Sáng 26/12, nhiều cán bộ dân quân tự vệ phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội mang theo giấy in sẵn có nội dung "Thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, cửa hàng chỉ bán mang về" trực tiếp dán toàn bộ các cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn phường.
Là khu vực cấp độ dịch 3 (vùng cam – nguy cơ cao) nên từ 12h ngày hôm nay, UBND quận Tây Hồ yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát trên địa bàn chỉ được phép bán hàng mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày. Sáng nay, nhiều cửa hàng tranh thủ bán phục vụ khách tại chỗ sau đó bắt đầu treo biển bán mang về. Ai cũng chấp hành nghiêm theo quy định phòng chống dịch của thành phố.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Vũ Ngọc Toàn, chủ quán cơm sườn trên phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ chia sẻ, cửa hàng của anh hoạt động đến nay đã 9 năm nhưng đây là năm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Ngay từ tối qua (25/12) khi nhận thông tin quận Tây Hồ thông báo hàng quán chỉ được bán mang về, những người kinh doanh như tôi đều rất buồn, nhưng vì mục tiêu chống dịch, mọi người phải chấp hành nghiêm chỉnh", anh Toàn chia sẻ.
Theo anh Toàn, hiện gia đình đang thuê 2 cửa hàng bán cơm sườn, bún bò ngay sát nhau có tổng diện tích 150m2 với giá gần 50 triệu đồng mỗi tháng. Trong đợt giãn cách vừa qua, chủ nhà cũng bớt cho gia đình một phần nào để đỡ gánh nặng chi phí. Cửa hàng anh có 18 nhân viên phục vụ.
"Trong năm qua do dịch bệnh ảnh hưởng nên cửa hàng lúc đóng, lúc mở, gia đình tôi cố gắng vượt qua. Tôi kinh doanh ở đây đã 9 năm, năm nay khó khăn nhất. Suốt thời gian dài qua tôi cố gắng duy trì gần như không có lãi, chỉ đủ tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên. Tuy nhiên, thương hiệu mình đã đầu tư tâm sức nên phải cố gắng duy trì kể cả sắp tới có phải vay mượn cũng cố vượt qua", anh Toàn nói.
Chủ quán này cho hay, nếu bán tại chỗ mỗi ngày gia đình anh có khoảng 600-700 khách nhưng khi được bán mang về, số lượng giảm đi chỉ còn khoảng 300 suất.
"Mặc dù có chút buồn khi chỉ được bán mang về nhưng chúng tôi ủng hộ quyết định của quận và thành phố. Việc này cũng sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh tốt hơn. Được bán hàng là may mắn rồi. Nhiều nhân viên hiểu, chia sẻ với tôi còn chưa lấy lương cả năm nay. Tết đến phải lo cho mọi người. Nếu không lo cho mọi người mình sẽ không giữ được chân nhân viên", anh Toàn bày tỏ.
Cùng tâm trạng như anh Toàn, anh Lều Thọ Trung (45 tuổi, chủ quán nước ở đường Thanh Niên, quận Tây Hồ) cho hay, với việc ghi nhận số ca mắc chạm mốc gần 2.000 người mỗi ngày như hiện nay, anh ủng hộ quyết định dừng bán ăn uống tại chỗ.
"Tôi bán nước giải khát nhiều khách nhất vào khoảng 2 tháng hè (tháng 5,6) - 2 tháng phải giãn cách xã hội nên năm nay kinh doanh như lỗ, ảnh hưởng nhiều. Song quan trọng nhất lúc này là sức khoẻ mọi người được bảo vệ", anh Trung nói.
Điều anh Trung mong muốn nhất hiện nay đó là số ca mắc trên địa bàn Hà Nội giảm đi, trẻ nhỏ được đến trường và mọi người tiếp tục trở lại cuộc sống, công việc như trước đây.
Tranh thủ phục vụ khách trước giờ dừng bán hàng tại chỗ, chị Trần Thị Lan (SN 1982 ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) xác định, nếu chỉ bán mang về, doanh thu kinh doanh của gia đình sẽ giảm khoảng 70%.
"Quận và thành phố đưa ra quyết định dừng bán hàng tại chỗ với khu vực nguy cơ cao thì người dân phải chấp hành. Dịch bệnh khiến việc kinh doanh của các hộ trên cả nước bị ảnh hưởng. Không có trường hợp nào tử vong là điều may mắn lắm rồi. Trước đây, gia đình tôi thuê nhân viên hỗ trợ nhưng kể từ khi dịch vợ chồng tự đảm nhiệm mọi việc để cắt giảm chi tiêu tối đa", chị Lan nói thêm.
Theo thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Hà Nội đã ghi nhận 8 địa phương ở cấp độ 3 (tức "vùng cam"), gồm các quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoàng Mai.
Ở trạng thái dịch cấp độ 3, các quận "vùng cam" của Hà Nội đều yêu cầu các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày. Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến.