Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng", Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 25/12/2021 16:01 PM (GMT+7)
Trước việc nhiều người dân ở "vùng cam" đã di chuyển sang "vùng vàng" để hưởng các dịch vụ như ăn uống tại chỗ, một số chuyên gia y tế đã nêu quan điểm trong công tác phòng chống dịch của Hà Nội.
Bình luận 0

Dừng ăn uống tại chỗ ở "vùng cam", dân sang "vùng vàng" có hợp lý?

Ngày 25/12, theo ghi nhận của PV Dân Việt, quán phở Thìn ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) thuộc "vùng cam" phải dừng phục vụ tại chỗ, chỉ được phép mang về. Vì vậy, cửa hàng đã nhờ quán cà phê cách đó 100m ở phố Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm phục vụ khách ăn tại chỗ.

Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng”, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? - Ảnh 1.

Nhân viên quán phở Thìn ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, hướng dẫn khách di chuyển từ "vùng cam" sang "vùng vàng" ăn phở. Ảnh: Gia Khiêm

Như vậy, với việc người dân "chuyển vùng" để được phục vụ ăn uống tại chỗ, nhiều người băn khoăn Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch?

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, việc dừng các dịch vụ không thiết yếu trong phạm vi một vài quận, huyện không còn hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng”, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? - Ảnh 1.

Nhân viên quán phở ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội bê đũa từ "vùng cam" sang quán cà phê phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm) thuộc "vùng vàng" sáng ngày 25/12 phục vụ khách. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Hùng phân tích, số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao đã được dự báo từ trước kể từ khi thành phố mở cửa bình thường mới trở lại. Nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, các quận trung tâm đồng loạt đóng cửa dịch vụ không thiết yếu sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Bi hài: Quán phở nổi tiếng Hà Nội ở vùng cam "lách luật", bê phở sang "vùng vàng" bán cho khách. Clip: Gia Khiêm

"Mầm bệnh virus SARS-CoV-2 đã âm thầm lây lan trong cộng đồng lâu nay. Dù giãn cách thì các thành viên trong gia đình vẫn gặp nhau hàng ngày, người dân vẫn phải đi chợ và đi làm, sự tiếp xúc giữa người này với người kia là không thể tránh khỏi. Nếu còn ca bệnh chưa được phát hiện, virus sẽ tiếp tục lây cho người khác. Chưa kể giao thương hàng hóa, đi lại giữa Hà Nội với các tỉnh thành vẫn diễn ra hàng ngày, mầm bệnh từ nơi khác có thể xâm nhập.

Hiện các quận, huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng ở Hà Nội đang có nhiều giải pháp như yêu cầu nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày để giảm tải sự lây nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến người dân quận này hoàn toàn có thể sang quận khác ăn uống, mua bán. Như vậy, biện pháp này không những không hiệu quả mà còn có thể làm tăng khả năng lây lan", ông Hùng cho hay.

Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng”, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? - Ảnh 3.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng mạnh những ngày qua. Ảnh: CDC Hà Nội

Ông Hùng cho rằng, khi F0 tăng, thay vì loay hoay tìm cách "siết" một số hoạt động, quan trọng nhất là phải có giải pháp để điều trị, hỗ trợ điều trị F0 để không bị diễn biến nặng, nếu diễn biến nặng không tử vong, giảm quá tải cho ngành y tế và các bệnh viện.

Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng”, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? - Ảnh 4.

Nhân viên quán phở di chuyển sang "vùng vàng" phục vụ khách. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Hùng, cần tổ chức thu dung, điều trị người bị nhiễm một cách hợp lý, hiệu quả, đặc biệt chú trọng tới "tầng 1" trong tháp điều trị. Hiện nay, Hà Nội đang cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, F0 diễn tiến nặng hoặc nguy cơ diễn tiến nặng (người cao tuổi, bệnh nền) được chuyển tới bệnh viện theo dõi.

Theo chuyên gia y tế, hiện tại rất khó đoán định khi nào dịch bệnh của Hà Nội lên đến đỉnh. Đặc biệt, đây lại là thời điểm cuối năm, có nhiều hoạt động, giao thương tập trung đông người.

"Hà Nội nên nhanh chóng tăng cường nhân lực cho y tế phường, có thể kêu gọi các bệnh viện tư nhân, nhà thuốc, các thầy thuốc nghỉ hưu, tình nguyện viên,… tham gia hỗ trợ. Đồng thời, phân chia đầu việc rõ ràng để lực lượng y tế phường không phải cùng lúc đảm đương quá nhiều nhiệm vụ. Khi số nhiễm lớn, điều rất quan trọng là phải có nhiều kênh thông tin, liên lạc thường trực 24/24, giao trách nhiệm rõ ràng để người bệnh có thể xin tư vấn từ xa, yêu cầu hỗ trợ khi cần", ông Hùng nêu ra.

Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng”, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? - Ảnh 5.

Nhân viên y tế phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên

"Nên linh hoạt, cửa hàng nào chật chội, không đảm bảo thì dừng bán ăn uống tại chỗ"

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội cũng nên xem xét điều chỉnh việc áp dụng dừng bán ăn uống tại chỗ ở quận này nhưng quận khác vẫn thực hiện.

"Việc quan trọng nhất mọi người phải đảm bảo giãn cách ở nơi đông người, không tập trung đông, đảm bảo an toàn cho bản thân. Việc áp dụng dừng hoạt động ăn uống ở quận này nhưng dân có thể sang quận khác ăn uống tại chỗ bình thường cũng sẽ rất khó", ông Nga bày tỏ.

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lại cho rằng, trước số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đang tăng cao như hiện nay việc Hà Nội đang áp dụng dừng bán ăn uống tại chỗ ở những khu vực có nguy cơ cao cũng là điều dễ hiểu.

Theo ông Phu, việc người dân "vùng cam" đến "vùng vàng, xanh" ăn uống tại chỗ có nhưng sẽ không quá nhiều. Nếu không thực hiện dừng bán tại chỗ, những khu vực nguy cơ cao sẽ gây nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Dừng ăn uống tại chỗ ở “vùng cam”, dân sang “vùng vàng”, Hà Nội có nên thay đổi phương án chống dịch? - Ảnh 6.

Túi thuốc điều trị F0 tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên

"Chính vì ăn uống không kiểm soát được nên Hà Nội mới quyết định dừng bán tại những khu vực vùng 3 (vùng cam). Tuy nhiên, tôi cho rằng thành phố nên linh hoạt trong việc cho dừng bán dịch vụ ăn uống tại chỗ như không phải theo địa giới hành chính mà chúng ta nên đánh giá theo nguy cơ, có thể áp dụng cả quận nhưng ở quận khác chỉ vài phường, thậm chí một phường chỉ ở phố tập trung đông người nguy cơ cao. Cửa hàng nào chật chội, không đảm bảo thì dừng bán ăn uống tại chỗ... Đó là sự thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch, nguy cơ đến đâu xử lý tới đó", ông Phu nêu.

Ngày 24/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thành phố ghi nhận 1.834 ca mắc Covid-19, trước đó một ngày Thủ đô thêm 1.765 ca. Tròn 10 ngày Hà Nội liên tiếp có trên 1.000 ca và liên tục được xếp đầu cả nước về số người nhiễm Covid-19.

Như vậy, số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4 đến nay): 35.643 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 12.990 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 22.653 ca.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem