Thanh Hóa: Cả làng "phết quệt" làm thứ bánh đặc sản tương truyền xưa kia Bà Triệu dùng để khao quân

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:20 AM (GMT+7)
Bánh răng bừa là một món ăn truyền thống ở nhiều vùng quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền, bánh răng bừa là do Bà Triệu "sáng chế" ra và vua bà dùng loại bánh đặc sản này để khao quân sau mỗi trận đánh giặc Ngô phương Bắc.
Bình luận 0

Clip: Bánh răng bừa do làng Sinh Ý, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Tương truyền, bánh răng bừa là do Bà Triệu Thị Trinh sáng chế ra và dùng làm lương thực để khao quân...

Người dân nơi đây đã chắt lọc những hạt gạo ngon nhất cùng kết hợp với các loại gia vị quê hương làm nên những chiếc bánh rang bừa thơm ngon, đậm đà, trở thành một món ngon nức tiếng.

Chưa ăn bánh lá răng bừa chưa phải về Thanh Hóa

Chúng tôi tìm về làng xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào những ngày đầu tháng 11. 

Ở đây, người dân vẫn lưu truyền câu chuyện về Bà Triệu là người đã sáng chế ra loại bánh răng bừa làm lương thực cho quân sỹ đánh giặc Ngô xâm lăng. 

Từ truyền thuyết đó, như đã thành lệ, bánh răng bừa trở thành loại bánh truyền thống gắn liền với vùng quê này từ bao đời nay.

Về xứ Thanh thưởng thức món bánh răng bừa trứ danh nơi đây - Ảnh 2.

Bánh răng bừa được người làng Sinh Ý, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá xem là bánh truyền thống hàng trăm năm. Ảnh: Hữu Dụng

Theo người dân, bánh có tên là bánh răng bừa vì hình dáng trông giống cái răng trong lưỡi bừa của người nông dân. Cái tên toát lên sự chân chất, giản dị mà thắm tình thôn quê của loại bánh đặc sản trăm năm này.

Để trực tiếp chứng kiến cách người dân nơi đây làm nên loại bánh đặc sản thơm ngon, chúng tôi đã ghé thăm gia đình ông Ngô Văn Phiên ở làng Sinh Ý (nay là thôn 5 Tân Thành, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đúng lúc gia đình ông Phiên đang tập trung gói bánh lá răng bừa.

Về xứ Thanh thưởng thức món bánh răng bừa trứ danh nơi đây - Ảnh 3.

Bánh răng bừa được làm từ gạo và trồng tại xã Minh Sơn. Ảnh: Hoài Thu.

Ông Phiên chia sẻ: "Nghề làm bánh lá của gia đình đã xuất hiện hàng trăm năm nay từ thời cha ông truyền lại. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được cha mẹ dạy cho cách làm bánh. Chiếc bánh răng bừa là món ăn truyền thống. Ở làng Sinh Ý bánh lá được làm từ loại lúa trồng trên thổ nhưỡng đất Minh Sơn thì bánh càng thơm ngon".

Theo ông Phiên, cách làm bánh răng bừa không khó nhưng cũng chẳng đơn giản, nó đòi hỏi ở người làm một sự kiên trì, khéo léo và chút bí quyết gia truyền để chiếc bánh ngon hơn. 

Bên cạnh đó, do khách hàng ngày càng khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên toàn bộ nguyên liệu gia đình ông sử dụng để làm bánh đều là nguyên liệu tự  nhiên.

Về xứ Thanh thưởng thức món bánh răng bừa trứ danh nơi đây - Ảnh 4.

Ông Ngô Văn Phiên ở làng Sinh Ý (nay là thôn 5 Tân Thành, xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ, bánh răng bừa có một vị riêng so với các vùng khác của xứ Thanh. Ảnh: Hoài Thu

Ông Phiên cho biết, gạo làm bánh là loại gạo dẻo do gia đình tự gieo trồng. Loại gạo này có đặc điểm dẻo thơm, có độ kết dính cao. Chọn gạo tẻ đều hạt, bóng, ngâm nước 4 - 5 tiếng rồi vớt ra để xay trong cối đá theo tỷ lệ gạo, nước vừa phải sau đó đưa đi ráo bột.

"Để có được chiếc bánh ngon dẻo thì khâu ráo bột được coi là khâu quan trọng trong làm bánh lá răng bừa, đòi hỏi người làm phải biết pha cân đối lượng nước, bột và muối...Sau đó bắc nồi bột lên bếp để lửa cháy nhỏ. Phải khuấy đều tay để bột không bị vón cục, cứ như vậy đến khi bột đủ độ dẻo", ông Phiên nói.

Đối với nhân bánh, thịt lợn nạc vai giòn được lựa chọn cẩn thận rồi đem băm nhỏ trộn với hành khô, mộc nhĩ và nêm các gia vị như hạt tiêu, muối trắng vừa phải, sau đó đem xào chín cho nhân vừa đậm đà, thơm ngon.

Về xứ Thanh thưởng thức món bánh răng bừa trứ danh nơi đây - Ảnh 5.

Nguyên liệu làm bánh răng bừa gồm: Bột gạo, thịt lợn nạc vai giòn, mộc nhĩ, lá dong (hoặc lá chuối) và các gia vị. Ảnh: Hữu Dụng

Lá để gói bánh răng bừa thường là lá chuối hoặc lá dong tươi, không rách nát. Lá sau khi cắt xong, rửa sạch, hơ qua lửa nhằm tăng độ dẻo cho lá, cắt từng tấm lá đủ để quấn một cái bánh, rồi lau khô.

Khi gói bánh, dùng thìa phết một lượng bột vừa đủ tán đều vào lá chuối rồi cho nhân bánh vào giữa và cuốn lại. Người làm phải xoay bánh nhẹ tay để cho bánh tròn đều, nhân được cuộn vào trong, sau đó gấp hai đầu bánh lại. 

Bánh răng bừa gói xong, xếp ngay ngắn vào nồi, đổ nước vào luộc chín. Khi ăn, chấm bánh với một chút nước mắm cốt để tăng thêm hương vị đậm đà của bánh.

Xây dựng bánh lá răng bừa thành sản phẩm OCOP

Theo ông Phiên, trước đây, bánh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết hay những khi trong nhà có công việc lớn nhỏ.

Về xứ Thanh thưởng thức món bánh răng bừa trứ danh nơi đây - Ảnh 6.

Hiện nay người làng Sinh Ý làm bánh răng bừa phục vụ theo yêu cầu của khách hàng. Ảnh: Hoài Thu

Còn ngày nay, do nhu cầu của thực khách, bánh lá răng bừa trở nên phổ biến và được làm quanh năm.

Làng Sinh Ý làm bánh răng bừa không chỉ phục vụ người dân trong thôn, trong xã mà còn bán cho dân cả các vùng lân cận. Mỗi chiếc bánh có giá từ 2.500 - 3.000 đồng/chiếc tùy theo đơn đặt hàng của khách.

Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng bánh răng bừa tiêu thụ cũng giảm sút. Hiện mỗi ngày cơ sở sản xuất của hộ gia đình ông Ngô Văn Phiên xuất bán khoảng 500 - 600 chiếc bánh. Ngoài ra, gia đình ông cũng tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng.

Về xứ Thanh thưởng thức món bánh răng bừa trứ danh nơi đây - Ảnh 7.

Để làm nên một cái bánh răng bừa phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Hữu Dụng

Ông Trịnh Khắc Trúc – Bí thư Đảng ủy xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết, bánh lá răng bừa không chỉ là một trong những đặc sản của vùng mà nghề làm bánh cũng góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương những lúc nông nhàn.

Nhằm hỗ trợ cho sản phẩm bánh lá răng bừa phát triển, thời gian tới, xã Minh Sơn sẽ tập trung quy hoạch vùng trồng lúa để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu làm bánh. Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm, gia vị liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

"Trong tương lai gần, xã sẽ quy hoạch làng nghề truyền thống, tiến tới xây dựng bánh lá răng bừa là sản phẩm OCOP của địa phương. Lấy nghề làm bánh "vua bà"-bánh răng bừa làm ngành nghề truyền thống để tổ chức sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu. Khi bánh đã đạt tiêu chuẩn và có thương hiệu thì thị trường tiêu thụ sẽ tốt hơn, nhờ đó thu nhập của người dân cũng sẽ tăng", ông Trịnh Khắc Trúc thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem