người có tiền mà chậm chân chưa chắc đã mua được. Ngày nhiều tôi có thể bắt được 7-8 kg tương đương với hơn 2 triệu đồng. Hôm thất thu tôi cũng bắt được 1-2kg", anh Miền phấn khởi khoe.
Được biết, tuy đánh bắt cà ra có thu nhập tốt nhưng hiện nay tại xã An Phượng cũng như một số địa phương khác, số người làm nghề này còn rất ít ỏi.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Đỗ Hữu Thanh, Chủ tịch UBND xã An Phượng cho biết, trước kia xã có một thôn chuyên làm nghề đánh bắt trên sông Thái Bình. Do thời gian gần đây, tài nguyên thiên nhiên giảm dần, sản lượng cá, tôm trên sông còn ít nên các hộ dân dần bỏ nghề đi làm công việc khác.
"Hiện chưa có dự án chính thức nào trong việc quy hoạch, phát triển mô hình quây nuôi loài cà ra. Việc săn bắt tôm, cá, cà ra trên sông ở địa phương hiện chỉ một số ít hộ còn làm và là tự phát", ông Thanh thông tin thêm.