Chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, 8 quận nội thành là "vùng cam", Hà Nội cần làm gì?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 25/12/2021 17:21 PM (GMT+7)
Số ca Covid-19 trong cộng đồng tăng nhanh trong những ngày gần đây khiến 8 quận nội thành Hà Nội chuyển sang cấp độ 3, tức vùng có nguy cơ cao. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Hà Nội cần những biện pháp mạnh, quyết liệt hơn.
Bình luận 0

UBND TP Hà Nội vừa công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19, được cập nhật đến ngày 24/12. Trong đó, 8 quận của Hà Nội chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam, tức vùng có nguy cơ cao) và 67 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3.

Với việc ghi nhận toàn thành phố chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, 8 quận thành "vùng cam" và nhiều ngày được xếp có số người mắc cao nhất cả nước, Hà Nội cần biện pháp gì đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát?

Chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, 8 quận nội thành là "vùng cam", Hà Nội cần làm gì? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ F0 điều trị tại nhà ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc công bố đánh giá cấp độ dịch đã đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh tại Hà Nội. 

Theo ông Phu, việc đánh giá cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Công văn 4800 của Bộ Y tế về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, 8 quận nội thành là "vùng cam", Hà Nội cần làm gì? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế đến kiểm tra sức khoẻ F0 tại nhà ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

"Hà Nội nới lỏng chắc chắn ca nhiễm, ổ dịch tăng lên. Cơ bản thành phố phải kiểm soát các tiêu chí như số ca mắc nặng, ca nhập viện, số lượng tiêm chủng vaccine, đặc biệt hệ thống y tế trong đó có hệ thống y tế cơ sở phải tư vấn, điều trị, theo dõi kịp thời. 

Từ đó, phân tầng thật tốt các trường hợp F0 để không gây quá tải hệ thống y tế cũng như giảm số ca tử vong. Việc này rất cần thiết. Phải đánh giá đúng tình hình thực tế, chứ trong tình hình bình thường mới mà không đánh giá theo vùng cấp độ dịch đã được quy định sẽ rất nguy hiểm", ông Phu nêu.

Chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, 8 quận nội thành là "vùng cam", Hà Nội cần làm gì? - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc công bố đánh giá cấp độ dịch đã đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh tại Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng cho rằng, đánh giá để đưa ra căn cứ phù hợp, hiệu quả. Đánh giá đúng sẽ can thiệp đúng, kịp thời. 

"Từ nay đến Tết dương lịch và âm lịch người dân đi lại, giao lưu nhiều, nguy cơ dịch sẽ bùng phát. Mặc dù Hà Nội hiện nay vẫn kiểm soát được dịch, số ca nặng và ca tử vong chưa thật cao nhưng không kiểm soát dịch ngay sẽ bùng phát mạnh, gây quá tải hệ thống y tế và không kiểm soát được. Vì vậy, các địa phương cần quyết liệt trong thời điểm này. Nếu không dịch bùng lên sẽ rất nguy hiểm và phức tạp", ông Phu nhấn mạnh. 

Chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày, 8 quận nội thành là "vùng cam", Hà Nội cần làm gì? - Ảnh 4.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 điều trị cho F0 chuyển nặng. Ảnh: Thạch Thảo

Vị chuyên gia này cũng nêu, việc ca bệnh tăng mạnh gần 2.000 người mắc trong ngày như hiện nay, Hà Nội cần những biện pháp mạnh, quyết liệt hơn như: Hạn chế hoạt động thiết yếu như ăn uống tại khu vực nguy cơ cao. Tuy nhiên không phải vì thế mà người dân quá lo sợ. 

"Thành phố cần phải xem xét thật kỹ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hoạt động nào thiết yếu vẫn cho hoạt động nhưng kiểm soát an toàn,  hoạt động nào không thiết yếu có thể ngừng. Tôi ví dụ như liên hoan, đám cưới, đám tang cần quy định chặt chẽ hơn. Việc đi lại ở các địa phương đảm bảo an toàn, bên cạnh đó tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm", ông Phu cho biết thêm.

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, có 2 điểm quan trọng hiện tại Hà Nội cần làm đó là tiếp tục hạn chế tối đa tử vong và dập từng ổ dịch một cách triệt để. Việc này để hạn chế tối đa việc lây nhiễm cộng đồng, hạn chế số ca mắc mới. 

"Nếu Hà Nội có số ca mắc lên hơn 3.000 bệnh nhân mỗi ngày chắc chắn sẽ quá tải hệ thống y tế. Nếu quá tải thì có thể sẽ đi vào vòng xoáy mà TP.HCM đã gặp phải, là điều mà chúng ta không muốn. 

Nếu điều trị tốt cho F0 sẽ không dẫn đến tình trạng vào viện nhiều, y tế cũng sẽ không quá tải. Theo tôi, thành phố cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở phòng chống dịch. Trạm y tế lưu động có khả năng thu dung những ca không có điều kiện cách ly tại nhà, nhưng chủ yếu F0 vẫn điều trị tại nhà sẽ tốt nhất", ông Nhung nêu.

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất tại Hà Nội có 8 quận của Hà Nội chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam, tức vùng có nguy cơ cao. Gồm: quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Nam Từ Liêm. Duy nhất huyện Phúc Thọ ở cấp độ 1, nguy cơ thấp, tương ứng với màu xanh. 21 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2 và không có quận, huyện nào thuộc "vùng đỏ" (cấp độ 4 - nguy cơ rất cao).

Về cấp xã, phường, có 396 xã, phường thị trấn ở cấp độ 1; 116 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 67 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 và không có địa bàn nào ở cấp độ 4.

Trong 14 ngày trở lại đây, Hà Nội ghi nhận 17.732 ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Thành phố cũng có 27 xã, phường ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng và được xếp vào cấp độ 3.

Đến nay, ở Hà Nội tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 đạt 98,2%. Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine đạt 95,1%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem