Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La (Bài 3): Để những cuộc hôn nhân không đong đầy nước mắt

Mùa Xuân - Tuệ Linh Thứ tư, ngày 03/11/2021 07:00 AM (GMT+7)
Hiện nay, một bộ phận đồng bào Mông ở nhiều xã, bản vùng cao của tỉnh Sơn La vẫn còn tồn tại không ít các hủ tục, như chuyện thách cưới với giá trị tài sản rất cao; tình trạng hôn nhân cận huyết, tình trạng bắt vợ, tảo hôn...
Bình luận 0

Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền thôn ở bản Rừng Thông chia sẻ về quá trình tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện cam kết tổ chức tang ma, cưới hỏi theo nếp sống văn minh...

Không có bạc trắng, lợn to thì không lấy được người mình yêu

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi tìm về các xã vùng cao của huyện Thuận Châu (Sơn La). Xuất phát từ thành phố Sơn La vào lúc sáng sớm tinh mơ, vượt hơn 70 km, băng qua những cung đường ngoằn ngoèo, khúc cua tay áo, cái rét đầu mùa đông kèm theo mưa phùn càng thêm lạnh buốt hơn.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ ngồi trên chiếc xe gắn máy chúng tôi mới đặt chân đến bản Co Mạ, xã Co Mạ (huyện Thuận Châu) nơi sinh sống của 92 hộ dân, với 462 nhân khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Mông trắng.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 2.

Ông Và Sái Di kể lại câu chuyện tình kết thúc không có hậu vì hủ tục thách cưới bằng bạc trắng. Ảnh: Mùa Xuân.

Trong ngôi nhà gỗ truyền thống lợp tấm fibrô ximăng đang có những làn khói bay lên từ bên bếp lửa, ông Và Sái Di, bước ra cửa đón chúng tôi vào nhà. Ông Di năm nay đã ngoài 80 tuổi. Những bước chân đi chậm chạp, tay chống gậy chập chững, khuôn mặt sắt lại với nhiều nếp nhăn, lắng đọng dấu ấn của những tháng ngày vất vả gian khổ nhất.

Ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, chúng tôi được nghe ông Di kể lại câu chuyện về mối tình dang dở của ngày xưa. 

Ông Di vẫn nhớ từng chi tiết, ông bảo rằng: "Gia đình tôi đông con lắm, có 9 anh, em. tôi là con thứ hai trong gia đình. Khi tôi hơn 10 tuổi thì bố tôi bị bệnh nặng không qua khỏi, để lại mẹ tôi và những con thơ dại. Cuộc sống vốn đã khó khăn, mất đi trụ cột chính trong gia đình thì khó khăn lại chồng chất khó khăn, muốn có miếng ăn phải lên rừng hái măng, tìm hoa chuối rừng…".

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 3.

Tục uống rượu bằng sừng bò, sừng trâu của đồng bào Mông trong nghi lễ cưới xin. Ảnh: Tuệ Linh.

Những năm 70 của thế kỷ XX, ông Di yêu được một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn tên là Thào Thị S, ở bản Long Hẹ, xã Long Hẹ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La). Cuộc tình kéo dài được hai năm. Trải qua bao tháng ngày mặn nồng, đắm say nhưng cuối cùng lại vụt mất chỉ vì không có đồng bạc trắng.

"Thời đấy muốn lấy được vợ, phải có từ 10 - 20 đồng bạc trắng, một con lợn 100 kg, 10 lít rượu…Tổng trị giá để lấy được một người vợ thời đó phải mất tương đương gần 50 triệu đồng thời bây giờ. Mà tiền ngày ấy quý lắm, với người nghèo như tôi thì để kiếm được các vật thách cưới trị giá cao như thế là khó như tìm đường lên trời...", ông Di kể.

Để se duyên cho có vợ có chồng, với người nghèo như ông Di ngày ấy thì không còn cách nào khác là phải lấy những người phụ nữ góa phụ. 

Theo quan điểm của người Mông, nếu lấy người phụ nữ đã lỡ một lần đò hay góa phụ thì bên nhà trai sẽ không phải mất nhiều đồ sính lễ như đồng bạc trắng, lợn, gà, rượu cho nhà gái nữa mà chỉ làm một ít thủ tục rồi nên vợ chồng.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 4.

Hệ luỵ từ uống rượu bằng sừng trâu, sừng bò đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự. Ảnh: Tuệ Linh.

Sau đó, ông Di lấy được một góa phụ cùng bản chung sống hạnh phúc, cùng nhau vượt khó, lao động sản xuất để có của ăn, của để. Điều mừng nhất với ông Di là ông đã vực dậy được bản thân, giúp đỡ 5 em trai lấy được vợ, có một cuộc sống đầm ấm sung túc như ngày hôm nay. Ông Di, nhớ lại.

Nhắc về ông Di, ông Và Sếnh Súa (em trai ông Di) cũng không giấu được niềm xúc động, ông Súa, bảo: Tôi luôn biết ơn người anh trai, một mình ông vừa làm cha, vừa làm mẹ, đã giúp cưới vợ cho tôi nên người.

Cưới vợ một ngày cả đời kéo cày trả nợ

Rời bản vùng cao Co Mạ trong cái lạnh buốt của đầu mùa đông, chúng tôi về bản Sơn Tra, xã Nà Bó (huyện Mai Sơn, Sơn La) gặp ông Hờ A Của để tìm hiểu thêm về tục thách cưới của người Mông. 

Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng ông Của lại may mắn hơn khi lấy được người mình yêu thương nhưng cũng phải mất 60 đồng bạc trắng thách cưới.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 5.

Ông Hờ A Của phải mất 60 đồng bạc trắng tương đương 60 triệu đồng thời bây giờ mới cưới được bà Mùa Thị Sâu. Ảnh: Mùa Xuân.

Với số bạc trắng đó, vợ chồng ông Của cùng phải nhịn ăn, chịu đói, lam lũ làm việc quần quật, vất vả quanh năm, tích góp từng đồng một, phải mất nhiều năm trời ròng rã mới trả được hết nợ thách cưới.

Cầm trên tay những đồng bạc trắng từ thời Pháp thuôc được cất giữ như kỷ vật nhiều năm. Những đồng bạc trắng khắc nổi dòng chữ Piastre de commerce, United states of America có biểu tượng của nước Pháp là nữ thần tự do Marianne...Ghé mắt xem số hiệu in trên đó thì những đồng bạc này được phát hành từ những năm 1877, 1902, 1903…

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 6.

Đồng bạc trắng trước đây người Mông dùng để thách cưới. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo bà Mùa Thị Sâu (vợ ông Của), đúng ra thì trước đó gia đình bố mẹ bà Sâu chỉ lấy có 30 đồng bạc trắng (tương đương 30 triệu đồng) khi thách cưới ông Của. Tuy nhiên do dòng họ Hờ của nhà ông Của (chồng bà Sâu) trước có con gái gả chồng cho dòng họ Lầu, họ đòi thêm 30 đồng bạc trắng nữa nên với ông Của mới có chuyện "có đi có lại như vậy".

Và theo đó, nhà gái (tức họ nhà bà Sâu) tăng từ 30 đồng lên 60 đồng bạc trắng thách cưới. Trước đây đồng bạc trắng được sử dụng khá phổ biến và là thứ không thể thiếu trong các nghi lễ lớn của người Mông, người Thái...và có giá trị rất lớn. 

"Nay bạc trắng không còn giá trị như xưa nên tôi chỉ còn giữ lại một số đồng làm kỷ niệm cho con cháu xem...", ông Của thổ lộ.

Sau giây phút bần thần như nhớ lại những kí ức xa xưa, bà Sâu, bảo: "Thời đó, nếu không có đồng bạc trắng thì việc cưới hỏi không bao giờ được tiến hành. Nhiều cặp đôi yêu nhau mặn nồng đến mấy nhưng thiếu đồng bạc trắng thì cuộc tình vẫn dang dở. Lại có những cặp yêu nhau nhưng chẳng đủ bạc trắng lấy nhau, vì cay đắng mà phải từ bỏ cõi nhân gian, rất đáng thương...".

Thách cưới là để dựng vợ gả chồng cho con cháu...

Khi đồng bạc trắng dần thất thế và thay vào đó là tiền Việt Nam đồng như hiện nay thì khi nhà ai có con cháu lấy nhau, không phải thách cưới bằng bạc trắng. 

Trong cộng đồng dân tộc Mông ở tỉnh Sơn La có những dòng họ khi lấy nhau chỉ lấy 200 nghìn đồng cho bố mẹ. Nhưng cũng có dòng họ bảo tùy thuộc vào khoảng cách giữa hai gia đình mà sẽ lấy từ 2 -10 triệu đồng, kèm theo đó là trâu, bò, lợn, gà, rượu...

Dù có những thay đổi nhưng những con số về tiền, tài sản thách cưới vẫn không có "mức trần" nên vẫn sinh ra những dị nghị, khó khăn cho cả 2 họ trước mỗi đám cưới, hỏi.

Ông Giàng A Sáng, Bí thư chi bộ bản Rừng Thông (xã Mường Bon, huyện Mai Sơn), nói."Chính vì con số không thống nhất được với nhau, nên Ban quản lý bản Rừng Thông đã đứng ra chủ trì một cuộc hội thảo bàn về việc thực hiện quy ước cưới xin với 25 bản Mông của huyện Mai Sơn và huyện Mường La. Sau đó, thống nhất con số tối đa là 10 triệu đồng. 

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 7.

Phát huy vai trò của đảng viên, ông Giàng A Sáng (áo đỏ), Bí thư Chi bộ bản Rừng Thông đến từng hộ dân tuyên truyền người dân về Luật Hôn nhân gia đình, tránh hôn nhân cận huyết, tảo hôn; thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng Mông. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo bản cam kết đã được ký giữa bản Rừng Thông với 25 bản Mông giáp ranh huyện Mai Sơn, huyện Mường La: Khi trai, gái lấy vợ (chồng) thì phải được sự đồng ý của hai bên và trên cơ sở tự nguyện. Bố mẹ không được ép hôn, cưỡng hôn. Nếu hai bên không yêu thương nhau và lấy nhau thì phải biết rõ lai lịch của gia đình.

Khi trai gái yêu nhau muốn tiến tới hôn nhân thì gia đình nhà trai phải nhờ 2 người làm trung gian đi thoả thuận với nhà gái. Cấm các trường hợp bắt vợ, lấy chồng không đủ tuổi theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là khi đang ở lứa tuổi học sinh, những người làm cha, làm mẹ tuyên truyền cho con cháu không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống.

Cuộc cách mạng phong tục người Mông ở Sơn La: Bài 3: 10 triệu đồng đắt hay rẻ để lấy được vợ? - Ảnh 8.

Anh Giàng A Dạy, Bí thư Chi đoàn bản Rừng Thông vui mừng khi nhiều hủ tục trong nghi lễ cưới xin đã được xoá bỏ. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo bản cam kết của 26 bản người Mông huyên Mai Sơn và huyện Mường La, trong quá trình tổ chức lễ cưới thì bỏ một số hủ tục như: Không phải mang theo mỡ, muối, thuốc lá, đôi gà sống, lợn, trâu, bò gì thêm cho bên nhà gái như phong tục trước đây. Bên gia đình nhà gái cũng không được đòi hỏi gia đình nhà trai thêm tài sản gì sau khi đã thoả thuận.

Anh Giàng A Dạy, Bí thư Chi đoàn bản Rừng Thông cho hay: Sau khi 26 bản tiến hành ký cam kết vào ngày 10/11/2020, một số hủ tục lạc hậu trước đây bi bãi bỏ như thách cưới, hát đối đáp nhau, chúc rượu say cho chú rể và nhà trai...Đến lúc vào mâm, chú rể và phù rể khi uống rượu chỉ phải uống như mức những người khác, không được ép rượu bằng sừng trâu, sừng bò, ép rượu bằng bát... Tin vui là đến nay, các bản tham gia ký cam kết đều thực hiện đúng các nội dung văn minh, tiến bộ, các hủ tục đã từng bước được xoá bỏ...

(Còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem