Vì sao Campuchia phải tìm đường đưa 50.000 tấn nhãn vào Việt Nam tiêu thụ?

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 17/08/2021 15:43 PM (GMT+7)
Campuchia đang tìm đường đưa 50.000 tấn nhãn vào Việt Nam tiêu thụ. 70% nhãn Pailin của Campuchia được xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua Thái Lan, 30% còn lại được tiêu thụ ở thị trường nội địa.
Bình luận 0

Campuchia phải tìm đường đưa 50.000 tấn nhãn vào Việt Nam tiêu thụ

Hôm 13/8, tờ PhnomPenh Post (Campuchia) đưa tin, Campuchia và Việt Nam đã nhất trí về các yêu cầu kiểm dịch thực vật để cho phép nhãn Campuchia vào thị trường Việt Nam.

Trước đó, ngày 12/8, Bộ Nông Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đã phải kêu gọi các nhà xuất khẩu nhãn Pailin tìm cách chuyển hướng đưa trái nhãn sang Việt Nam tiêu thụ.

Nguyên nhân do đầu ra tại thị trường truyền thống Thái Lan gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh.  

Nhãn được trồng ở tỉnh Pailin, Campuchia. (Ảnh: PhnomPenh Post)

Nhãn được trồng ở tỉnh Pailin, Campuchia. (Ảnh: PhnomPenh Post)

PhnomPenh Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Chính phủ Campuchia cho biết, lệnh cấm vô thời hạn của Trung Quốc đối với nhãn Thái Lan là do nhãn bị nhiễm rệp sáp.

Ngày 12/8 vừa qua, tờ Bangkok Post (Thái Lan) dẫn lời ông Somdet Susomboon - Tổng giám đốc Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế xác nhận: Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm vô thời hạn đối với nhãn từ Thái Lan vì nhiễm rệp sáp. Lệnh cấm bắt đầu vào ngày 13/8.

Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan đã chỉ định tùy viên thương mại ở Trung Quốc tìm cách hoãn lệnh cấm. Bởi vì lệnh cấm được áp dụng trong thời gian quá gấp.

Nếu các cuộc đàm phán thất bại, xuất khẩu nhãn của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 70% nhãn của Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc, Bangkok Post cho biết.

Một thương nhân bày bán trái nhãn tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Phnom Penh Post)

Một thương nhân bày bán trái nhãn tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: Phnom Penh Post)

Lệnh cấm trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu trái cây nhãn Campuchia sang Thái Lan.

Và khi mùa thu hoạch nhãn chín rộ ở Campuchia, hàng chục nghìn tấn nhãn sẽ không thể đến được nơi tiêu thụ dự kiến.

Các thương nhân và nhà nhập khẩu Thái Lan đã hủy đơn đặt hàng, và một lượng đáng kể trái nhãn bị thối do không thể tiêu thụ kịp.

Ông Suon Chum - Phó chủ tịch Hiệp hội Nhãn Pailin (Campuchia) ước tính, khoảng 50.000 tấn nhãn Pailin sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm.

Nếu không xuất khẩu được thì nhãn sẽ hư trong vòng 20 ngày kể từ khi thu hoạch. Tất cả số nhãn đó sẽ bị loại bỏ vì không có phương tiện bảo quản, ông Suon Chum cho biết. 

Rệp sáp hoành hành trên nhãn

Ông Hean Vannhorn – Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Nông nghiệp (Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia) cho biết: Nhãn Pailin loại nhãn mà Thái Lan thường mua để đóng gói lại, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Hean Vannhorn nhấn mạnh rằng: Rệp sáp nói chung không làm cho cây nhãn trở nên độc hại đối với con người.

Tuy nhiên, rệp sáp có thể là môi giới truyền một số bệnh thực vật. Điều này khiến rệp sáp trở thành loài được kiểm dịch thực vật được quốc tế quan tâm.

Một trường hợp tương tự từng xảy ra vào năm 2016. Khi đó, Trung Quốc cấm chuối của Philippines nhập khẩu vào nước này sau khi phát hiện sự hiện diện của rệp sáp.

Nông dân tỉnh Tiền Giang kiểm tra rệp sáp trên trái nhãn. (Ảnh: Hoàng Vũ)

Nông dân tỉnh Tiền Giang kiểm tra rệp sáp trên trái nhãn. (Ảnh: Hoàng Vũ)

Trao đổi với Báo Dân Việt, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp Hội Rau Quả Việt Nam cho rằng, rệp sáp có thể chỉ là nguyên nhân "bề nổi" của vấn đề.

Lâu nay Trung Quốc vẫn nhập khẩu trái nhãn từ Thái Lan. Tuy nhiên tác động từ dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thông thương toàn cầu, trong đó có Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang trồng hàng trăm ngàn ha nhãn. Thời điểm thu hoạch của nhãn Trung Quốc lại tương đồng với mùa vụ nhãn ở Việt Nam, Campuchia...

"Việc Trung Quốc cấm cửa với nhãn từ Thái Lan thực chất là để tiêu thụ lượng nhãn khổng lồ cũng đang chín rộ ở trong nước. Đây mới là nguyên nhân sâu xa", ông Nguyên giải thích.

Theo Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia, nhãn Pailin dự kiến sẽ là loại trái cây thứ 3 của Campuchia được xuất khẩu chính thức trực tiếp vào thị trường Trung Quốc, sau chuối và xoài. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi.

Do tắc đường xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa Thái Lan, Campuchia phải tìm cách tiêu thụ một phần sản lượng nhãn ở thị trường Việt Nam. Ở Việt Nam,  mùa nhãn cũng đang chín rộ tại nhiều tỉnh thành.

Nông dân tỉnh Bình Phước đang thu hoạch trái nhãn. Ảnh chụp ngày 9/8. (Ảnh: Huyền Trân)

Nông dân tỉnh Bình Phước đang thu hoạch trái nhãn. Ảnh chụp ngày 9/8. (Ảnh: Huyền Trân)

Việc nhãn Campuchia nhập vào thị trường trong nước còn tùy thuộc vào các quy định kiểm dịch thực vật, giá cả và chất lượng. Hiệp hội Rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường. Cũng theo ông Nguyên, việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm với nhãn Thái Lan cũng dễ hình dung. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NNPTNT Việt Nam), dự kiến năm 2021, tổng sản lượng nhãn trên cả nước đạt 637.000 tấn, tăng khoảng 8% so với 2020.

Tại khu vực phía Nam, sản lượng nhãn cả năm ước đạt 337.000 tấn. Nửa đầu năm 2021, khu vực phía Nam đã thu hoạch khoảng 60.000 tấn (47,5%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem