Rượu cần được bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên làm quanh năm. Vào dịp cuối năm, bà con sẽ làm nhiều hơn so với ngày thường.
Bởi thời điểm này sẽ diễn ra nhiều lễ như: Cúng nhà, cúng đất, tiệc mừng thọ người lớn tuổi, cúng lúa mới…
Vào những ngày này, nhiều gia đình ở thôn Plei Chrung (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) rộn ràng lên núi hái nhiều lá, vỏ, rễ cây để làm men rượu. Đây được coi là "hồn" của ghè rượu ở nơi đây.
Vụ thu hoạch lúa vừa kết thúc, cả gia đình bà Nay H' Lơm (50 tuổi, xã Ia Piar) đang chuẩn bị các nguyên liệu để ủ rượu cần, làm sạch các ghè lớn, ghè bé đựng rượu, kiểm tra men, trấu, lá chuối…
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhà bà Lơm sẽ ủ hơn 10 ghè rượu để phục vụ trong các lễ cúng, sự kiện trọng đại của gia đình.
"Với rượu cần, men rượu làm nên hương vị đặc trưng nhất. Nó là một trong những vật liệu quyết định sự thành công hay thất bại của ghè rượu. Việc làm men rượu cần truyền thống của người Jrai mình công phu lắm, nhất là công đoạn đi tìm nguyên liệu để tạo nên men đúng chuẩn nhất".
Rượu cần ngon hay không là do men rượu làm ra, men ngọt hay cay cũng tùy cách chế biến của từng người, của từng dân tộc. Để làm men rượu cần, những phụ nữ Jrai có kinh nghiệm trong nhà phải lên rừng tìm rễ, vỏ của hơn 10 loại cây rừng như: hiam, pơnoc, oach, hang, jũ,...
"Ngày trước, nguyên liệu làm men rượu rất dễ tìm, chỉ cần men theo bìa rừng là có đủ các loại cây mang về, ngay nay thì hơi khó", bà Nay H' Lơm chia sẻ.
Ngoài các loại cây rừng, trong men còn có các nguyên liệu như: Than lửa, ớt, lá, củ riềng, mía và đặc biệt là gạo.
Khi có đủ các thành phần, tất cả sẽ được rửa sạch, băm nhỏ và đem xay thành bột. Sau đó trộn với nước để vo thành từng viên bỏ vào trấu và ủ trong 3 ngày. Công đoạn ủ xong, thì tiếp tục lấy viên men đó phơi khô trong 10 ngày là có thể sử dụng.
Theo bà H' Lơm, khi đã có men, tiếp theo là công đoạn ủ rượu cần. Nguyên liệu làm rượu cần tốt nhất là gạo, hạt kê, bắp. Rượu cần nấu từ các nguyên liệu này có nồng độ cao, uống không đau đầu.
Công đoạn làm rượu, nguyên liệu phải được nấu chín sau đó hong ra để nguội rồi rắc men lên, đem ủ kín trong một ngày để lên men hoặc ngửi thấy mùi thơm, nồng của rượu thì trộn với trấu.
Tiếp theo là chọn ghè để cho nguyên liệu vào, sau đó bịt kín ghè cất trên dưới một tháng là có thể uống được. Đối với rượu cần, để càng lâu rượu càng ngon, hương vị càng đậm đà.
Khi rượu cần đã đủ thời gian được sử dụng, người Jrai thường đắp trên men rượu các loại lá rừng hoặc lá chuối, lấy 3-4 thanh nứa vót mỏng rồi đan đè lên để ngăn nguyên liệu nổi khi rót nước vào ghè.
Đặc biệt, sau khi đổ nước ngập bề mặt lá đã đắp, cần phải ngâm rượu khoảng 1-2 giờ đồng hồ. Bởi làm như vậy, rượu cần sẽ ngấm và ngon hơn.
Rượu cần của người Jrai ở nơi đây có đầy đủ vị chua, ngọt, cay, đắng. Từ đó, tạo nên ghè rượu cần đặc trưng của bản sắc dân tộc Jrai ở huyện Phú Thiện.
Người Jrai nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung luôn có quan niệm rượu cần là nước uống của Yàng (thần linh)... mang lại niềm vui, sự tốt lành, nên trong các dịp lễ tết, các sự kiện trọng đại của buôn làng, gia đình không thể thiếu rượu cần.
Uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của các dân tộc Jrai từ ngàn xưa. Bà Lơm cho biết: "Trong các lễ cúng của gia đình không thể thiếu và cần số lượng ghè rượu rất nhiều. Trong đó, lễ cúng nhà, đất có 8 ghè rượu được xếp từ lớn tới nhỏ bằng một cọc cây cắm thẳng lên trần nhà để cố định các ghè".
Cũng theo bà Lơm, theo phong tục từ xưa, luôn tồn tại "luật" uống rượu cần. Uống rượu cần sẽ ngồi vòng quanh ghè rượu, không ai khui rượu cần để uống một mình.
Mỗi cuộc rượu bao giờ cũng có không khí tập thể. Đã uống rượu không ai phân biệt kẻ sang người hèn, người có chức quyền hay tôi tớ và không phân biệt nam nữ, thế hệ trước hay sau...
Khi đã được mời uống, người cầm cần rượu phải uống hết một căn (cây tre bẻ dọc xuống, có độ dài 3cm để đo lượng nước) hoặc một ly nước đổ vô ghè thì mới hoàn thành "phép uống". Uống rượu cần không đơn thuần là một tiệc rượu mà là một nét văn hóa bản địa.
Ngoài nghĩa vụ với các thần linh, rượu cần còn biểu hiện đầy đủ tính tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của gia chủ. Vào những ngày đầu năm, bà con Jrai cùng ngồi thành vòng tròn, say sưa bên những ghè rượu và cùng dành cho nhau những lời chúc bình an, đậm đà bản sắc dân tộc.