Tại sao nông sản Campuchia ùn ùn đổ sang Việt Nam, loại nào nhiều nhất?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 06/09/2021 18:30 PM (GMT+7)
8 tháng năm 2021 ghi nhận hiện tượng: Một lượng lớn nông sản Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó, hạt điều chiếm số lượng nhiều nhất.
Bình luận 0

8 tháng, Việt Nam nhập từ Campuchia 2 tỷ USD các loại nông sản

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Campuchia là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn nhất với giá trị kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần.

Trong đó, Campuchia xuất khẩu nhiều nhất hạt điều sang Việt Nam, chiếm tới 72,2% giá trị xuất khẩu nông sản của Campuchia sang Việt Nam.

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2021, lượng điều nhập khẩu của Việt Nam đã vượt 2,03 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3,05 tỷ USD, giá trung bình 1.499 USD/tấn, tăng 160,2% về lượng, tăng 207% về kim ngạch và tăng 18% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số các thị trường nhập khẩu, thì nhập khẩu từ Campuchia tăng đột biến, đưa Campuchia trở thành nhà cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam. 

Cụ thể, trong 7 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia gần 1,1 triệu tấn hạt điều, kim ngạch hơn 1,83 tỷ USD, tăng 455,9% về lượng, tăng 632% về kim ngạch.

Giá nhập khẩu từ Campuchia cũng tăng mạnh 31,7%, đạt 1.678,6 USD/tấn. 

Tại sao nông sản Campuchia ùn ùn đổ sang Việt Nam, loại nào nhiều nhất? - Ảnh 1.

Campuchia xuất khẩu nhiều nhất hạt điều sang Việt Nam, chiếm tới 72,2% giá trị xuất khẩu nông sản của Campuchia sang Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến hạt điều tại Công ty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước). Ảnh: Công ty Hoàng Sơn 1.

Xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2021 đạt 32,1 tỷ USD

Theo Bộ NNPTNT, dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn có sự tăng trưởng.

Cụ thể, 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22% so với tháng 07/2021.

So với tháng 7/2021, chỉ có 3 nhóm sản phẩm tăng là sắn và sản phẩm từ sắn (+26,6%), sản phẩm từ ngũ cốc (+1,1%), sữa và sản phẩm sữa (+0,8%) còn lại đều giảm mạnh về giá trị xuất khẩu. Giảm mạnh nhất là sản phẩm gỗ, cá tra và tôm, rau củ, phân bón, hồ tiêu,...

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân 8 tháng nhiều mặt hàng nông sản tăng: Hồ tiêu đạt 3.327,4 USD/tấn (+51,4%), cao su đạt 1.670,7 USD/T (+30,9%), gạo đạt 535,3 USD/T (+9,4%), cà phê đạt 1.858,5 USD/T (+8,6%), sắn đạt 256 USD/T (+13,2%), chè đạt 1.669,4 USD/T (+4,7%). 

Để đạt được mục tiêu đề ra, trong những tháng cuối năm, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các thị trường Peru, Úc, Brazil, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc… trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp.

Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (nhãn, thạch đen, vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt… nông sản đang vào vụ thu hoạch) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc,… 

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và cơ quan thương vụ tại nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, doanh nghiệp các cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem