Khổ qua là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở ĐBSCL, có tiềm năng phát triển rất lớn, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiểu được vấn đề đó nhiều người dân trồng mía ở phường Hiệp Thành (TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) tận dụng khoảng đất trống ở mỗi đầu hàng mía trồng thêm khổ qua góp phần tăng thêm thu nhập.
Khổ qua có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng 2 tháng.
Khổ qua có thể trồng nhiều vụ trong năm, nhưng thích hợp vào 2 thời điểm, từ tháng 3 - 6 và từ tháng 10 - tháng Chạp (âm lịch).
Khi dây khổ qua bắt đầu bò, người dân tiến hành làm giàn chồm ra mương nước.
Điển hình trong việc thực hiện mô hình trồng khổ qua trong ruộng mía kiểu kết hợp này là hộ ông Chung Văn Trắng.
Ông Trắng cho biết, việc trồng khổ qua kết hợp với mía có nhiều cái lợi là khi chăm sóc, tưới nước, bón phân cho mía thì cây khổ qua cũng được hưởng lợi. Mặt khác khi thu hoạch khổ qua rất nhẹ công do làm giàn cho khổ qua bò ra mương, góp phần tiết giảm chi phí.
Trung bình cứ mỗi đợt thu hoạch, 1 ha trồng khổ qua trong ruộng mía sẽ thu được từ 2 đến 03 tấn trái.
Với giá bán khổ qua được thương lái thu mua tại ruộng là từ 6.000 đến 8.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu về lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/công.
Cây khổ qua không phải là đối tượng cây trồng mới nhưng khi tận dụng để kết hợp phát triển cùng mía đã khẳng định tính hiệu quả kinh tế cao.
Người trồng mía ở TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đã thật sự tìm được cây trồng kết hợp cải thiện đời sống chứ không trông chờ may rủi vào giá mía như trước đây.