Liên quan đến việc tuy Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu hạt điều nhưng vẫn phải nhập một lượng nguyên liệu lớn, trong đó có nhập từ Campuchia, nhiều người bày tỏ sự lo ngại.
Cụ thể, tại Tọa đàm: "Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; Chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự băn khoăn trong con số kim ngạch xuất khẩu.
"Trong xuất khẩu chúng ta được cái gì và thực chất xuất khẩu bao nhiêu?" - GS.TS Nguyễn Văn Bộ nêu câu hỏi.
Ông Bộ ví dụ: Chúng ta xuất khẩu hạt điều rất nhiều nhưng không thấy nói đến nhập khẩu là bao nhiêu? hạt điều 2021 chúng ta nhập khẩu từ Camphuchia cỡ trên 1 tỷ USD. Gạo chưa có con số.
"Vậy thì hãy nói thật con số để có chính sách cho phù hợp với chiến lược về mặt xuất khẩu, nếu không chúng ta không có đường đi phù hợp với từng ngành hàng" - ông Bộ nêu quan điểm.
Nhưng dưới góc độ thương mại, bà Bùi Kim Thùy, đại diện cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, việc nhập khẩu nguyên liệu điều là hoàn toàn bình thường.
Theo bà Thùy, không nên quá quan ngại khi nhìn vào lượng kim ngạch nhập khẩu vì chúng ta đang sử dụng các yếu tố nhập khẩu như yếu tố đầu vào để gia công, chế biến, xuất khẩu đến những thị trường có FTA và những thị trường đó cho Việt Nam hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt thì tại sao lại không làm?
"Tổng giá trị nhập khẩu hạt điều so với tổng hạt điều sử dụng để chế biến xuất khẩu có thể chiếm 50% nhưng theo quan điểm của tôi thì không đáng lo ngại vì nhiều thị trường quy tắc xuất xứ rất linh hoạt. Nguyên liệu điều thô có xuất xứ từ bất kỳ đâu cũng được nhưng sau đó chế biến tại Việt Nam, khi xuất khẩu sang các thị trường CPTPP hay Hàn Quốc họ cũng không hề yêu cầu nguyên liệu điều có xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi nhu cầu thế giới về sản phẩm điều đang rất lớn, cung trong nước không đủ thì tại sao chúng ta không nhập để sản xuất, chế biến và xuất khẩu" - bà Thùy nêu câu hỏi.
Tại một hội nghị bàn giải pháp sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 được Bộ NNPTNT tổ chức, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) thông tin, tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước 302.500ha, tăng 5.300 ha; năng suất bình quân 12,1 tạ/ha; sản lượng khoảng 339.800 tấn.
Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam cần nhập khẩu khoảng 1,4 triệu tấn điều thô phục vụ chế biến.
Hiện, quỹ đất dành cho các loại cây trồng về cơ bản đã ổn định, trong khi so về hiệu quả kinh tế, cây điều đang kém cạnh tranh so với các cây trồng khác nên việc mở rộng diện tích là khó khả thi.
11 tháng năm 2021, Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 sang Việt Nam, chỉ sau Mỹ, với kim ngạch lên tới 3,3 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Campuchia mặt hàng điều, chiếm 61,7% kim ngạch nhập khẩu.
Theo ước tính, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 50.000 tấn, trị giá 326 triệu USD, giảm 5,8% về lượng và giảm 7,0% về trị giá so với tháng 10/2021, so với tháng 11/2020 tăng 8,1% về lượng và tăng 15% về trị giá.
Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 531.000 tấn, trị giá 3,34 tỷ USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong tháng 11/2021 đạt 6.528 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng 10/2021, nhưng tăng 6,4% so với tháng 11/2020.
Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt 6.290 USD/tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, cơ cấu xuất khẩu hạt điều của Việt Nam nhìn chung có sự biến động, ngoài việc tập trung xuất khẩu chủng loại hạt điều chính W320 và W240, ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hạt điều có giá trị cao như hạt điều W180.
Hạt điều W180 là chủng loại hạt điều có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 tháng năm 2021, tăng 43,4% về lượng và tăng 56% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt xấp xỉ 15 nghìn tấn, trị giá 127 triệu USD.
Giá xuất khẩu bình quân hạt điều W180 đạt 8.515 USD/tấn trong 10 tháng năm 2021, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2020.