Gần đây, cơ quan biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nhận thấy rằng "các cơn bão có xu hướng xuất hiện nhiều và mạnh hơn trong 4 thập kỷ qua", có thể là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Trước khi Rai bắt đầu đổ bộ, ban đầu các nhà dự báo đã cảnh báo về một cơn bão có thể mang lại "thiệt hại đáng kể", với sức gió lên tới 165 km/giờ.
Nikos Peñaranda, một nhà dự báo chuyên nghiên cứu về giông bão tại cơ quan thời tiết quốc gia Philippines, cho biết: "Tình hình diễn biến rất nhanh. Các mô hình đã không thể dự đoán chính xác về cơn bão, nó vượt xa mọi dự đoán của chúng tôi".
Việc Rai mạnh lên nhanh chóng cũng khiến nước biển ấm hơn, đẩy cao tốc độ gió, trở thành một thảm họa nghiêm trọng. Rai sau đó đã trở thành siêu bão cấp 5, với tốc độ tương tự như khi một máy bay chở khách bắt đầu cất cánh.
Khi bão đổ bộ vào đất liền, sức gió lên tới 210 km/giờ đã làm bật nhiều gốc cây, quật ngã các cột điện và hất những tấm tôn, gỗ lên không trung.
Peñaranda cho biết, việc thiếu dữ liệu nghiên cứu về các cơn bão tương tự trong khu vực khiến các nhà dự báo khó có thể dự đoán được Rai sẽ mạnh lên đến đâu.
Clare Nullis, quan chức truyền thông chuyên về biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cho biết: "Việc chúng ta không dự đoán chính xác được sức mạnh của cơn bão khiến cho việc huy động sơ tán, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trở nên khó khăn hơn".
Theo WMO, nhiệt độ khu vực đại dương ở độ sâu 200 mét đang tăng nhanh hơn khoảng ba lần so với mức trung bình toàn cầu, khiến đây trở thành mảnh đất màu mỡ cho những cơn bão dữ dội hơn, khó dự đoán hơn.
Trong 3 thập kỷ qua, Philippines đã ghi nhận ít nhất 205 trận lốc xoáy nhiệt đới, cao nhất so với bất kỳ quốc gia châu Á nào, theo EM-DAT, kho cơ sở dữ liệu công khai về thiên tai của Đại học Louvain. Mỗi cơn bão trong số này đều từng cướp đi rất nhiều sinh mạng và gây ra thiệt hại trị giá hàng triệu đô la.
Để so sánh, Trung Quốc, quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai, chịu ảnh hưởng của 139 trận bão, còn Bangladesh, cũng là quốc gia dễ gặp bão, chịu 42 trận.